Sửa đổi Luật Di sản văn hóa - cơ hội phát triển của bảo tàng tư nhân

27/08/2024

Chiều 27/8, Hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách lần thứ 6, nhiệm kỳ khóa XV sẽ thảo luận về dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 tới (tháng 10/2024). Để hiểu rõ hơn về dự án Luật này, Cổng TTĐT Quốc hội trân trọng giới thiệu bài viết của TS. Nguyễn Thị Việt Nga, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương với tiêu đề “Sửa đổi Luật Di sản văn hóa - Cơ hội phát triển của bảo tàng tư nhân”.

Góc nhìn: Tiếp tục hoàn thiện, bảo đảm chất lượng Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8

Trong lịch sử phát triển văn hóa nhân loại, bảo tàng ra đời như một loại thiết chế văn hóa được hiểu một cách phổ biến là nơi lưu giữ các giá trị vật chất và tinh thần tiêu biểu thuộc về quá khứ của một lĩnh vực, một nền văn hóa cộng đồng, rộng hơn là của nhân loại.

Các giá trị vật chất và tinh thần tiêu biểu thuộc về quá khứ được bảo tàng trưng bày, giới thiệu thông qua hệ thống các tài liệu hiện vật gốc có giá trị nhiều mặt hay một mặt như giá trị lịch sử - văn hóa - khoa học, thẩm mỹ... Đây là những bằng chứng xác thực, khách quan không thể làm lại, không thể tự sáng tạo ra theo ý chủ quan của con người.

Hiện vật bảo tàng là một ngôn ngữ đặc biệt, nó là những vật chứng trung thực của lịch sử; là nguồn cung cấp những tri thức cần thiết về tự nhiên, xã hội và con người. Chính vì thế thông qua các tài liệu hiện gốc được trưng bày, khách tham quan sẽ hiểu và cảm nhận được lịch sử, lối sống, nếp sống, cách suy nghĩ  của một quốc gia dân tộc; là cơ sở để người dân hiểu sâu sắc hơn về tổ tiên, về cội nguồn, qua đó giúp người dân nâng cao ý thức coi trọng giữ gìn và bảo tồn những giá trị truyền thống cũng như bản sắc văn hóa dân tộc. Đồng thời, thông qua đó cũng có sự chọn lọc, kế thừa những điểm sáng, những nét nhân văn của quá khứ để hướng tới một cuộc sống tốt đẹp hơn trong hiện tại và tương lai.

Bảo tàng Lịch Sử Quốc gia - nơi lưu giữ và bảo quản hơn 200.000 tư liệu và hiện vật lịch sử văn hóa Việt Nam từ thời tiền sử xa xưa đến năm 1945, trong đó có khoảng 20 món hiện vật/tài liệu được xem là Bảo vật quốc gia.

Ở Việt Nam hiện nay, các bảo tàng đã ngày càng khẳng định vị thế của mình trong hệ thống thiết chế văn hoá của đất nước, góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị mà Đảng và Nhà nước giao cho trong công tác giáo dục truyền thống yêu nước, tinh thần dũng cảm kiên cường đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, ý thức giữ gìn, tôn vinh bản sắc văn hoá dân tộc, đồng thời đáp ứng nhu cầu phổ biến kiến thức khoa học và nâng cao đời sống văn hoá tinh thần của công chúng. Bảo tàng trở thành nơi gìn giữ những di sản vật chất và tinh thần về lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, là trung tâm thông tin, là trường học và là địa chỉ văn hoá của công chúng.

Tính đến hết năm 2023, Việt Nam đã có tổng số 181 bảo tàng bao gồm: 127 bảo tàng công lập (04 bảo tàng quốc gia thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, 07 bảo tàng chuyên ngành thuộc các bộ, ngành Trung ương, 36 bảo tàng thuộc các đơn vị trực thuộc bộ, ngành, 80 bảo tàng cấp tỉnh) và 70 bảo tàng ngoài công lập. Tổng số hiện vật khoảng trên 4 triệu, trong đó có 265 bảo vật quốc gia được Thủ tướng Chính phủ công nhận.

Bảo tàng Quảng Ninh là địa điểm du lịch nổi tiếng được nhiều du khách yêu thích, nơi đây được xem là trung tâm văn hóa, chứa đựng nhiều giá trị về tinh thần của vùng đất mỏ.

Trong những năm gần đây, số lượng khách tham quan bảo tàng có sự biến động rất lớn. Đỉnh cao là các năm 2018 và 2019 với tổng số khách tham quan bảo tàng (bao gồm cả khách tham quan trưng bày chuyên đề, triển lãm lưu động) đạt trên 17 triệu lượt, trong đó liên tục giữ vị trí dẫn đầu là Bảo tàng Chứng tích chiến tranh với xấp xỉ 1,3 triệu lượt khách mua vé/năm, tiếp đến là các Bảo tàng Quảng Ninh: 740.000 lượt; Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam: 420.000 lượt,... Vào các năm 2020, 2021 và 2022, số lượng khách tham quan bảo tàng đã sụt giảm nghiêm trọng do đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, hiện nay khách tham quan của các bảo tàng thuộc top đầu đã có những tín hiệu tích cực phục hồi. Điều này cho thấy, bảo tàng là một trong những điểm đến tiềm năng, có khả năng thu hút lượng khách tham quan trong nước và nước ngoài.

Vì vậy, nếu được quan tâm và đầu tư đúng mức, hệ thống bảo tàng sẽ phát huy tối đa các giá trị vốn có, góp phần lưu giữ và phát triển các giá trị văn hóa, lịch sử và là một trong những điểm đến để thu hút, phát triển du lịch.

Luật Di sản Văn hóa hiện hành quy định về bảo tàng tại Mục 2, Chương 4. Trong đó, tại Điều 47 Luật quy định: “Hệ thống bảo tàng bao gồm bảo tàng công lập và bảo tàng ngoài công lập”. Có thể thấy, Luật đã thừa nhận mô hình bảo tàng ngoài công lập. Tuy nhiên, ngoài quy định này, hầu hết trong Luật hiện hành không có một quy định riêng nào dành cho bảo tàng ngoài công lập. Các yêu cầu đối với bảo tàng công lập và bảo tàng ngoài công lập là như nhau. Việc không có những quy định, ưu đãi riêng dành cho mô hình bảo tàng ngoài công lập là một trong những khó khăn dẫn tới mô hình bảo tàng tư nhân khó phát triển.

Có thể thấy, xét về mặt kinh tế, kinh doanh hoạt động bảo tàng không phải là một ngành thu hút nhà đầu tư, bởi trong bối cảnh hiện nay, lợi nhuận đem lại từ kinh doanh hoạt động bảo tàng chưa cao (trừ một số bảo tàng nổi bật, có vị trí thuận lợi nằm tại các điểm du lịch vốn đã đông khách tham quan). Vì vậy, nhà đầu tư cho hoạt động bảo tàng thường là những người có đam mê, tâm huyết, xuất phát từ mong muốn lan tỏa, gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa. Đó có thể là những tổ chức, doanh nghiệp, có thể là những cá nhân đơn thuần am hiểu và yêu thích một lĩnh vực nào đó, có điều kiện sưu tầm và trưng bày các hiện vật. Vì vậy, việc không có những quy định riêng đối với bảo tàng tư nhân, mà đặt ra quá nhiều các yêu cầu về pháp lý, phương thức hoạt động giống như với một bảo tàng công lập sẽ trở thành rào cản để phát triển loại hình này.

Bảo tàng Hoa Cương - bảo tàng tư nhân đầu tiên tại Hà Tĩnh lưu giữ những hiện vật quý hiếm về văn hóa dân tộc. Ảnh: Báo Lao động

Do đó, trong lần sửa đổi Luật Di sản văn hóa, cần nghiên cứu, xem xét, xây dựng các chính sách, quy định riêng đối với bảo tàng tư nhân, để phát huy và phát triển loại hình này trong thời gian tới.

Trong dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), bảo tàng tư nhân được quy định tại Chương VI. So với Luật Di sản văn hóa hiện hành, dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) đã chú trọng hơn tới bảo tàng tư nhân. Nếu trong Luật Di sản văn hóa hiện hành bảo tàng chỉ được thiết kế trong một mục (mục 3 Chương IV) thì trong dự thảo Luật sửa đổi, bảo tàng đã được tách ra thành một chương riêng với 14 Điều. Tuy nhiên, bảo tàng tư nhân vẫn chưa được đề cập một cách đúng mức. Dự thảo vẫn chủ yếu quy định về bảo tàng công lập, nhiệm vụ của bảo tàng, điều kiện thành lập bảo tàng công lập, đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp công trình kiến trúc, hạ tầng kĩ thuật, trưng bày trong nhà, ngoài trời của bảo tàng công lập, xếp hạng bảo tàng công lập, thẩm quyền xếp hạng bảo tàng công lập. Trong khi đó, các quy định về bảo tàng tư nhân chưa xuất hiện nhiều và một số quy định còn chưa rõ nét.

Dự thảo Luật tiếp tục kế thừa Luật Di sản văn hóa hiện hành, phân chia hệ thống bảo tàng ra thành bảo tàng công lập và bảo tàng ngoài công lập. Bảo tàng ngoài công lập do “tổ chức, cá nhân Việt Nam” hoặc “tổ chức, cá nhân nước ngoài” đầu tư, bảo đảm điều kiện hoạt động và được tổ chức theo mô hình doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp ngoài công lập hoặc mô hình khác (khoản 2 Điều 64 của dự thảo). Như vậy, bảo tàng tư nhân là bảo tàng ngoài công lập do “cá nhân Việt Nam” hoặc “cá nhân nước ngoài đầu tư”, mà hai khái niệm “cá nhân Việt Nam” hoặc “cá nhân nước ngoài” còn rất mơ hồ. “Cá nhân Việt Nam” nên hiểu như thế nào, là công dân Việt Nam hay là người có quốc tịch Việt Nam, đang sinh sống tại Việt Nam. Tương tự, “cá nhân nước ngoài” cũng là một khái niệm không dễ xác định nội hàm chính xác và không thống nhất với các khái niệm trong hệ thống pháp luật Việt Nam.

Theo dự thảo Luật, Điều 68 quy định về nhiệm vụ của bảo tàng và các quy định của Chương V như hoạt động sưu tầm, tư liệu hóa hiện vật và di sản văn hóa phi vật thể của bảo tàng (Điều 71), hoạt động kiểm kê hiện vật (Điều 72), hoạt động bảo quản hiện vật của bảo tàng (Điều 73), hoạt động trưng bày, diễn giải hiện vật và giới thiệu di sản văn hóa phi vật thể của bảo tàng (Điều 74)… Các điều này đều chưa thực sự phù hợp với bảo tàng tư nhân mà chủ yếu hướng tới bảo tàng công lập.

Các chính sách của Nhà nước về quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa (Điều 7) cũng còn khá vắng bóng chính sách ưu đãi và khuyến khích phát triển hệ thống bảo tàng tư nhân. Chính sách khuyến khích và tạo điều kiện cho cơ quan, tổ chức, cộng đồng, cá nhân tiến hành hoạt động thực hành, nghiên cứu, sưu tầm, kiểm kê, xử lý kĩ thuật, bảo quản, lưu giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa của Việt Nam còn chung chung, chưa rõ nội hàm khuyến khích và tạo điều kiện.

Hiện nay, ở Việt Nam bảo tàng tư nhân còn khá hiếm hoi, mặc dù chúng ta có rất nhiều các cá nhân sưu tầm cổ vật. Số lượng bảo tàng tư nhân thống kê được ở Việt Nam trong thời điểm này chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Sự hiếm hoi đó do rất nhiều nguyên nhân như chưa có đủ hành lang pháp lý để thành lập bảo tàng tư nhân, thiếu cơ chế khuyến khích ưu đãi để thành lập, hoạt động hạn chế nên chưa phổ biến và ít người biết tới.

Tuy ít tỏi nhưng bảo tàng tư nhân đã, đang và có vai trò vô cùng quan trọng trong việc sưu tập gìn giữ bảo quản và phát huy giá trị của di sản văn hóa. Nhiều bảo tàng tư nhân sở hữu những di sản vô cùng giá trị. Có thể kể đến Bảo tàng nhiếp ảnh Lai Xá do một cá nhân của làng Lai Xá, Hà Nội thành lập với gần 500 hiện vật quý về lịch sử phát triển nghề nhiếp ảnh của làng nói riêng và của Việt Nam nói chung; Bảo tàng y học của ông Lê Khắc Tâm ở Thành phố Hồ Chí Minh; Bảo tàng mỹ thuật họa sĩ Phan Thị Ngọc Mỹ ở Hà Nội…

Khi chưa có bất cứ cơ chế ưu đãi nào, các bảo tàng tư nhân phải hoàn toàn tự lo kinh phí từ nguồn đầu tư của các cá nhân, dẫn tới những khó khăn trong việc tổ chức trưng bày, bảo quản hiện vật, đón khách tham quan. Đây cũng là điểm nghẽn trong quá trình phát triển của các bảo tàng tư nhân. Nhiều bộ sưu tập quý giá của các cá nhân vẫn chỉ là sưu tập của cá nhân, chưa phát huy được giá trị, không có điều kiện để trưng bày rộng rãi.

Bởi vậy, khi sửa đổi Luật Di sản văn hóa, rất cần có những quy định cụ thể, thiết thực để phát triển bảo tàng tư nhân. Trong đó, cần thiết phải có những quy định riêng cho bảo tàng tư nhân: từ điều kiện, trình tự, thủ tục thành lập, hoạt động, cho đến các chính sách ưu đãi củaNnhà nước để phát triển bảo tàng tư nhân. Có như vậy, chúng ta mới đảm bảo được những điều kiện cần thiết nhất để bảo tàng tư nhân phát huy giá trị, đóng góp tích cực vào việc gìn giữ và phát huy các giá trị di sản văn hóa của quốc gia.

      

TS. Nguyễn Thị Việt Nga

Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương