ĐỀ XUẤT BAN HÀNH THÊM CÁC CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ CHO CÁC DOANH NGHIỆP PHỤC HỒI VÀ PHÁT TRIỂN SẢN XUẤT, KINH DOANH

31/07/2024

Trong 4 tháng đầu năm, cả nước có gần 86,4 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 12,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Thực trạng trên đã tác động lớn đến sự phát triển kinh tế-xã hội và việc làm của nhiều lao động. Do vậy, nhiều ĐBQH đề xuất Chính phủ, Quốc hội cần ban hành thêm các chính sách cũng như giảm thiểu những công đoạn, thủ tục rườm rà làm kéo dài thời gian doanh nghiệp nhận được nguồn hỗ trợ cho phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh...

ĐBQH TRẦN HOÀNG NGÂN: CÒN DƯ ĐỊA ĐỂ TIẾP TỤC DÙNG CHÍNH SÁCH TÀI KHÓA HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP PHỤC HỒI VÀ PHÁT TRIỂN SẢN XUẤT, KINH DOANH

THÁO GỠ VƯỚNG MẮC ĐỂ THÚC ĐẨY CỔ PHẦN HÓA, THOÁI VỐN NHÀ NƯỚC TẠI DOANH NGHIỆP

Theo báo cáo của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong những tháng đầu năm 2024 còn nhiều khó khăn. Trong 4 tháng đầu năm, cả nước có gần 86,4 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 12,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Con số này cao hơn số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường (81,3 nghìn doanh nghiệp). Bên cạnh đó, nhu cầu nội địa và nhu cầu quốc tế thấp cùng với tính cạnh tranh của hàng hóa trong nước cao là những yếu tố chính ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong lĩnh vực chế biến, chế tạo. Mặt khác, chi phí vận tải tăng khá mạnh, nhất là đường biển, tỷ giá biến động bất thường trong những tháng đầu năm cũng là những yếu tố ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của doanh nghiệp.

Doanh nghiệp cần thêm những chính sách hỗ trợ để phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh (ảnh minh họa: Internet)

Thực trạng trên đã tác động lớn đến sự phát triển kinh tế-xã hội và việc làm của nhiều lao động. Do vậy, nhiều ĐBQH đề xuất Quốc hội, Chính phủ cần ban hành thêm các chính sách về miễn giảm, gia hạn các khoản thuế, phí, tiền thuê đất; xem xét lại cơ cấu nợ, gia hạn nợ cho các doanh nghiệp cũng như lưu ý hơn tới các thủ tục để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận với các khoản vay với lãi suất thấp.

Thủ tục rườm rà, nhiều công đoạn khiến doanh nghiệp gặp khó khăn khi tiếp cận nguồn hỗ trợ

Bày tỏ lo ngại khi số doanh nghiệp tham gia vào thị trường trong những tháng đầu năm 2024 thấp hơn so với số doanh nghiệp rút ra khỏi thị trường, đại biểu Hoàng Văn Cường – Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội cho rằng, đây là con số mà rất nhiều năm không xảy ra tình trạng này, kể cả như thời kỳ nước ta phải đối diện với những khó khăn như trong đại dịch Covid-19. Điều này cho thấy, có một báo hiệu về tăng trưởng sản xuất sẽ gặp khó khăn.

Đại biểu Hoàng Văn Cường – Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội 

Ngoài ra, đại biểu Hoàng Văn Cường cũng bày tỏ sự lo ngại khi có 1 chỉ tiêu mà Báo cáo về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh do Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam công bố cho thấy, số lượng doanh nghiệp sẽ mở rộng quy mô sản xuất chỉ đạt có 27%. Số liệu này được đánh giá là thấp nhất trong vòng nhiều năm nay, thấp hơn so với năm 2023 khi kỳ vọng số lượng doanh nghiệp mở rộng quy mô sản xuất là 35% và thời kỳ khủng hoảng kinh tế như trong giai đoạn 2011 - 2013 thì con số này cũng khoảng chừng 30%. Rõ ràng đây là một tín hiệu rất không tốt cho sự tăng trưởng kinh tế nên cần có giải pháp liên quan đến nhu cầu phát triển của doanh nghiệp.

Nêu quan điểm về vấn đề trên, đại biểu Trần Anh Tuấn – Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh cho rằng, trong năm 2023, số lượng doanh nghiệp thành lập mới cũng như giải thể, phá sản tăng cao. Tới quý I/2024, số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động, chờ thủ tục phá sản lại cao hơn số thành lập mới và quay lại hoạt động. Điều này cho thấy, nguồn lực và chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong thời gian qua chưa đạt được hiệu quả.

Đại biểu Trần Anh Tuấn – Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh

Theo đại biểu Trần Anh Tuấn, hiện nay, chúng ta đã ban hành Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng như các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp theo Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế nhưng chưa khuyến khích được các doanh nghiệp thành lập, mở rộng đầu tư sản xuất, kinh doanh. Các chính sách này chưa thực sự áp dụng vào thực tiễn vì các doanh nghiệp thường phàn nàn là để nhận được tiền hỗ trợ thì phải thực hiện những việc làm mất rất nhiều thời gian, thủ tục công đoạn cồng kềnh… Cho nên, các Bộ ngành, cơ quan cần có sự thay đổi mạnh mẽ trong chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, đặc biệt là hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; giảm thiểu những công đoạn, thủ tục rườm rà làm gián đoạn hoặc kéo dài thời gian doanh nghiệp nhận được tiền hỗ trợ cho mục đích ổn định và phát triển sản xuất, kinh doanh.

Xem xét lại việc điều hành chính sách tiền tệ và cần ban hành thêm chính sách về miễn giảm, gia hạn các khoản thuế, phí

Lo ngại khu vực đầu tư dân doanh đang gặp nhiều khó khăn và thách thức, đại biểu Trần Hoàng Ngân – Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh bày tỏ lo lắng khi số lượng doanh nghiệp rút khỏi thị trường năm 2019 là 89.200 doanh nghiệp, năm 2020 là 101.700 doanh nghiệp, năm 2021 là 120.000 doanh nghiệp, năm 2022 là 143.200 doanh nghiệp và năm 2023 là 172.600 doanh nghiệp, tăng 20,5%. Điều đó có nghĩa là doanh nghiệp dân doanh ở trong nước đang gặp rất nhiều khó khăn và chịu rất nhiều áp lực, thách thức cả bên trong và lẫn bên ngoài.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân – Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh

Theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, khu vực doanh nghiệp dân doanh là khu vực chiếm tỷ trọng cao trong đầu tư phát triển. Bình quân cả nước thì khu vực doanh nghiệp dân doanh chiếm khoảng 45- 50%. Tại Tp.Hồ Chí Minh, khu vực dân doanh chiếm từ 68-70% tổng vốn đầu tư xã hội. Cho nên, theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, cần có những chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp Việt Nam nhiều hơn. Theo đó, Quốc hội, Chính phủ cần ban hành thêm các chính sách về miễn giảm, gia hạn các khoản thuế, phí, tiền thuê đất cũng như vấn đề xem xét lại cơ cấu, gia hạn nợ cho các doanh nghiệp cũng như tiếp sức cho khu vực đầu tư doanh nghiệp dân doanh.

Liên quan đến việc xem xét cho doanh nghiệp vay để ổn định và phát triển sản xuất, đại biểu Nguyễn Thị Yến – Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu cho rằng, Chính phủ cần xem xét lại việc điều hành chính sách tiền tệ. Theo đó, khi các ngân hàng giảm lãi suất cho vay thì doanh nghiệp phải được ưu tiên giảm để phục vụ cho hoạt động kinh doanh của mình. Nếu các ngân hàng triển khai giảm lãi suất mà doanh nghiệp không được tiếp cận thì cần phải có sự đánh giá cụ thể hơn về vấn đề này.

Đại biểu Nguyễn Thị Yến – Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

Đề cập về sự mâu thuẫn trong dự toán thu với tỷ lệ doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường hoặc đình trệ hoạt động, đại biểu Nguyễn Vân Chi – Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An nhận định: Nếu nhìn vào dự toán thu năm nay cho thấy, số tiền tăng thu tương đối lớn. Điều này thể hiện việc tăng thu trong cả 3 khu vực: Đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp ngoài quốc doanh và các doanh nghiệp Nhà nước. Số liệu tăng thu cho chúng ta cái nhìn tương đối khả quan về tình hình sản xuất, kinh doanh của nghiệp.

Tuy nhiên, theo báo cáo của Ủy ban Kinh tế cho thấy, tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp thật sự khó khăn khi trong 4 tháng đầu năm, cả nước có gần 86,4 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường cao hơn so với số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường.

Đại biểu Nguyễn Vân Chi – Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An 

Trước sự mâu thuẫn và băn khoăn trên, đại biểu Nguyễn Vân Chi đề nghị Chính phủ cần xem xét lại số liệu và tình hình hoạt động, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp để phục vụ cho công tác đánh giá về kinh tế xã hội được đầy đủ và phù hợp hơn.

Với những ý kiến, đề xuất về việc số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường gia tăng, các ĐBQH kỳ vọng Chính phủ, Quốc hội nghiên cứu, xem xét lại một số chính sách, thủ tục để kịp thời điều chỉnh nhằm hỗ trợ doanh nghiệp ổn định và phát triển sản xuất, kinh doanh. Điều này cũng là góp phần vào tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động./.

Bích Lan

Các bài viết khác