Một số suy nghĩ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân

16/09/2024

Đóng góp ý kiến hoàn thiện dự thảo Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, Th.S Trần Văn Tám, Nguyên Vụ trưởng Vụ Công tác Đại biểu, Văn phòng Quốc hội cho rằng, mục tiêu cần đạt được trong quá trình sửa luật là nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, Hội đồng nhân dân nói chung, hoạt động giám sát nói riêng; nâng cao năng lực, trách nhiệm của chủ thể giám sát; tăng cường hiệu quả hoạt động của đối tượng giám sát trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình.

Sửa đổi, bổ sung quy định về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm trong Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân

Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân năm 2015 (sau đây gọi tắt là Luật hoạt động giám sát), có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2016, qua 8 năm thực hiện đã đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần vào việc đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân.

Kết quả thực hiện Luật Hoạt động giám sát có thể khái quát ở một số mặt cơ bản, như sau:

- Giám sát tối cao của Quốc hội; giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội, cũng như giám sát của Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân; các Ban, Tổ đại biểu và đại biểu Hội đồng nhân dân, ngày càng được tăng cường và hiệu quả hơn, giảm tính hình thức. Nội dung giám sát, hình thức, phương thức giám sát có nhiều đổi mới, cải tiến, bao quát các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh..., và tập trung vào những vấn đề lớn, bức xúc được đông đảo cử tri, dư luận xã hội quan tâm.

Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân năm 2015 góp phần vào việc đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân.

- Việc theo dõi thực hiện nghị quyết, kết luận, kiến nghị giám sát được chú trọng; việc giải quyết các kết luận, yêu cầu, kiến nghị sau giám sát được các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan thực hiện trách nhiệm hơn. Qua hoạt động giám sát cho thấy những ưu điểm, mặt được, phù hợp, cũng như những hạn chế, bất cập của các quy định pháp luật, từ đó có kiến nghị việc sửa đổi, bổ sung. Bên cạnh đó, kết quả hoạt động giám sát cũng là cơ sở, thông tin cần thiết cho việc quyết định, ban hành các chính sách, xây dựng pháp luật liên quan; yêu cầu, kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan khắc phục những sai sót, hạn chế, hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý trách nhiệm vi phạm, khuyết điểm, yếu kém trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Luật Hoạt động giám sát cũng cho thấy một số hạn chế, bất cập ở một số vấn đề chủ yếu sau đây:

- Hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn được tiến hành thông qua lựa chọn nhóm vấn đề, trên cơ sở ý kiến chất vấn của đại biểu và những vấn đề bức xúc trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quản lý nhà nước..., được đông đảo cử tri, xã hội quan tâm. Tuy nhiên, Luật chưa có quy định cụ thể tiêu chí lựa chọn nhóm vấn đề chất vấn, để bảo đảm việc lựa chọn khoa học, sát thực hơn.  

- Hoạt động lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn, chưa quy định cụ thể, đầy đủ cách thức thực hiện của đại biểu trong việc kiến nghị Quốc hội, Hội đồng nhân dân lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải và các đại biểu Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm đối với chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn.

- Giám sát văn bản quy phạm pháp luật, phạm vi, cách thức giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội cũng chưa quy định đầy đủ, cụ thể, nên chưa có sự thống nhất trong thực hiện, hoạt động này chưa nề nếp, thường xuyên.

- Về thực hiện kết luận, kiến nghị sau giám sát, vẫn còn tình trạng chủ thể chịu sự giám sát, cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan không thực hiện hoặc thực hiện không nghiêm túc, đầy đủ trách nhiệm theo nghị quyết, kết luận, kiến nghị giám sát. Việc theo dõi, đôn đốc, giám sát thực hiện nghị quyết, kết luận, kiến nghị sau giám sát nhiều khi chưa thực sự quyết liệt, theo đến cùng, dẫn đến nhiều trường hợp sai phạm, yếu kém, bất cập chậm được khắc phục, giải quyết. Các chế tài bảo đảm thực hiện nghị quyết, kết luận, kiến nghị giám sát chưa đủ mạnh, áp dụng không thống nhất trong các trường hợp. Bên cạnh đó, vấn đề ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, theo dõi, cập nhật hoạt động giám sát cũng còn hạn chế, chưa được bài bản.

II.1. Mục tiêu

Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, nhằm:

Một là, thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng theo Nghị quyết Đại hội  toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương và các văn bản, nghị quyết chỉ đạo của Đảng có liên quan. Tiếp tục cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013, các chính sách, phương hướng, giải pháp của Đảng và Nhà nước về đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, Hội đồng nhân dân nói chung, hoạt động giám sát nói riêng; nâng cao năng lực, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân giám sát (chủ thể giám sát); tăng cường hiệu quả hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát (đối tượng giám sát), trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình.

Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương dự và phát biểu chỉ đạo tại Phiên họp lần thứ hai Ban soạn thảo dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND.

Hai là, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện Luật Hoạt động giám sát cần tập trung vào các quy định chưa được cụ thể, đầy đủ hoặc không phù hợp, còn chồng chéo, bất cập, hiệu quả không cao; đồng thời luật hóa các quy định, hướng dẫn trong các văn bản dưới luật liên quan đã được kiểm nghiệm trong thực tế là phù hợp, hiệu quả và cần thiết, nhằm tăng cường tính thống nhất, đồng bộ các quy định của văn bản, tránh sự dàn trải, trùng lắp ở các văn bản khác nhau.

II.2. Quan điểm

Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân trên cơ sở các quan điểm:

- Bảo đảm thể chế hóa chủ trương, định hướng của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về hoàn thiện hệ thống pháp luật nói chung, trong đó có Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân nói riêng; bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật.

- Bảo đảm tính kế thừa những quy định qua thực tiễn áp dụng cho thấy phù hợp, đúng đắn và hiệu quả. Tập trung sửa đổi, bổ sung những vấn đề cần thiết, qua nghiên cứu, thảo luận đã rõ và có sự thống nhất cao, có tính khả thi; đồng thời tiếp tục cụ thể hóa các văn bản chỉ đạo, kết luận của Trung ương về đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, gắn kết một cách đồng bộ với hoạt động giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân trong giai đoạn hiện nay.

-Tham khảo kinh nghiệm hoạt động lập pháp, giám sát của Quốc hội (Nghị viện) các nước trên thế giới, chọn lọc vận dụng những nội dung phù hợp với tổ chức hoạt động của Quốc hội nước ta, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh và Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam thăm quan, tìm hiểu mô hình hoạt động của Hạ viện bang New South Wales, Australia.

II.3. Sửa đổi Luật Hoạt động giám sát và vấn đề chống tham nhũng, tiêu cực

II.3.1. Cơ sở sửa đổi và yêu cầu sửa đổi

Thứ nhất, Quán triệt, bám sát, cụ thể hóa đầy đủ Nghị quyết Đại hội Toàn quốc khóa XIII, cũng như các văn bản, nghị quyết chỉ đạo của Đảng về tiếp tục đổi mới hoạt động giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân. Trong đó, có Kết luận số 843-KL/ĐĐQH15 ngày 03/8/2022 của Đảng đoàn Quốc hội về Đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội, đặt yêu cầu “Xác định việc đổi mới và đẩy mạnh công tác giám sát là khâu trọng tâm, then chốt để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội. Hoạt động giám sát của Quốc hội cần bám sát các nhiệm vụ trọng tâm đặt ra trong Nghị quyết, văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, các nghị quyết, chỉ thị của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư; bám sát tình hình thực tế của đất nước, những vấn đề thực tiễn đặt ra, đáp ứng kịp thời nhu cầu của xã hội, phản ánh tâm tư, nguyện vọng, mong muốn của Nhân dân và cử tri. Hoạt động giám sát phải cung cấp thông tin thực tiễn để hoàn thiện chính sách, pháp luật, nâng cao trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong thực hiện quy định của pháp luật, tăng cường hiệu quả hoạt động của các tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát”.

Thứ hai, nghiên cứu và thực hiện nghiêm túc nội dung Nghị quyết số 161/2021/QH14 ngày 08/4/2021 của Quốc hội về hoạt động giám sát, để sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định trong Luật, đó là “Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát, đặc biệt là tăng cường giám sát việc thi hành Hiến pháp, luật, pháp lệnh, nghị quyết, hoạt động của các cơ quan trong bộ máy nhà nước, những vấn đề lớn, quan trọng hoặc bức xúc trong xã hội, việc thực hiện kết luận, kiến nghị sau giám sát; đẩy mạnh hoạt động chất vấn tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hoạt động giải trình tại Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội”.  

II.3.2. Luật giám sát với việc chống tham nhũng, tiêu cực

Căn cứ các định hướng chỉ đạo trên đây, ngoài những nội dung về sự cần thiết, mục đích sửa đổi Luật, những quy định cụ thể sửa đổi, bổ sung nêu trong Tờ trình, việc sửa đổi, bổ sung Luật lần này phải làm rõ một vấn đề rất quan trọng mà lâu nay Nhân dân và cử tri luôn quan tâm, là vai trò của luật giám sát, kết quả hoạt động giám sát đối với công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, quan hệ tác động ra sao. Tờ trình cần phân tích rõ, đầy đủ hơn ý nghĩa chính trị-xã hội của luật, cũng như vai trò và hiệu quả của hoạt động giám sát, ảnh hưởng của nó đối với việc phòng chống tham nhũng, tiêu cực, một nội dung rất cần phải làm rõ. Chứ không chỉ đơn thuần là sửa đổi, bổ sung những quy định không còn  phù hợp chung chung. Có như vậy, mới bảo đảm thể hiện đầy đủ tinh thần Kết luận số 843-KL/ĐĐQH15 ngày 03/8/2022 của Đảng đoàn Quốc hội, và Nghị quyết số 161/2021/QH14 ngày 08/4/2021 của Quốc hội, để hoạt động giám sát thực sự giữ vai trò là một trong ba chức năng quan trọng của Quốc hội, Hội đồng nhân dân, có tác động tích cực đối với đời sống xã hội nói chung và công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực nói riêng.

Hoạt động giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân đã ngày càng được nâng lên, đi vào thực chất.

Trong đánh giá kết quả thực hiện Luật Hoạt động giám sát của của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, các cơ quan có thẩm quyền, luôn nhận định hoạt động giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân đã ngày càng được nâng lên, đi vào thực chất và dần hạn chế tính hình thức, điều đó rất đúng. Nhưng có một thực tế, nhiều vụ việc vi phạm pháp luật, tham nhũng, tiêu cực vẫn xảy ra trong cơ quan nhà nước, cán bộ, đảng viên (thậm chí nghiêm trọng), trong đó xẩy ra ngay cả trong cơ quan quyền lực nhà nước thực hiện quyền giám sát. Vì vậy, một vấn đề đặt ra là, việc xây dựng (sửa đổi, bổ sung) luật cần giải quyết đồng bộ về các mặt cơ sở chính trị, cơ sở pháp luật, cơ sở thực tiễn, cơ chế kiểm soát quyền lực và vấn đề thực hiện có hiệu lực, hiệu quả luật trong thực tế; lấy kết quả giám sát là cơ sở, kênh thông tin quan trọng phục vụ xây dựng luật, ngược lại xây dựng luật phải đạt yêu cầu bám sát thực tế để thực hiện đạt hiệu quả, tránh hình thức. Đó cũng là một trong những mục tiêu cốt yếu mà Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân phải đạt được.

       

 Th.S Trần Văn Tám,

Nguyên Vụ trưởng Vụ Công tác Đại biểu, Văn  phòng Quốc hội