Xây dựng Nghị quyết liên tịch chung quy định chi tiết việc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND

24/09/2024

Sáng 24/9, tại phiên họp thứ 37, cho ý kiến đối với 02 dự thảo Nghị quyết liên tịch quy định chi tiết tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất xây dựng 01 Nghị quyết liên tịch chung về tiếp xúc cử tri để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành phiên họp.

Tạo khuôn khổ pháp lý chung, thống nhất trong công tác TXCT của đại biểu Quốc hội, đại biểu HDNĐ các cấp

Toàn cảnh phiên họp

Tại phiên họp, các đại biểu đã nghe Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải; Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình và Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng trình bày Tờ trình, Báo cáo thẩm tra về dự thảo Nghị quyết liên tịch quy định chi tiết việc tổ chức tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND các cấp; dự thảo Nghị quyết liên tịch quy định chi tiết việc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội.

Việc xây dựng và ban hành 02 dự thảo Nghị quyết nhằm thể chế hóa yêu cầu của Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 27-NQ/TW về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới, tiếp tục cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013, Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về hoạt động tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp. Đồng thời, khắc phục những vướng mắc, bất cập; tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động tiếp xúc cử tri của đại biểu dân cử nói riêng và công tác dân nguyện nói chung, đáp ứng kỳ vọng của cử tri và Nhân dân.

Tại phiên họp, các đại biểu tập trung cho ý kiến vào những nội dung còn ý kiến khác nhau liên quan tới: Tên gọi và phạm vi điều chỉnh của Nghị quyết; việc hợp nhất 02 dự thảo Nghị quyết liên tịch;… Đồng thời, cho ý kiến cụ thể đối với quy định cụ thể tại dự thảo về: việc tiếp xúc với trẻ em hoặc đại diện trẻ em; trách nhiệm của Chính phủ và các Bộ, ban, ngành; chương trình hội nghị tiếp xúc cử tri; về tiếp xúc cử tri ngoài địa bàn ứng cử; thời hạn giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri; thành phần tham dự cuộc tiếp xúc cử tri;…

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn 

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh sự cần thiết phải quy định Nghị quyết liên tịch chi tiết hoạt động tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp trên cơ sở sửa đổi Nghị quyết số 753/2005/NQ–UBTVQH11 về Quy chế hoạt động của HĐND, Nghị quyết số 525/2012/UBTVQH13-ĐCTUBTWMTTQVN về tiếp xúc cử tri đối với đại biểu Quốc hội,… “Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam rất quan tâm tới hoạt động tiếp xúc cử tri các cấp từ trung ương đến địa phương với nhiều hình thức, đối tượng phù hợp. Đây cũng là chủ trương từ đầu khóa Quốc hội XIV ” Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị tích hợp 02 dự thảo nghị quyết. Theo đó, cần rà soát, nội dung thể hiện đảm bảo mạch lạc, dễ vận dụng, quy định có trọng tâm, trọng điểm; rõ nội dung tương đồng, quy định chung đồng thời, thể hiện được nội dung quy định riêng phù hợp với việc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND theo từng chương riêng.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, dự thảo Nghị quyết phải chú trọng đổi mới hình thức tổ chức ,nội dung, địa điểm tiếp xúc cử tri đáp ứng được mục đích, yêu cầu đề ra. Trong đó, việc tổ chức tiếp xúc cử tri cần chú trọng tới vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long 

Nêu quan điểm tại phiên họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long đồng tình việc tích hợp, hợp nhất 02 dự thảo Nghị quyết thành 01 Nghị quyết liên tịch chi tiết quy định về tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp.

Ngoài ra, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long cũng lưu ý, không nên quy định nội dung tiếp xúc với trẻ em hoặc đại diện trẻ em tại dự thảo Nghị quyết; rà soát đảm bảo rõ thẩm quyền giữa Hội đồng nhân dân và Thường trực Hội đồng nhân dân; lược bỏ một số quy định có trùng với quy định trong Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân;…

Kết luận nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ghi nhận và đánh giá cao quá trình chuẩn bị, hoàn thiện Hồ sơ 02 dự thảo Nghị quyết của Ban Công tác Đại biểu, Ban Dân nguyện; sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa cơ quan chủ trì soạn thảo với các bộ, ngành và cơ quan có liên quan. Đồng thời, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất tích hợp, hợp nhất ban hành 01 Nghị quyết liên tịch quy định chi tiết việc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh

Trên cơ sở tiếp thu ý kiến góp ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đề nghị, Ban Công tác Đại biểu, Ban Dân nguyện hoàn thiện Tờ trình, báo cáo. Trong đó, lưu ý việc đánh giá các thông số phải đảm bảo đồng bộ, tương thích giữa các báo cáo; thống nhất trong phạm vi điều chỉnh có nội dung giải quyết giám sát kiến nghị cử tri nhưng cần làm rõ, mạch lạc hơn về nội hàm việc giải quyết kiến nghị, giám sát thuộc nội dung, nhiệm vụ tiếp xúc cử tri; phân biệt rõ và tránh trùng lặp với việc giải quyết, giám sát kiến nghị của cử tri theo Luật Hoạt động giám sát;…

Đồng thời, đề nghị không quy định nội dung tiếp xúc cử tri đối với đối tượng là trẻ em bởi trẻ em không phải là cử tri, không thuộc phạm vi điều chỉnh của dự thảo Nghị quyết; nghiên cứu để quy định cụ thể hơn việc tiếp xúc cử tri ngoài địa bàn ứng cử. Bên cạnh đó, quy định tại dự thảo nghị quyết cũng cần làm rõ hơn trách nhiệm, quyền hạn, điều kiện đảm bảo để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện nhiệm vụ; quy định cụ thể trách nhiệm của địa phương khi thực hiện Nghị quyết liên tịch quy định chi tiết tiếp xúc cử tri;…

Về quy trình và tổ chức thực hiện, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất, giao Ban Công tác đại biểu chủ trì phối hợp với Ban Dân nguyện thực hiện Tờ trình, xây dựng dự thảo Nghị quyết ; Ủy ban Pháp luật chủ trì thẩm tra dự thảo Nghị quyết đảm bảo đúng quy trình, thủ tục.

***Một số hình ảnh tại Phiên họp:

Toàn cảnh phiên họp

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên họp

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành phiên họp

Các đại biểu tham dự phiên họp

Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải trình bày Tờ trình tại phiên họp

Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình trình bày Tờ trình tại phiên họp

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo thẩm tra 02 dự thảo Nghị quyết liên tịch quy định chi tiết tiếp xúc cử tri

Các đại biểu tham dự phiên họp

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu tại phiên họp

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu tại phiên họp

Các đại biểu tham dự phiên họp

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới phát biểu

Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Tô Thị Bích Châu

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long

Các đại biểu tham dự phiên họp

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất hợp nhất 02 dự thảo Nghị quyết liên tịch để đảm bảo tính đồng bộ./.

Lê Anh - Nghĩa Đức

Các bài viết khác