Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Dữ liệu.
Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 38, chiều 14/10 tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật Dữ liệu. Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương điều hành nội dung phiên họp.
Cần thiết ban hành Luật Dữ liệu
Tại phiên họp, thay mặt Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang đã trình bày tóm tắt Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Dữ liệu. Theo đó, việc xây dựng dự án Luật Dữ liệu nhằm tạo sự thống nhất, đồng bộ, sử dụng hiệu quả dữ liệu phục vụ công tác quản lý Nhà nước và phát triển kinh tế - xã hội; phục vụ phát triển Chính phủ số và cải cách, cắt giảm thủ tục hành chính; phát triển kinh tế, xã hội; phát triển Trung tâm dữ liệu quốc gia.
Dự án luật được xây dựng dựa trên quan điểm quán triệt và cụ thể hóa quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng về xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về dữ liệu; phù hợp với tiến trình hội nhập, mở rộng giao lưu và hợp tác quốc tế; phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh trật tự, an toàn xã hội. Đồng thời, bảo đảm phù hợp với chủ trương của Đảng, Nhà nước về chuyển đổi số quốc gia, góp phần xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số, xã hội số.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành nội dung phiên họp.
Việc xây dựng dự án luật được tiến hành trên cơ sở tổng kết thực tiễn trong những năm qua; khắc phục những tồn tại, bất cập, hạn chế; thực hiện thống nhất, đồng bộ, sử dụng hiệu quả thông tin trong các cơ sở dữ liệu, phục vụ công tác quản lý Nhà nước và phát triển kinh tế - xã hội, góp phần phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và các cá nhân vi phạm pháp luật.
Đồng thời tạo cơ sở pháp lý đầy đủ cho việc khai thác, vận hành Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia và phát triển Trung tâm dữ liệu quốc gia; bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật. Tham khảo có chọn lọc pháp luật về quản lý dữ liệu của một số nước, phù hợp với điều kiện thực tiễn Việt Nam.
Luật quy định về xây dựng, phát triển, xử lý, quản trị dữ liệu; ứng dụng khoa học công nghệ trong xử lý dữ liệu; cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia; Trung tâm dữ liệu quốc gia; sản phẩm, dịch vụ về dữ liệu; quản lý Nhà nước về dữ liệu; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động về dữ liệu. Luật được áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến các hoạt động về dữ liệu tại Việt Nam.
Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang.
Tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới đã trình bày dự thảo Báo cáo thẩm tra dự án Luật Dữ liệu. Theo đó, Ủy ban Quốc phòng và An ninh cơ bản nhất trí sự cần thiết ban hành Luật Dữ liệu với những cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ nhằm thể chế hóa đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách của Nhà nước để đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ phục vụ công cuộc chuyển đổi số quốc gia, xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số; tăng cường sự thống nhất, đồng bộ, sử dụng hiệu quả dữ liệu trong phục vụ công tác quản lý nhà nước và phát triển kinh tế - xã hội, tạo điều kiện cho mọi người dân được thụ hưởng lợi ích từ hoạt động chuyển đổi số.
Hồ sơ dự án Luật đã bảo đảm các yêu cầu theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đủ điều kiện trình Quốc hội thảo luận, cho ý kiến.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới.
Dự thảo luật được Chính phủ xây dựng với 7 chương, 67 điều, quy định về xây dựng, phát triển, xử lý, quản trị, quản lý dữ liệu; ứng dụng khoa học công nghệ trong xử lý dữ liệu; quỹ phát triển dữ liệu; cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia; Trung tâm dữ liệu quốc gia; sản phẩm dịch vụ về dữ liệu. Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhận thấy, các nội dung quy định trong dự thảo luật cơ bản bám sát mục tiêu, quan điểm, chính sách đã được Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua trong giai đoạn lập đề nghị xây dựng Luật Dữ liệu; thể chế đúng quan điểm đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về chuyển đổi số quốc gia, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, góp phần xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số, xã hội số…
Rà soát, đảm bảo đồng bộ thống nhất với các luật hiện hành
Phát biểu tại phiên họp, các đại biểu thống nhất đồng tình với sự cần thiết của việc ban hành dự án luật. Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng cần nghiên cứu kỹ, làm rõ thêm, bổ sung một số quy định cụ thể nhằm thuận tiện trong quá trình thực hiện; tiếp tục rà soát kỹ lưỡng, đầy đủ quy định của pháp luật có liên quan, trong đó có những dự án luật đang được sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới để xác định nội dung chưa phù hợp, mâu thuẫn, chồng chéo và đề xuất phương án xử lý để bảo đảm tính khả thi, đồng bộ và thống nhất trong hệ thống pháp luật; làm rõ khái niệm Trung tâm dữ liệu Quốc gia, kinh nghiệm quốc tế trong xây dựng và quản lý dữ liệu…
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh, nhiều nước trên thế giới đã có quy định về dữ liệu, như Dữ liệu mở của Hàn Quốc và Luật Quản trị Dữ liệu của Châu Âu. Tuy nhiên, việc quy định tập trung, thống nhất trong một đạo luật là vấn đề mới đối với Việt Nam. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, cung cấp thêm kinh nghiệm quốc tế, đặc biệt là những nước có thể chế chính trị, kinh tế - xã hội tương đồng với Việt Nam để các đại biểu có cơ sở xem xét, nghiên cứu.
Bày tỏ quan tâm tới Quỹ phát triển dữ liệu Quốc gia và Sàn giao dịch dữ liệu, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho rằng đây là những vấn đề mới, đặc biệt là liên quan đến dữ liệu do các cơ quan nhà nước tạo lập bằng ngân sách Nhà nước. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đề nghị vấn đề này cần được nghiên cứu, đánh giá tác động kỹ lưỡng để đảm bảo phù hợp.
Các đại biểu dự phiên họp.
Kết luận nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhấn mạnh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật Dữ liệu, đồng thời đánh giá cao quá trình chuẩn bị dự án luật của Chính phủ và cơ quan soạn thảo.
Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, đây là dự án luật có tác động sâu sắc đến quá trình chuyển đổi số, nhưng vẫn còn nhiều vấn đề mới đang hình thành, phát triển, chưa có nhiều cơ sở thực tiễn, do đó cần tiếp tục rà soát, nghiên cứu để thể chế đầy đủ, cụ thể quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, nhất là Nghị quyết Đại hội XIII, các nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị về đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng Chính phủ số, kinh tế - xã hội số. Đồng thời cần rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan để đề xuất nội dung cần sửa đổi, bổ sung, nhất là về phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật, đảm bảo không chồng chéo với các luật khác như Luật Công nghệ số, Luật Cơ yếu, Luật Giao dịch điện tử, Luật An ninh mạng…
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương kết luận nội dung phiên họp.
Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần hoàn thiện các nội dung của dự thảo luật, bám sát các chính sách đã được Quốc hội thông qua, quy định về nguyên tắc và giao Chính phủ thí điểm hoặc quy định chi tiết để tổ chức thực hiện đối với các nội dung mới đang trong quá trình phát triển; rà soát quy định về nội dung sản phẩm, dịch vụ liên quan đến dữ liệu, thị trường dữ liệu, sàn giao dịch điện tử để đảm bảo phù hợp, thống nhất, tránh chồng chéo với các quy định của các luật khác.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị Chính phủ tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp, hoàn thiện hồ sơ, xin ý kiến cấp có thẩm quyền quyết định trước khi trình xin ý kiến Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 tới đây./.
Một số hình ảnh tại phiên họp:
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Dữ liệu.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành nội dung phiên họp.
Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cùng các đại biểu dự phiên họp.
Đại diện các Bộ, ngành dự phiên họp.
Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang báo cáo tại phiên họp.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng phát biểu tại phiên họp.
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường phát biểu tại phiên họp.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh phát biểu tại phiên họp.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy phát biểu tại phiên họp.