Bổ sung dự toán chi thường xuyên ngân sách Nhà nước năm 2024 của Văn phòng Trung ương Đảng

10/10/2024

Tại Phiên họp thứ 38, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết với 100% ủy viên tán thành, cho phép bổ sung dự toán kinh phí chi quản lý hành chính của ngân sách Nhà nước năm 2024 của ngân sách Trung ương cho Văn phòng Trung ương Đảng là 100 tỷ đồng để thực hiện Chương trình Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan Đảng giai đoạn 2021-2025.

Xem xét, quyết định việc điều chỉnh kế hoạch đầu tư công nguồn ngân sách Trung ương năm 2024

Cho ý kiến về tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2024 và dự toán phân bổ ngân sách năm 2025

Toàn cảnh Phiên họp

Tiếp tục Phiên họp thứ 38, chiều 10/10, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét quyết định việc bổ sung dự toán chi thường xuyên ngân sách Nhà nước năm 2024 của Văn phòng Trung ương Đảng.

Tại Phiên họp, Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng cho biết, Chính phủ đề nghị bố trí dự toán là 100 tỷ đồng cho Chương trình Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan Đảng giai đoạn 2021-2025.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng

Thay mặt cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh cho biết, kinh phí thường xuyên dự kiến để thực hiện Chương trình Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan Đảng là 339 tỷ đồng. Thời gian qua, Chương trình đã được triển khai, bố trí thường xuyên hằng năm (năm 2021 là 26,668 tỷ đồng; năm 2022 là 50 tỷ đồng; năm 2023 (dự kiến) 100 tỷ đồng).

Việc tiếp tục cho phép phân bổ kinh phí trên cho Văn phòng Trung ương Đảng triển khai thực hiện Chương trình sẽ bảo đảm tiến độ thực hiện và kết quả chung của Chương trình, dự kiến kết thúc vào năm 2025, tránh lãnh phí, kém hiệu quả do kéo dài thời gian triển khai.

Theo Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách, với mức bố trí kinh phí trên, kinh phí bố trí cho Chương trình từ năm 2021-2023 là 176,668 tỷ đồng, vẫn trong tổng mức được duyệt của Chương trình (339 tỷ đồng). Đồng thời, căn cứ Tờ trình của Chính phủ, dự toán kinh phí chi tiết thực hiện nhiệm vụ được lập trên cơ sở các chế độ, chính sách, tiêu chuẩn, định mức theo quy định; có đầy đủ hồ sơ, tài liệu và thuyết minh chi tiết làm căn cứ trình cấp có thẩm quyền xem xét.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh 

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban nhất trí với phương án Chính phủ trình. Đồng thời, đề nghị Chính phủ chịu trách nhiệm trong việc bố trí kinh phí triển khai Chương trình theo đúng quy định của pháp luật, bảo đảm tính hợp lý để triển khai nhiệm vụ theo kế hoạch đã đề ra.

Phát biểu kết luận Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh:

Thứ nhất, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất bổ sung dự toán kinh phí chi quản lý hành chính của ngân sách Nhà nước năm 2024 của ngân sách Trung ương cho Văn phòng Trung ương Đảng là 100 tỷ đồng theo Tờ trình số 488 ngày 20/9/2024 của Chính phủ để thực hiện Chương trình Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan Đảng giai đoạn 2021 - 2025 được ban hành theo Quyết định số 27 -QĐ/TW ngày 10/8/2021 của Ban Bí thư.

Thứ hai, Chính phủ chịu trách nhiệm về tính chính xác của số liệu, tính đầy đủ, tuân thủ tiêu chuẩn, định mức, chế độ chi và các điều kiện bổ sung dự toán, giao dự toán theo đúng quy định của pháp luật. Quản lý, sử dụng, quyết toán kinh phí được phân bố đúng theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước, pháp luật có liên quan, đảm bảo triển khai kịp thời, hiệu quả, đúng mục đích, không để xảy ra thất thoát, lãng phí, tiêu cực. Báo cáo Quốc hội kết quả thực hiện tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu kết luận Phiên họp

Thứ ba, Chính phủ rút kinh nghiệm trong việc xây dựng dự đoán, hạn chế thấp nhất các khoản kinh phí không được phân bổ từ đầu năm, không để xảy tình trạng khoản chi thường xuyên, ổn định hàng năm không được giao dự toán ngay từ đầu năm, phân bổ chậm trễ, không đúng quy định. Trong quá trình điều hành chỉ đạo các cơ quan có liên quan sớm trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định dự đoán kết quả chưa phân bổ, đảm bảo hiệu quả sử dụng ngân sách Nhà nước.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải giao Ủy ban Tài chính, Ngân sách chủ trì, phối hợp với Ủy ban Pháp luật và Bộ Tài chính tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; hoàn chỉnh dự thảo Nghị quyết về các nội dung trên, xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Chủ tịch Quốc hội ký ban hành.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cũng giao Tổng thư ký chỉ đạo tổng hợp các ý kiến tham gia trong phiên họp và thông báo kết luận Ban Tổ Quốc hội với cơ quan liên quan để tổ chức thực hiện.

Bích Lan - Nghĩa Đức