ĐỀ XUẤT PHÂN ĐỊNH RÕ CÁC LOẠI HÓA CHẤT NGUY HIỂM, ĐỘC HẠI

04/08/2024

Đóng góp ý kiến vào Dự thảo Luật Hóa chất (sửa đổi), nhiều ĐBQH, hiệp hội, chuyên gia đề Ban soạn thảo dự án Luật nên quy định lại trách nhiệm của các Bộ ngành khi phải công bố những loại hóa chất nguy hiểm, độc hại cũng như phân định rõ các loại hóa chất này để đảm bảo phù hợp và có tính khả thi khi triển khai trong thực tiễn.

GÓP Ý KIẾN CHO DỰ THẢO LUẬT HÓA CHẤT (SỬA ĐỔI)

ĐỀ XUẤT MỞ RỘNG CHỈ ĐỊNH THẦU RÚT GỌN VỚI CẢ THUỐC, TRANG THIẾT BỊ Y TẾ VÀ HÓA CHẤT XÉT NGHIỆM

Theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, Dự thảo Luật Hóa chất (sửa đổi) sẽ được Quốc hội xem xét, cho ý kiến vào Kỳ họp thứ 8 diễn ra vào tháng 10/2024.

Dự thảo Luật Hóa chất sửa đổi gồm 89 điều và được bố cục thành 10 chương. Một trong những nội dung nhận được sự quan tâm của các đại biểu Quốc hội (ĐBQH), hiệp hội, giới chuyên gia đối với dự thảo Luật Hóa chất sửa đổi là vấn đề phân định, sử dụng và quản lý hóa chất nguy hiểm, độc hại.

Ông Phùng Mạnh Ngọc - Cục trưởng Cục Hóa chất (Bộ Công Thương)

Theo ông Phùng Mạnh Ngọc -Cục trưởng Cục Hóa chất (Bộ Công Thương), hiện nay, quy định về quản lý hóa chất chủ yếu tập trung vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu hóa chất. Trong khi đó, các quy định đối với hoạt động sử dụng hóa chất chưa đảm bảo được hiệu lực quản lý, các quy định về vận chuyển, thải bỏ hóa chất còn chung chung và chưa được quan tâm, dẫn đến những lỗ hổng quản lý trong chu trình vòng đời của hóa chất. Nhiều sản phẩm tiêu dùng chứa hóa chất nguy hiểm có thể ảnh hưởng trực tiếp đến người dân hoặc có thể ảnh hưởng lâu dài đến môi trường khi thải bỏ, tuy nhiên Luật chưa có quy định điều chỉnh.

Ngoài ra, việc thi hành pháp luật về quản lý hóa chất đôi khi còn chưa nghiêm. Nhiều hóa chất nguy hiểm bị sử dụng sai mục đích gây ra nhiều khó khăn cho cơ quan quản lý và doanh nghiệp. Nhiều đơn vị xem nhẹ các quy định về an toàn hóa chất, không thực hiện hoặc thực hiện đối phó, hình thức, chưa đảm bảo công tác phòng ngừa và ứng phó sự cố hóa chất. Giữa các cơ quan quản lý còn thiếu cơ chế phối hợp, chia sẻ thông tin về công tác quản lý hóa chất.

Với những bất cập trên, dự thảo Luật Hóa chất (sửa đổi) lần này được kỳ vọng sẽ có những quy định chặt chẽ hơn trong quản lý hóa chất độc hại, nguy hiểm.

Nên quy định lại trách nhiệm của các Bộ ngành phải công bố những loại hóa chất nguy hiểm, độc hại 

Ông Đỗ Trung Hưng - Vụ Pháp chế (Bộ Y tế)

Đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật Hóa chất (sửa đổi), ông Đỗ Trung Hưng- Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) bày tỏ băn khoăn khi dự thảo Luật Hóa chất (sửa đổi) quy định các Bộ ngành phải công bố những loại hóa chất nguy hiểm. Tuy nhiên, hiện nay, Bộ Y tế chỉ đang ban hành 2 danh mục. Đó là danh mục hóa chất diệt côn trùng, diệt khuẩn không được sử dụng và danh mục liên quan đến mỹ phẩm. Bộ không ban hành được hóa chất nguy hiểm có trong các loại thuốc, thực phẩm an toàn.

Trước thực tế trên, ông Đỗ Trung Hưng đề nghị Ban soạn thảo dự án Luật Hóa chất (sửa đổi) quy định lại trách nhiệm của các Bộ ngành phải công bố những loại hóa chất nguy hiểm để đảm bảo phù hợp và có tính khả thi khi triển khai trong thực tiễn. Ngoài ra, ông Đỗ Trung Hưng cũng đề nghị giữ nguyên việc Bộ Y tế có trách nhiệm công bố những loại hóa chất nguy hiểm như trong Luật Hóa chất năm 2007. Điều này cũng phù hợp với chức năng, nhiệm vụ mà Chính phủ giao cho Bộ.

PGS.TS Từ Quang Tân - Phó Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm (Đại học Thái Nguyên)

Liên quan đến nội dung trên, PGS.TS Từ Quang Tân - Phó Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm (Đại học Thái Nguyên) cho biết, hiện nay, nhiều trường đại học đang sử dụng hóa chất để phục vụ cho công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học… Do được tự chủ nên nhiều trường có thể mua các loại hóa chất và tự xử lý các loại hóa chất hết niên hạn sử dụng. Vậy vai trò của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc quản lý các trường đại học sử dụng các nguồn hóa chất này như thế nào thì cần được Ban soạn thảo dự án Luật Hóa chất (sửa đổi) làm rõ.

Ngoài ra, để đảm bảo an toàn cho các học sinh, sinh viên và các gia đình, PGS.TS Từ Quang Tân đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có sự chỉ đạo các địa phương, trường học trong việc tuyên truyền về tác hại khi sử dụng các hóa chá độc hại, nguy nhiểm cũng như cách thức xử lý các loại hóa chất như thuốc trừ sâu, bao bì và các hóa chất độc hại khác.

Cần phân định các loại hóa chất và quy định rõ các hành vi bị cấm

Ông Đỗ Quang Huy - Phó Chủ tịch Hội các phòng Thử nghiệm Việt Nam

Trong dự thảo Luật Hóa chất (sửa đổi) cần có khái niệm rõ ràng về hóa chất độc hại; trách nhiệm xử lý hóa chất độc tồn dư, hóa chất, sản phẩm chứa hóa chất độc bị tịch thu. Theo đó, ông Đỗ Quang Huy - Phó Chủ tịch Hội các phòng Thử nghiệm Việt Nam đưa ra đề xuất là đối với hóa chất tồn dư, chất độc hóa học thì nên tách ra làm 2 loại là hóa chất tồn trữ và tồn dư. Bởi sau chiến tranh, vẫn còn nhiều hóa chất tồn dư và tồn trữ ở các bến bãi, nhà kho mà cơ quan chức năng và địa phương vẫn chưa phát hiện ra. Bộ Quốc phòng có thể lập kế hoạch, quy trình xử lý đặc biệt, trình Chính phủ phương án xử lý các loại hóa chất tồn trữ. Còn với hóa chất tồn dư ở trong môi trường thì nên theo quy trình xử lý như cơ quan, đơn vị đang thực hiện là đúng.

Nêu quan điểm về phân định các loại hóa chất độc hại cho con người, đại biểu Nguyễn Quang Huân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương cho rằng: Ban soạn thảo dự án Luật cần phân định các loại hóa chất bởi có những loại hóa chất rất thiết thực với đời sống xã hội và loại hóa chất độc hại. Những hóa chất nguy hiểm, độc hại như axit, xyanua... ảnh hưởng đến sức khỏe con người cần được nghiêm cấm sử dụng phải được ghi rõ ở trong dự án Luật Hóa chất (sửa đổi).

Đại biểu Nguyễn Quang Huân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương

Đối với các hành vi bị cấm, tại khoản 4 Điều 7 nêu rõ: Cấm sử dụng hóa chất thuộc danh mục không được phép sử dụng để sản xuất và bảo quản thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thức ăn gia súc, thức ăn thủy sản, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, sản phẩm hóa chất tiêu dùng. Thế nhưng, trong nội dung này lại không quy định các loại biệt dược như thuốc ngủ không được bác sĩ kê đơn hay các tinh chất chiết suất để chế biến thành các loại heroin, ma túy là hành vi bị cấm. Do vậy, đại biểu Nguyễn Quang Huân đề nghị Ban soạn thảo dự án Luật cần đưa các biệt dược như trên vào các hành vi bị cấm sử dụng./.

Bích Lan

Các bài viết khác