PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI TRẦN QUANG PHƯƠNG: CẦN TIẾP THU ĐẦY ĐỦ, CHỈNH LÝ PHÙ HỢP DỰ THẢO LUẬT PHÒNG KHÔNG NHÂN DÂN

01/08/2024

Ngày 01/8, tại thành phố Cần Thơ, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương dự và chỉ đạo Tọa đàm do Ủy ban Quốc phòng và An ninh tổ chức với chủ đề “Hoạt động phòng không nhân dân; công trình và trận địa phòng không nhân dân; quyền, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với phòng không nhân dân”. Trung tướng Lê Tấn Tới, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh và Trung tướng Nguyễn Hải Hưng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh đồng chủ trì cuộc Tọa đàm.

PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI, THƯỢNG TƯỚNG TRẦN QUANG PHƯƠNG THĂM, LÀM VIỆC VỚI CÔNG AN THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương dự và chỉ đạo Tọa đàm

Tham dự Tọa đàm có Trung tướng Đỗ Quang Thành, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh, các đồng chí Ủy viên thường trực Ủy ban, các Phó trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách, đại biểu Quốc hội các Nam Định, Bình Dương, Kiên Giang, Cần Thơ, Đồng Tháp, Hậu Giang, Vĩnh Long.

Tham dự Tọa đàm có Thiếu tướng Quách Văn Nhỏ, Phó Tư lệnh Quân khu 9, đại diện Ban soạn thảo Luật Phòng không nhân dân, Vụ Pháp chế, Bộ Quốc phòng cùng đông đảo các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, nhà hoạt động thực tiễn…

Phát biểu khai mạc Tọa đàm, Trung tướng Lê Tấn Tới, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh nêu rõ, thời gian qua, Thường trực Ủy ban đã tổ chức khảo sát tại các địa bàn Quân khu và 1 số địa bàn để có thêm cơ sở lý luận chính trị, pháp lý, khoa học và thực tiễn vững chắc hoàn thiện dự thảo Luật báo cáo UBTVQH tại Phiên họp tháng 8 này. Phòng không nhân dân (PKND) là một bộ phận của nền quốc phòng toàn dân và chiến tranh nhân dân. Hoạt động tác chiến PKND là nét đặc sắc của nghệ thuật quân sự Việt Nam đã được thực hiện hiệu quả hiệu quả trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc của dân tộc. Ngày nay, các phương án tác chiến tiến công đường không và phòng chống tiến công đường không trở thành yêu cầu hết sức quan trọng, quyết định đến thành bại trong cục diện chiến trường, trong đó có vai trò quan trọng của hoạt động PKND, thế trận PKND. Cuộc Tọa đàm này sẽ là dịp trao đổi, lấy ý kiến trí tuệ, kinh nghiệm của các vị ĐBQH, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, nhà hoạt động thực tiễn về lĩnh vực này.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới phát biểu khai mạc Toạ đàm.

Tại buổi Tọa đàm, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu đã có nhiều đóng góp ý kiến về các nội dung liên quan đến hoạt động phòng không nhân dân; công trình và trận địa phòng không nhân dân; quyền, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với phòng không nhân dân. Trong đó, có ý kiến cho rằng, để đảm bảo an ninh, an toàn trong việc quản lý tàu bay không người lái, các phương tiện bay, dự thảo Luật cần nêu vao vai trò, trách nhiệm của UBND các cấp, đặc biệt là đối với việc tổ chức các sự kiện có sử dụng nhiều tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ. Từ thực tế trên thế giới về việc cảnh báo tàu bay không người lái, chuyên gia cũng đề nghị dự thảo Luật cần bổ sung trách nhiệm của Bộ Thông tin và Truyền thông về hệ thống báo động quốc gia về phòng không.

Cũng tại Tọa đàm, chuyên gia đã phân tích những yếu tố thách thức đối với nhiệm vụ PKND và có kiến nghị đối với việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật liên quan đến các nội dung như: Công trình PKND; Tập huấn bồi dưỡng với lực lượng  tham gia PKND; huy động nguồn lực PKND. Các chuyên gia cũng nhận định, cùng với việc quy định trách nhiệm, cần thiết quy định quyền, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với phòng không nhân dân.

Về quy định độ tuổi, dự thảo Luật Phòng không nhân dân trình Kỳ họp thứ 7 của Quốc hội quy định độ tuổi tham gia lực lượng PKND huy động: Nam từ đủ 18 tuổi đến hết 45 tuổi, nữ từ đủ 18 tuổi đến hết 40 tuổi; nếu tình nguyện thì có thể kéo dài đến hết 50 tuổi đối với nam, đến hết 45 tuổi đối với nữ. Các chuyên gia cho rằng, không nên quy định giới hạn độ tuổi của người được huy động tham gia PKND.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu chỉ đạo.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đồng tình, đối với lực lượng PKND nòng cốt là Dân quân tự vệ và dự bị động viên, độ tuổi thực hiện theo quy định của 2 luật về 2 lực lượng nêu trên. Tuy nhiên, đối với lực lượng rộng rãi, Luật này không nên quy định độ tuổi của những người được huy động tham gia. PKND là hoạt động của toàn dân nhằm chuẩn bị, ngăn ngừa, phòng tránh, đánh trả, khắc phục hậu quả tác chiến đường không. Phòng không nhân dân là 1 bộ phận của thế trận chiến tranh nhân dân. Vì vậy Luật cần quy định để phát huy được sức mạnh của nhân dân, của thế trận quốc phòng toàn dân - nét quân sự độc đáo của Việt Nam. “Ai có súng dùng súng, ai có gươm dùng gươm, không gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc, giáo mác. Nhà thơ Tố Hữu đã từng viết “Ôi Việt Nam, xứ sở lạ lùng. Đến em thơ cũng hoá thành những anh hùng. Đến ong dại cũng luyện thành chiến sĩ. Và hoa trái cũng biến thành vũ khí!”, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương với các đại biểu tham dự Tọa đàm.

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị, Ủy ban Quốc phòng và An ninh và Ban soạn thảo cần quán triệt tinh thần “tiếp thu đầy đủ, chỉnh lý phù hợp, giải trình thuyết phục”. Đây là luật có phạm vi rộng, nội dung có tính đặc thù. Vì vậy, các cơ quan cần tiếp tục rà soát căn các cứ chính trị, pháp lý và thực tiễn xây dựng Luật; rà soát toàn bộ hệ thống pháp luật để đảm bảo thống nhất, đồng bộ. Phó Chủ tịch Quốc hội cũng gợi mở: “Liệu có cần cần thiết kế Điều, Khoản về áp dụng pháp luật khay không, vì phạm vi rộng, tính đặc thù của Luật này?”.

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị cần rà soát kỹ lưỡng phạm vi điều chỉnh; bóc tách các các chính sách cụ thể trong luật. Bên cạnh đó, tiếp tục nghiên cứu, rà soát các nội dung liên quan đến giải thích các từ ngữ, các khái niệm. Phó Chủ tịch Quốc hội cũng gợi mở một số vấn đề liên quan đến chủ đề Tọa đàm, phục vụ việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng không nhân dân./.

Khắc Phục

Các bài viết khác