Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái lấy ý kiến tham gia vào Dự án Luật Việc làm (sửa đổi)

14/10/2024

Chiều 14/10, tại Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh, đồng chí Nguyễn Quốc Luận - Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái đã chủ trì Hội nghị lấy ý kiến tham gia vào Dự án Luật Việc làm (sửa đổi) trình tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái Đỗ Đức Duy tiếp xúc cử tri chuyên đề với doanh nghiệp, hợp tác xã

Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) được kết cấu gồm 9 chương và 130 điều (Luật Việc làm năm 2013 gồm 7 chương và 62 điều), được sắp xếp gồm: Những quy định chung, gồm 6 điều; chính sách hỗ trợ tạo việc làm, gồm 21 điều; đăng ký và quản lý lao động, gồm 12 điều; hệ thống thông tin thị trường lao động gồm 9 điều; phát triển kỹ năng nghề, gồm 20 điều; dịch vụ việc làm, gồm 10 điều; bảo hiểm thất nghiệp, gồm 47 diều; quản lý Nhà nước về việc làm, gồm 3 điều; điều khoản thi hành, gồm 2 điều. 

Một số nội dung sửa đổi, bổ sung lớn của Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) nhằm thể chế hóa mục tiêu giải quyết việc làm bền vững, chất lượng, phát triển nguồn nhân lực và hỗ trợ phát triển thị trường lao động của Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết số 42 – NQ/TW; các nội dung cải cách về chính sách bảo hiểm thất nghiệp của Nghị quyết số 28 - NQ/TW; bám sát 4 nhóm chính sách trong đề nghị xây dựng dự án Luật đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 89/2023/QH15; tổng hợp những kiến nghị của các đại biểu Quốc hội, cử tri về lĩnh vực việc làm; rà soát hạn chế, vướng mắc, bất cập phát sinh trong tổng kết thi hành Luật Việc làm năm 2013, đánh giá thực trạng quan hệ xã hội liên quan; rà soát các điều ước, cam kết quốc tế liên quan đến lĩnh vực việc làm. 

Đồng chí Đỗ Quang Minh - Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Yên Bái tham gia ý kiến tại Hội nghị.

Tại Hội nghị, hầu hết các đại biểu tham gia ý kiến đều cho rằng Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, không mâu thuẫn, chồng chéo và trùng lặp với hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật trong cùng lĩnh vực việc làm, lao động và an sinh xã hội và các lĩnh vực có liên quan; không có quy định trái với Hiến pháp năm 2013. Đồng thời, Dự thảo tương thích với các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia. 

Tuy nhiên, còn một số đại biểu cho rằng cần bổ sung thêm đối tượng mới thoát nghèo vào đối tượng cho vay vốn giải quyết việc làm; cần bổ sung chính sách hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài; đề nghị thêm đối tượng thu nhập thấp được hỗ trợ vay vốn đi làm việc ở nước ngoài; cần quy định rõ chức năng, nhiệm vụ của Trung tâm Dịch vụ việc làm.

Các đại biểu cũng đề nghị bổ sung thêm mục chính sách đối với phụ nữ khi trong Dự thảo Luật đã có chính sách với thanh niên, người cao tuổi (là các nhóm đối tượng đặc thù); để đảm bảo lồng ghép giới trong hoạch định chính sách, đề nghị thêm một mục chính sách đối với phụ nữ khuyết tật, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, phụ nữ mang thai và nuôi con nhỏ; cần nghiên cứu, bổ sung thêm đối tượng doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh do phụ nữ làm chủ, sử dụng sử dụng nhiều lao động nữ được vay vốn hỗ trợ tạo việc làm với mức lãi suất thấp hơn; cần quy định rõ mức vay bao nhiêu thì cần thế chấp tài sản.

Tại Hội nghị, một số đại biểu cũng đề nghị quy định rõ tỷ lệ lao động là người khuyết tật, người dân tộc thiểu số; bổ sung đối tượng được vay vốn là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ; cần sửa quy định "người lao động thuộc hộ nghèo dân tộc Kinh đang sinh sống tại thôn đặc biệt khó khăn, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo” thành "hộ nghèo” nói chung. 

Đại biểu cũng kiến nghị Ban soạn thảo xem xét mở rộng thêm đối tượng người lao động được vay vốn từ nguồn ngân sách Trung ương, ủy thác nguồn vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội. Bởi trong thực tế có rất nhiều người lao động dù không được quy định nhưng nhu cầu vay vốn hỗ trợ tạo việc làm với mức lãi suất thấp là rất lớn (những người bị mất việc làm sau thiên tai, bão lũ, dịch bệnh); cần quy định rõ trong Luật cơ chế ưu tiên ngân sách tạo việc làm cho thanh niên làm căn cứ để Chính phủ có chính sách về nguồn vốn cho thanh niên phát triển sinh kế, tạo việc làm…

Đồng chí Nguyễn Quốc Luận - Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái phát biểu kết luận Hội nghị lấy ý kiến tham gia vào dự án Luật Việc làm (sửa đổi)

Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Nguyễn Quốc Luận - Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh ghi nhận, biểu dương các đại biểu, lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị đã tập trung nghiên cứu, chủ động, trách nhiệm tham gia ý kiến vào dự án Luật Việc làm. Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh sẽ tiếp thu, tổng hợp các ý kiến tham gia vào Dự án Luật Việc làm (sửa đổi) để trình tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.

Trước đó, trong các ngày 10 - 11/10, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái đã lấy ý kiến tham gia vào Dự án Luật Điện lực (sửa đổi) và 4 dự án luật gồm: Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt; Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp; Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế và Luật Dự trữ quốc gia.

(Theo báo Yên Bái)