Góp ý về dự thảo Luật Tương trợ tư pháp về dân sự

18/10/2024

Sáng 18/10, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp tổ chức Hội thảo góp ý dự thảo Luật Tương trợ tư pháp về dân sự nhằm lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức liên quan để hoàn thiện Dự thảo Luật, đảm bảo tính khả thi và đáp ứng các yêu cầu thực tiễn. Dự thảo Luật Tương trợ tư pháp về dân sự dự kiến sẽ trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 9 và thông qua tại Kỳ họp thứ 10.

Tháo gỡ vướng mắc pháp lý, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp

Quang cảnh Hội nghị

Vụ trưởng Vụ Pháp luật quốc tế Bạch Quốc An và Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật quốc tế (Bộ Tư pháp) Phạm Hồ Hương đồng chủ trì Hội thảo.

Cùng dự có: Đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội, đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang; đại diện các bộ, ngành Trung ương như Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao), Tòa án nhân dân cấp tỉnh, cơ quan Nhà nước cấp tỉnh thuộc một số tỉnh phía Bắc; Vụ Pháp luật quốc tế, Bộ Tư pháp.

Luật Tương trợ tư pháp (TTTP) được Quốc hội thông qua năm 2007 và có hiệu lực từ 01/7/2008. Đây là cơ sở pháp lý về các cơ quan tư pháp Việt Nam hợp tác với cơ quan có thẩm quyền nước ngoài giải quyết các vụ việc dân sự, hình sự xuyên biên giới, đồng thời cũng là cơ sở pháp lý cho hoạt động đấu tranh phòng, chống tội phạm quốc tế thông qua việc điều chỉnh hoạt động dẫn độ và chuyển giao người đang chấp hành phạt tù.

Tuy nhiên, qua 15 năm thi hành Luật Tương trợ tư pháp năm 2007 nói chung và các quy định về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự nói riêng đã bộc lộ nhiều hạn chế cần phải sửa đổi, phù hợp với yêu cầu phát triển của các quan hệ dân sự xuyên biên giới, pháp luật và thông lệ quốc tế trong bối cảnh hội nhập, góp phần hoàn thiện khung pháp lý để đáp ứng các yêu cầu mới.

Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật quốc tế (Bộ Tư pháp) Phạm Hồ Hương phát biểu khai mạc Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật quốc tế (Bộ Tư pháp) Phạm Hồ Hương cho biết, trên cơ sở tổng kết của các bộ, ngành về công tác TTTP, Chính phủ đã nhất trí với đề xuất tách Luật TTTP thành các luật riêng điều chỉnh từng lĩnh vực tương trợ tư pháp về dân sự, tương trợ tư pháp về hình sự, dẫn độ và chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù, trong đó giao Bộ Tư pháp chủ trì xây dựng Luật TTTP về dân sự, trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9 và thông qua tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XV.

Việc xây dựng Luật TTTP về dân sự cũng thực hiện nhiệm vụ "Hoàn thiện pháp luật điều chỉnh mối quan hệ giữa pháp luật Việt Nam và pháp luật quốc tế" được đề ra tại Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.

Theo Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật quốc tế, Bộ Tư pháp đã thành lập Ban soạn thảo, Tổ biên tập là đại diện các cơ quan, đơn vị ở trung ương và địa phương có liên quan trực tiếp đến công tác TTTP về dân sự; tổ chức các cuộc họp Ban soạn thảo, Tổ biên tập khẩn trương xây dựng dự thảo Luật Tương trợ tư pháp về dân sự. Hội thảo cũng là một trong các hoạt động để Bộ Tư pháp có thêm thông tin thực tiễn, nhận được những ý kiến góp ý cho việc xây dựng và hoàn thiện dự thảo Luật bảo đảm tính khả thi, dễ áp dụng sau khi được ban hành”, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật quốc tế (Bộ Tư pháp) Phạm Hồ Hương nêu rõ.

Các đại biểu dự Hội thảo

Tại Hội thảo, các đại biểu nghe các chính sách đề xuất xây dựng Luật Tương trợ tư pháp về dân sự; bố cục và cơ cấu dự thảo Luật Tương trợ tư pháp về dân sự; nội dung chính và những điểm mới của dự thảo Luật Tương trợ tư pháp về dân sự.

Theo đó, dự thảo Luật Tương trợ tư pháp về dân sự được xây dựng gồm 6 Chương, 47 Điều với nhiều điểm mới. Cụ thể, dự thảo Luật đã định nghĩa thuật ngữ “tương trợ tư pháp” và thống nhất sử dụng thuật ngữ này trong toàn bộ dự thảo Luật thay cho thuật ngữ “uỷ thác tư pháp” như Luật TTTP hiện hành; quy định rõ điều kiện để áp dụng pháp luật nước ngoài trong trường hợp không có điều ước quốc tế hoặc điều ước quốc tế không quy định. Đồng thời sửa đổi, bổ sung quy định về nguyên tắc thực hiện TTTP về dân sự; quy định mới về trình tự, thủ tục thực hiện yêu cầu TTTP về dân sự khác; bổ sung và quy định cụ thể hơn thẩm quyền thực hiện yêu cầu TTTP....

Các đại biểu đã trao đổi, thảo luận về những điểm mới của dự thảo Luật TTTP về dân sự; thảo luận về một số nội dung như: dự thảo Luật đã đảm bảo cụ thể hóa đầy đủ các giải pháp chính sách đề xuất xây dựng Luật đã được phê duyệt hay chưa; tính khả thi, thuận lợi cho các cơ quan, tổ chức có liên quan hiểu và áp dụng trình tự, thủ tục TTTP trên thực tiễn; những lợi ích của việc xã hội hóa một phần hoạt động TTTP, sự cần thiết và tính khả thi, những thách thức của việc áp dụng công nghệ thông tin trong công tác TTTP về dân sự...

Đại biểu Nguyễn Tuấn Thịnh - Đoàn ĐBQH TP.Hà Nội phát biểu tại Hội thảo

Một số ý kiến nhận thấy, dự thảo Luật TTTP về dân sự đã khắc phục nhiều bất cập, hạn chế của Luật hiện hành và nội luật hoá các quy định của điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên trong lĩnh vực TTTP dân sự. Về thẩm quyền yêu cầu TTTP về dân sự của Việt Nam, dự án Luật TTTP đã có sự mở rộng thẩm quyền hơn, cụ thể quy định toà án nhân dân là một trong các cơ quan có thẩm quyền thực hiện TTTP. Có ý kiến cho rằng, việc mở rộng thẩm quyền yêu cầu TTTP về dân sự cho Toà án nhân dân các cấp là phù hợp với yêu cầu thực tiễn và các quy định pháp luật sẽ có hiệu lực trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng, Luật TTTP hiện hành cũng thiếu cơ sở pháp lý để đa dạng các phương thức thực hiện TTTP mới và ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động TTTP về dân sự. Vì vậy, việc quy định cho phép chuyển giao yêu cầu TTTP về dân sự của Việt Nam bằng phương thức điện tử tại dự thảo Luật mới sẽ tạo hành lang pháp lý để đa dạng hoá các phương thức thực hiện; đồng thời rút ngắn thời gian và đem lại hiệu quả tốt hơn cho công tác TTTP. Đại biểu nhận thấy, đây là quy định rất cần thiết để đáp ứng yêu cầu đổi mới, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan nhà nước, góp phần giảm bớt số lượng hồ sơ bản giấy và bổ sung hồ sơ điện tử.

Một số hình ảnh tại Hội thảo:

Quang cảnh Hội thảo

Bà Trần Thị Minh Hà, Trưởng phòng Tư pháp quốc tế và tương trợ tư pháp (Vụ Pháp luật quốc tế, Bộ Tư pháp) giới thiệu những nội dung chính và những điểm mới của dự thảo Luật TTTP về dân sự

Các đại biểu dự Hội thảo

Vụ trưởng Vụ Pháp luật quốc tế Bạch Quốc An và Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật quốc tế (Bộ Tư pháp) Phạm Hồ Hương đồng chủ trì Hội thảo

Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật quốc tế (Bộ Tư pháp) Phạm Hồ Hương điều hành nội dung thảo luận

 

Các đại biểu dự Hội thảo 

Vụ trưởng Vụ Pháp luật quốc tế Bạch Quốc An điều hành nội dung thảo luận

Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (TANDTC) Lê Mạnh Hùng trình bày về những điểm mới của Luật Tương trợ tư pháp về dân sự và tác động đến hoạt động giải quyết vụ việc có yếu tố nước ngoài

Ông Vi Hoàng Chung, Trưởng phòng Quan hệ lãnh sự, Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao trình bày vị trí, vai trò của cơ quan ngoại giao trong công tác tương trợ tư pháp về dân sự

Bà Nguyễn Thị Việt Hồng, Phó Trưởng Ban dịch vụ Hành chính công, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam nêu những điểm mới của Luật Tương trợ tư pháp về dân sự về vai trò của Bưu điện trong tống đạt giấy tờ của nước ngoài

Bà Nguyễn Thị Vân Thúy, Phó Chánh tòa Gia đình và người chưa thành niên, TAND TP. Hải Phòng./.

Bích Ngọc - Nghĩa Đức