Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi)
Kết luận nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao quá trình chuẩn bị hồ sơ dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi) của Chính phủ và việc chuẩn bị nội dung Báo cáo thẩm tra sơ bộ của Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách và ý kiến tham gia thẩm tra của các cơ quan của Quốc hội.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ khẩn trương tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến của các cơ quan thẩm tra để tiếp tục hoàn thiện hồ sơ dự án Luật trình Quốc hội xem xét, thảo luận, cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, tập trung vào một số nội dung chính sau đây:
(1) Tiếp tục rà soát để bảo đảm thể chế hóa đầy đủ chủ trương của Đảng về hoàn thiện chính sách pháp luật đầu tư công; bảo đảm quy định của Luật tuân thủ Hiến pháp, đồng bộ, thống nhất với các Luật, Nghị quyết mới được ban hành, sửa đổi, bổ sung và các Luật khác có liên quan. Rà soát quy định về áp dụng Luật, điều khoản thi hành, bảo đảm khả thi, không vướng mắc khi áp dụng.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến về dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi).
(2) Rà soát các điều, khoản trong 05 nhóm chính sách Chính phủ trình để hoàn thiện, chỉnh sửa, bảo đảm các nội dung sau:
- Đối với các chính sách đang thực hiện thí điểm thì phải đánh giá tác động đầy đủ, minh chứng được khi áp dụng mang lại hiệu quả thì mới quy định vào Luật; Chính phủ cần rà soát kỹ, thuyết minh thuyết phục 03 chính sách thuộc nhóm chính sách đang thí điểm; đồng thời quy định trong Luật nguyên tắc, điều kiện áp dụng chính sách; quy định trong Luật hoặc giao cho Chính phủ quy định trình tự, thủ tục thực hiện chính sách để bảo đảm chặt chẽ, khả thi.
- Đối với các chính sách thay đổi về việc phân cấp, phân quyền theo Tờ trình của Chính phủ, cần rà soát để bảo đảm tuân thủ Hiến pháp, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát trong việc thực hiện quyền của các cơ quan, bảo đảm quyền của cơ quan dân cử, cơ quan hành pháp đặc biệt là các quyền quy định trong Hiến pháp. Đồng thời việc thay đổi phân cấp, phân quyền so với quy định hiện hành cần phải chỉ rõ bất cập, hạn chế dẫn đến phải thay đổi, kết quả, hiệu quả mang lại khi thay đổi để thuyết phục, tạo sự đồng thuận khi trình Quốc hội; cần cân nhắc, đánh giá kỹ tác động, nhất là tác động đến việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan khi chuyển các nhiệm vụ của cơ quan dân cử tại địa phương sang cho cơ quan hành pháp, người đứng đầu cơ quan hành pháp ở địa phương. Lưu ý rà soát kỹ để tiếp thu ý kiến của cơ quan thẩm tra về các chính sách này; lấy ý kiến rộng rãi, nhất là đối tượng chịu sự tác động trước khi quy định và ban hành Luật.
- Đối với từng chính sách, từng điều khoản cụ thể, việc đề nghị sửa đổi phải là những vấn đề thực tế đang vướng mắc, thực sự cần thiết phải sửa đổi để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn; đánh giá kỹ tác động, không để xảy ra tình trạng sửa đổi nhưng lại tạo ra các khó khăn, vướng mắc, bất cập mới hoặc gây thất thoát lãng phí tiền, tài sản nhà nước, đặc biệt là các quy định liên quan đến vốn ODA, vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài; sửa đổi các quy định liên quan đến thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn; các quy định liên quan đến tăng hạn mức 20% vắt qua 02 kỳ trung hạn (khoản 2 Điều 89 Luật Đầu tư công số 39/2019/QH14). Đồng thời rà soát kỹ, không đưa vào Luật các quy định có thể dẫn đến hợp thức hóa các sai phạm.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho ý kiến tại phiên họp.
(3) Về một số vấn đề cụ thể đang có các loại ý kiến khác nhau như: (i) thẩm quyền quyết định phân bổ dự phòng chung của kế hoạch đầu tư công trung hạn, dự phòng ngân sách hằng năm; (ii) điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn và kế hoạch đầu tư công hằng năm; tiêu chí, mức vốn xác định dự án quan trọng quốc gia và các dự án nhóm A, B, C; (iii) Phân cấp thẩm quyền cho Hội đồng nhân dân và Chủ tịch Ủy ban nhân dân quyết định chủ trương đầu tư dự án, đề nghị cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, khảo sát, lấy ý kiến Hội đồng nhân dân, chuyên gia và các cơ quan, tổ chức liên quan để bảo đảm nội dung sửa đổi thận trọng, phù hợp với thực tiễn, tuân thủ các quy định của Hiến pháp và bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.
(4) Thực hiện nghiêm Quy định 178-QĐ/TW ngày 27/6/2024 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật; đề nghị Chính phủ báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, cho ý kiến về dự án Luật và các vấn đề cụ thể theo Quy định 178-QĐ/TW cần phải báo cáo, xin ý kiến.
(5) Thực hiện đúng tinh thần, quan điểm đã xác định tại Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới là chỉ quy định những vấn đề đã chín, đã đủ rõ, được thực tiễn chứng minh là đúng, có sự đồng thuận, thống nhất cao. Đặc biệt, trường hợp Quốc hội thống nhất thông qua Luật tại một kỳ họp thì phải đảm bảo chất lượng và được sự đồng thuận của các cơ quan thẩm tra, của ĐBQH, Quốc hội với tinh thần chỉ sửa đổi một số điều thực sự cần thiết, cấp bách; việc sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung sẽ cần phải được nghiên cứu kỹ lưỡng hơn.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp thu đầy đủ hoặc giải trình thuyết phục các ý kiến tham gia của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan thẩm tra, khẩn trương hoàn thiện Hồ sơ dự án Luật trình Quốc hội chậm nhất ngày 17/10/2024; Ủy ban Tài chính Ngân sách chủ trì, phối hợp với Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội hoàn thiện báo cáo thẩm tra để trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.