Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách thảo luận về dự án Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn
Sau khi dự án Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn được trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7, trên cơ sở ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban khác của Quốc hội, ý kiến các đại biểu Quốc hội, Thường trực Ủy ban Kinh tế đã chủ trì phối hợp với Bộ Xây dựng, Thường trực Ủy ban Pháp luật và các cơ quan, tổ chức hữu quan nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật; tổ chức hội thảo tham vấn ý kiến đại biểu Quốc hội, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý và các đối tượng chịu sự tác động của dự thảo Luật; gửi Công văn lấy ý kiến Ủy ban nhân dân các thành phố trực thuộc Trung ương.
Ngày 13/8/2024, tại Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 8/2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về một số vấn đề lớn tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật. Thực hiện kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực Ủy ban Kinh tế đã chủ trì phối hợp với Bộ Xây dựng và các cơ quan liên quan tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật. Dự thảo Luật sau khi tiếp thu, chỉnh lý gồm 06 chương và 65 điều, bỏ 01 điều và bổ sung 01 điều so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7.
Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách xem xét dự án Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn
Đóng góp ý kiến về dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, đại biểu Tô Ái Vang – Đoàn ĐBQH tỉnh Sóc Trăng cho biết, điểm a khoản 1 Điều 11 quy định "nguồn kinh phí phục vụ cho hoạt động quy hoạch đô thị và nông thôn bao gồm kinh phí chi thường xuyên từ ngân sách nhà nước".
Theo đại biểu, Nghị quyết số 61/2022/QH15 ngày 16/6/2022 của Quốc hội về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch và một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ lập và nâng cao chất lượng quy hoạch thời kỳ 2021 – 2030 đã góp phần đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch, thẩm định, phê duyệt quy hoạch của các tỉnh, thành phố hiện nay.
Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện lập quy hoạch vẫn còn phát sinh một số vướng mắc liên quan đến các quy hoạch đô thị và nông thôn được Quốc hội cho phép sử dụng kinh phí chi thường xuyên theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước để lập, thẩm định, quyết định hoặc phê duyệt, công bố, điều chỉnh quy hoạch mà đến thời điểm Nghị quyết số 61/2022/QH15 của Quốc hội khóa XV có hiệu lực thi hành chưa được bố trí vốn. Hiện nay, việc sử dụng kinh phí chi thường xuyên nói trên ở một số địa phương đang gặp khó khăn, vướng mắc, nhất là với các nội dung có tính chất kỹ thuật chuyên ngành phát sinh sau thời điểm Nghị quyết số 61 có hiệu lực.
Đại biểu Tô Ái Vang – Đoàn ĐBQH tỉnh Sóc Trăng
Từ những vướng mắc đó, các địa phương cũng đã có văn bản kiến nghị đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính. Trong văn bản phản hồi, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng Nghị quyết số 61/2022/QH15 của Quốc hội khóa XV chỉ quy định việc sử dụng kinh phí chi thường xuyên để lập, thẩm định, quyết định hoặc phê duyệt, công bố, điều chỉnh quy hoạch mà đến thời điểm Nghị quyết số 61/2022/QH15 của Quốc hội khóa XV có hiệu lực thi hành chưa được bố trí vốn. Trong khi đó, các quy định về quy hoạch đô thị, nông thôn được lập sau ngày 16/6/2022 và quy hoạch đã được bố trí một phần kinh phí nhưng phát sinh thêm các nhiệm vụ quy hoạch sau ngày 16/6/2022 chưa được quy định cụ thể. Trong khi đó, theo Bộ Tài chính, sau thời điểm Nghị quyết số 61 có hiệu lực, tức là sau ngày 16/6/2022, thì không được sử dụng kinh phí chi thường xuyên để lập, thẩm định, quyết định hoặc phê duyệt công bố, điều chỉnh quy hoạch.
Nghị quyết số 61/2022/QH15 của Quốc hội khóa XV được ban hành nhằm giúp cho các địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện hiện nay gặp khó khăn dẫn đến chậm tiến độ trong các quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành. Từ thực tế trên, đại biểu kiến nghị ở những địa phương chưa cân đối được nguồn, thì cho phép sử dụng kinh phí chi thường xuyên để lập, thẩm định, quyết định đối với quy hoạch đô thị và nông thôn được lập sau ngày 16/6/2022 và quy hoạch đã được bố trí một phần kinh phí, nhưng phát sinh thêm các nhiệm vụ quy hoạch sau ngày 16/6/2022. Đại biểu cũng kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét sớm có chủ trương thống nhất với Chính phủ để các bộ, ngành liên quan có sự đồng bộ trong hướng dẫn các địa phương áp dụng triển khai, tổ chức và thực hiện kịp thời và hiệu quả Nghị quyết số 61/2022/QH15 của Quốc hội.
Đại biểu Mai Văn Hải - Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa phát biểu
Tham gia ý kiến về vấn đề này, đại biểu Mai Văn Hải – Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa cho rằng, quy định trong dự thảo Luật lần này đã tạo ra một hướng mở để giải quyết nhiều vấn đề khó khăn khi thực hiện Luật Quy hoạch năm 2017, nhất là ở nội dung ngoài nguồn đầu tư công, giờ đây có thể sử dụng kinh phí chi thường xuyên, kinh phí của nhà đầu tư hay các nguồn kinh phí hợp pháp khác. Tuy nhiên, quy định này có thể dẫn đến mâu thuẫn với Luật Quy hoạch năm 2017. Theo Luật này, kinh phí thường xuyên chỉ dành cho đánh giá hoạt động quy hoạch, còn lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch phải sử dụng kinh phí đầu tư công. Do đó, đại biểu đề nghị cần nghiên cứu, rà soát, xem xét kỹ lưỡng để tránh sự mâu thuẫn, xung đột giữa Luật Quy hoạch đô thị, nông thôn và Luật Quy hoạch năm 2017.
Nêu quan điểm về nội dung tài trợ kinh phí cho quy hoạch dự án Luật, đại biểu Trần Văn Lâm – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang cho biết, Điều 10 về chính sách của Nhà nước trong quy hoạch đô thị và nông thôn có quy định về việc khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia tài trợ cho quy hoạch, mặc dù Điều 12 đã có quy định khá chặt chẽ về việc nguồn lực hỗ trợ không được tài trợ trực tiếp cho các tổ chức tư vấn lập quy hoạch, nhằm đảm bảo chất lượng quy hoạch và tránh tình trạng can thiệp của nhà tài trợ.
Đại biểu Trần Văn Lâm - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang phát biểu
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc tài trợ cho quy hoạch, đặc biệt là quy hoạch chi tiết, đã tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Nhiều nhà đầu tư lợi dụng hình thức tài trợ để tác động vào quy hoạch, làm cho quy hoạch bị "lái" theo lợi ích của nhà đầu tư, gây ảnh hưởng tiêu cực đến lợi ích của cộng đồng và xã hội.
Đại biểu cho rằng, qua khảo sát, nhiều quy hoạch chi tiết hiện nay sử dụng ngân sách từ nguồn tài trợ, và các nhà tài trợ thường là những nhà đầu tư có dự án trong quy hoạch đó. Điều này dẫn đến tình trạng xung đột lợi ích, làm mất đi tính khách quan của quy hoạch và hạn chế tính cạnh tranh trong đấu thầu. Thậm chí, có trường hợp chỉ có một nhà thầu tham gia đấu thầu do đã tài trợ cho quy hoạch, làm giảm hiệu quả của cơ chế đấu thầu.
Để khắc phục tình trạng trên, đại biểu đề nghị cần có những quy định chặt chẽ hơn nhằm ngăn chặn các hành vi lợi dụng hình thức tài trợ để can thiệp vào quy hoạch và đảm bảo tính công khai, minh bạch trong quá trình lập quy hoạch.