28 nhóm ý kiến, kiến nghị cử tri Hà Nội gửi tới Kỳ họp thứ 8 của Quốc hội
Bí thư Thành ủy Bùi Thị Minh Hoài và các đồng chí chủ trì buổi làm việc.
Tham dự buổi làm việc có Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn; Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Phạm Thị Thanh Mai; đại diện các cơ quan thành phố, các đại biểu Quốc hội Đoàn Hà Nội...
Thay mặt UBND thành phố báo cáo tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải cho biết, 9 tháng năm 2024, thành phố đã nghiêm túc bám sát và quán triệt các chủ trương, đường lối của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước; các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.
Thực hiện chỉ đạo của Thành ủy, UBND thành phố đã ban hành chương trình hành động xác định tập trung vào 5 trọng tâm chỉ đạo, 24 chỉ tiêu và 94 nhiệm vụ chi tiết, yêu cầu các sở, ban, ngành và địa phương gắn trách nhiệm cá nhân với tiến độ hoàn thành, quán triệt theo tinh thần “3 rõ” (rõ quy trình giải quyết, tiến độ, chất lượng, hiệu quả công việc; rõ thẩm quyền, trách nhiệm; rõ kết quả kiểm tra, đôn đốc, xử lý người đứng đầu trong thực thi công vụ).
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải báo cáo tại hội nghị
Mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng tính chung 9 tháng, kinh tế - xã hội thành phố tiếp tục phát triển. GRDP tăng 6,12% (cùng kỳ tăng 5,99%). Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 376.430 tỷ đồng, bằng 92,1% dự toán, tăng 22,2% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 30 tỷ USD, tăng 16,8% so với cùng kỳ. Các ngành kinh tế thành phố đều tăng trưởng khá, tiêu biểu là dịch vụ, du lịch; trong đó tổng số khách quốc tế đến Hà Nội đạt hơn 4,5 triệu lượt, tăng hơn 40%, doanh thu du lịch đạt hơn 81.000 tỷ đồng.
Thành phố đã triển khai đồng bộ nhiều nhiệm vụ chính trị, cùng các chủ trương lớn, quan trọng đạt nhiều kết quả tích cực. Trong đó, để triển khai thi hành Luật Thủ đô (sửa đổi), thành phố đã thành lập tổ công tác, tiến hành rà soát xác định nhiệm vụ, chỉ đạo và cho ý kiến về nội dung, quy trình xây dựng các văn bản thuộc thẩm quyền của thành phố trong năm 2024 (gồm 33 văn bản quy phạm, 6 văn bản cá biệt); đồng thời đã trao đổi, phối hợp với các bộ, ngành trung ương được giao nhiệm vụ xây dựng 6 nghị định của Chính phủ quy định chi tiết những nội dung được giao trong Luật Thủ đô bảo đảm tiến độ theo kế hoạch. Thành phố đã khẩn trương hoàn thiện hồ sơ đề nghị thành lập quận và các phường của huyện Đông Anh, huyện Gia Lâm trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong quý IV-2024 hoặc đầu quý I-2025...
Các đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội nghị
Tại hội nghị, đại diện Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân thành phố cũng đã báo cáo kết quả công tác với các đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội; các đại biểu cũng đã tiếp thu báo cáo tổng hợp kiến nghị cử tri thành phố Hà Nội gửi tới kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV.
Trao đổi, làm rõ thêm một số vấn đề quan tâm, các đại biểu Quốc hội đánh giá cao vai trò, trách nhiệm, năng lực lãnh đạo, chỉ đạo của Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy, quản lý, điều hành của HĐND, UBND thành phố, sự vào cuộc của Mặt trận Tổ quốc cùng các tổ chức đoàn thể thành phố thời gian qua, nhất là đã kịp thời ứng phó với cơn bão số 3, bảo đảm an toàn cho nhân dân, giảm thiểu thiệt hại; hoàn thành xuất sắc đợt diễn tập Khu vực phòng thủ Hà Nội được Bộ Quốc phòng đánh giá cao; tổ chức thành công chuỗi hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày giải phóng Thủ đô tạo tiếng vang, khơi dậy niềm tin, lòng tự hào, tạo khí thế phấn khởi trong nhân dân...
Các đại biểu Quốc hội cũng nêu một số vấn đề đề nghị thành phố tập trung chỉ đạo như phát huy mạnh tiềm năng công nghiệp văn hóa, “Thành phố sáng tạo”, chuyển đổi số, triển khai thi hành Luật Thủ đô (sửa đổi)...
Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn phát biểu
Tập trung giải quyết vấn đề cử tri quan tâm, sớm ban hành văn bản cụ thể hóa Luật Thủ đô năm 2024
Kết luận buổi làm việc, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài đề nghị các đại biểu Quốc hội trong Đoàn tiếp tục quan tâm, theo dõi, nắm chắc các hoạt động, các chủ trương lãnh đạo, chỉ đạo của thành phố qua các buổi làm việc, qua công tác giám sát, khảo sát, tiếp xúc cử tri, tiếp công dân và nghiên cứu các báo cáo của thành phố chuyển tới đại biểu Quốc hội để có thêm thông tin thực tiễn của địa phương trong hoạt động nghị trường của Quốc hội; nhất là tiếp tục quan tâm, tăng cường giám sát đồng hành cùng thành phố triển khai các nhiệm vụ sắp tới.
Bí thư Thành ủy Bùi Thị Minh Hoài phát biểu kết luận
Đồng chí Bùi Thị Minh Hoài đề nghị Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Tòa án nhân dân thành phố, Viện Kiểm sát nhân dân, các sở, ban, ngành thành phố tiếp thu đầy đủ ý kiến của các đại biểu Quốc hội và những vấn đề mà đại biểu và cử tri quan tâm; tạo điều kiện thuận lợi nhất để các đại biểu Quốc hội trong Đoàn hoạt động theo nhiệm vụ, quyền hạn.
UBND thành phố, các cấp, các ngành thành phố tập trung chỉ đạo khắc phục ngay những tồn tại, hạn chế đã được nêu trong các ý kiến, kiến nghị của các Đoàn giám sát để tạo sự chuyển biến rõ nét hơn trong công tác chỉ đạo và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chính trị của Thủ đô đạt hiệu quả cao nhất.
Đặc biệt, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội đề nghị UBND thành phố tập trung giải quyết 26 vấn đề tổng hợp từ các cuộc tiếp xúc cử tri trước kỳ họp của các đại biểu Quốc hội; tiếp thu, giải quyết các ý kiến các đại biểu Quốc hội nêu tại hội nghị. Trước mắt, HĐND, UBND thành phố tập trung hoàn thành sớm các văn bản triển khai đưa Luật Thủ đô vào cuộc sống bảo đảm tận dụng tốt nhất các cơ chế đặc thù vượt trội để phát triển; tháo gỡ vướng mắc, tăng cường chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án trọng tâm, trọng điểm...
Bí thư Thành ủy Bùi Thị Minh Hoài phát biểu kết luận
Đồng chí Bùi Thị Minh Hoài tin tưởng với tinh thần trách nhiệm cao với cử tri và nhân dân, với Quốc hội, các đại biểu Đoàn Hà Nội tiếp tục phản ánh đầy đủ tâm tư, nguyện vọng của cử tri và nhân dân đến nghị trường, góp phần thiết thực vào thành công của kỳ họp và sự đổi mới hoạt động của Quốc hội.