SỬA ĐỔI LUẬT CÔNG CHỨNG: CẦN ĐẢM BẢO THỐNG NHẤT VỚI BỘ LUẬT DÂN SỰ VÀ CÁC LUẬT CÓ LIÊN QUAN

05/08/2024

Đóng góp ý kiến vào dự án Luật Công chứng (sửa đổi) được Quốc hội tiếp tục cho ý kiến và sẽ xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 8 sắp tới, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, cần rà soát nhằm đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của luật với Bộ luật Dân sự và các luật khác, nhất là các luật vừa được Quốc hội ban hành như Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đất đai.

CẦN CÂN NHẮC KỸ LƯỠNG QUY ĐỊNH GIỚI HẠN ĐỘ TUỔI HÀNH NGHỀ TRONG DỰ ÁN LUẬT CÔNG CHỨNG (SỬA ĐỔI)

Dự án Luật Công chứng (sửa đổi) sẽ được Quốc hội tiếp tục cho ý kiến và xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 8 sắp tới. Quan tâm tới Dự thảo Luật này, các đại biểu chỉ ra rằng, Dự thảo Luật còn 14 nội dung giao Chính phủ, 07 nội dung giao Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định chi tiết. Do đó, cần nghiên cứu để luật hóa tối đa các nội dung đã chín, đã rõ và phát huy hiệu quả trên thực tế, tránh việc giao quá nhiều nội dung quy định chi tiết làm giảm tính cụ thể của Luật và làm cho Luật chậm đi vào cuộc sống vì phải chờ văn bản quy định chi tiết. Đồng thời, tiếp tục rà soát nhằm đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của luật với Bộ luật Dân sự và các luật khác, nhất là các luật vừa được Quốc hội ban hành như Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đất đai nhằm thực hiện đúng chủ trương của Đảng, Nhà nước để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Đưa ra quan điểm về tính thống nhất của Dự án Luật Công chứng (sửa đổi) trong hệ thống pháp luật, đại biểu Sùng A Lềnh – Đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai chỉ ra rằng, một số quy định của Luật Công chứng, Bộ luật Dân sự, Luật Đất đai còn chưa đồng bộ, thống nhất hoặc chưa có hướng dẫn để thực hiện nên quá trình triển khai còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Cụ thể là Bộ luật Dân sự đã quy định thời hiệu yêu cầu chia thừa kế, tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có hướng dẫn thực hiện nên các tổ chức hành nghề công chứng còn lúng túng trong thực hiện công chứng các vụ việc liên quan đến thừa kế. Bộ luật Dân sự quy định về các trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng, giao dịch, tuy nhiên, Luật Công chứng hiện chỉ quy định việc công chứng hủy bỏ hợp đồng, giao dịch trong trường hợp các bên có văn bản thỏa thuận về việc hủy bỏ hợp đồng, giao dịch.

Đại biểu Sùng A Lềnh – Đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai 

Đồng thời, theo đại biểu, quy định về thời điểm có hiệu lực của hợp đồng còn chưa thống nhất giữa Luật Công chứng, Bộ luật Dân sự, Luật Đất đai…Cụ thể, Luật Công chứng thì quy định các văn bản công chứng có hiệu lực thi hành từ ngày được công chứng viên ký và đóng dấu của tổ chức hành nghề công chứng. Trong khi đó thì Bộ luật Dân sự, Luật Đất đai quy định thời điểm có hiệu lực của một số hợp đồng, giao dịch bắt buộc phải công chứng có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký. Điều này cũng ảnh hưởng đến giá trị của văn bản công chứng theo quy định của Luật Công chứng. Do vậy, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục xem xét và hoàn thiện để thống nhất các nội dung những đã nêu trên cho đồng bộ trong các hệ thống pháp luật.

Cùng bàn về sự tương thích giữa Bộ luật Dân sự hiện hành và một số nội dung của Dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi), các chuyên gia chỉ ra rằng, trong Dự thảo Luật có quy định giao dịch dân sự có “điều khoản vi phạm pháp luật, trái đạo đức xã hội”. Theo đó, nội dung “điều khoản vi phạm pháp luật, trái đạo đức xã hội” được quy định tại khoản 5 Điều 41 về “Công chứng hợp đồng, giao dịch đã được soạn thảo sẵn”, điểm b Điều 42 về “Công chứng hợp đồng, giao dịch do công chứng viên soạn thảo theo đề nghị của người yêu cầu công chứng” và điểm b khoản 1 Điều 17 về “Các hành vi bị nghiêm cấm”. Tuy nhiên, quy định nội dung này không đảm bảo sự tương thích với Bộ luật Dân sự năm 2015. Bởi vì, một trong những điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự được quy định tại điểm c khoản 1 Điều 117 Bộ luật Dân sự 2015 là “Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội”.

Theo các chuyên gia, việc mở rộng thêm nội hàm thuật ngữ “vi phạm pháp luật” tại Dự thảo “đi ngược” so với bản chất của Bộ luật Dân sự năm 2015 về điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự tại điểm c khoản 1 Điều 117.  Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định điều kiện “…không vi phạm điều cấm của luật…”. Do đó, Dự thảo cần thiết sửa đổi phù hợp, nhằm tránh sự chồng chéo không đáng có, đảm bảo triết lý của giao dịch dân sự là “tự do ý chí” và ý chí chỉ có thể bị hạn chế trong một số trường hợp nhất định, hay còn gọi là điều cấm của luật.

Đại biểu Lại Văn Hoàn – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình

Góp ý về vấn đề tính thống nhất của các luật hiện hành, đại biểu Lại Văn Hoàn – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình nêu rõ, Dự thảo Luật này đã có rất nhiều điểm mới so với luật năm 2014 và trong đó có một điểm rất mới là về công chứng điện tử. Đại biểu phân tích, bên cạnh những thuận lợi thì cũng có những khó khăn khi triển khai thực hiện quy định này. Đó là nạn giấy tờ giả, nhất là những dạng giấy tờ trong chứng nhận về quyền sở hữu tài sản hoặc quyền sử dụng về đất, là một trở ngại lớn trong việc công chứng điện tử, đặc biệt là hiện nay khung pháp lý về các hoạt động điện tử đó không chỉ gói gọn trong một luật về hoạt động công chứng mà nó còn là nằm trong các luật khác, như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, các luật về thuế và một số các luật có liên quan. Vì vậy, để xây dựng được thể chế và thúc đẩy được công chứng điện tử, cần phải có sự thay đổi đồng bộ của cả hệ thống pháp luật.

Nêu quan điểm hoàn thiện Dự thảo Luật này, đại biểu Quàng Văn Hương – Đoàn ĐBQH tỉnh Sơn La chỉ rõ, cần nghiên cứu thêm các quy định về công chứng bản dịch, ở khoản 1 Điều 2. Nghiên cứu kỹ tác động của nội dung này, đại biểu cho biết, báo cáo của Ủy ban Pháp luật có trích dẫn Hiến pháp về quyền của người dân tộc được sử dụng tiếng nói của mình, ngoài quy định của Hiến pháp còn rất nhiều luật, như Luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính có quy định là "đương sự giao nộp cho Tòa án tài liệu, chứng cứ bằng tiếng dân tộc thiểu số, tiếng nước ngoài phải kèm theo bản dịch sang tiếng Việt được công chứng hoặc được chứng thực hợp pháp". Luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính quy định như vậy thì Dự thảo Luật này cũng cần phải nghiên cứu, thiết kế kỹ càng về vấn đề phiên dịch để bảo đảm quyền của người yếu thế và quyền của những người bị bất đồng về ngôn ngữ. Đồng thời, đại biểu cũng đề nghị cần tiếp tục rà soát về tính đồng bộ, thống nhất của Luật này và các luật khác có liên quan trong hệ thống pháp luật.

Đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình

Ngoài ra, đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình cũng đề nghị Dự thảo Luật cần tiếp tục rà soát các quy định để góp phần thúc đẩy chuyển đổi số trong các giao dịch dân sự, kinh tế; bảo đảm đồng bộ với các quy định mới của Luật Giao dịch điện tử năm 2023. Đồng thời, cơ quan chủ trì soạn thảo cần chỉnh lý nội dung Dự thảo Luật bảo đảm phù hợp với các quy định của Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Giao dịch điện tử đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực./.

Hồ Hương

Các bài viết khác