TỔNG BÍ THƯ NGUYỄN PHÚ TRỌNG VỚI DẤU ẤN ĐỔI MỚI HOẠT ĐỘNG LẬP PHÁP CỦA QUỐC HỘI

30/07/2024

Ngay từ những ngày đầu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng giữ cương vị là Chủ tịch Quốc hội khóa XI, XII, dân chủ hóa các hoạt động của Quốc hội được người đứng đầu xem là nhân tố quan trọng để nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của Quốc hội, làm cho Quốc hội mạnh và thực quyền. Vì vậy Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, cần phải tạo điều kiện để các kỳ họp của Quốc hội diễn ra thực sự dân chủ, đúng pháp luật, cung cấp thông tin đầy đủ, đa dạng, nhiều chiều cho đại biểu Quốc hội, tăng cường tranh luận, phản biện trong việc xem xét, quyết định các vấn đề ở nghị trường.

CỐ TỔNG BÍ THƯ NGUYỄN PHÚ TRỌNG TRONG LÒNG ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI

Trong công tác xây dựng pháp luật của Quốc hội, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đặt ra yêu cầu: Tăng cường năng lực lập pháp, đổi mới hơn nữa quy trình xây dựng luật, làm sao để xây dựng một hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai và minh bạch.

Trong các bài phát biểu, trả lời phỏng vấn báo chí, Chủ tịch Quốc hội khóa XII - Nguyễn Phú Trọng luôn xác định, việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật của nước ta cần phải bám sát triệt để đường lối, chủ trương của Đảng, phân tích, nắm chắc yêu cầu thực tiễn cuộc sống, tăng cường năng lực và nâng cao chất lượng hoạt động lập pháp. Cần phải đổi mới quy trình xây dựng pháp luật, bảo đảm tốt hơn tính dân chủ, pháp chế, công khai, minh bạch của hệ thống pháp luật, nghiên cứu và học hỏi kinh nghiệm của các nước trên thế giới. Các vị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách phải thực sự là chuyên gia xây dựng luật, pháp lệnh.

Trong một lần tiếp xúc cử tri, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Trước đây khi tôi làm Chủ tịch Quốc hội hai khóa từ năm 2006 thì cũng đã mong muốn là Quốc hội phải luôn luôn đổi mới cho phù hợp với yêu cầu mới và không chỉ nói lý thuyết chung chung mà phải xuất phát từ thực tiễn, bám sát vào những công việc cụ thể, thực tế để chúng ta bàn và ra luật pháp, những chủ trương, chính sách phù hợp với cuộc sống thiết thực”.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu khai mạc kỳ họp thứ nhất, Quốc hội Khoá XII.

Bước vào Quốc hội khóa XII, 2/3 đại biểu Quốc hội là những người đầu tiên tham gia Quốc hội, 10/13 Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội nghỉ công tác. Năm 2007 là năm chuyển giao giữa hai nhiệm kỳ Quốc hội khóa XI và Khóa XII, một cuộc chuyển giao không hề đơn giản, vậy nhưng Quốc hội khóa XII đã để lại nhiều dấu ấn trong công tác xây dựng pháp luật.

Nhớ về những ngày tháng khi được phục vụ đồng chí Nguyễn Phú Trọng trên cương vị Chủ tịch Quốc hội, ông Trần Đình Đàn, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội chia sẻ: “Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng luôn có một yêu cầu rất cao là các đại biểu Quốc hội nói chung, trước hết là các đại biểu Quốc hội chuyên trách phải là trung tâm hoạt động của Quốc hôi. Phải làm thế nào để làm cầu nối gần gũi nhất đến với nhân dân và cử tri. Và Quốc hội Khoá XII là một khoá Quốc hội rất đặc biệt. Đó là việc thông qua nhiều Bộ Luật lớn. Chủ tịch Quốc hội yêu cầu phải bám hiến pháp, bám Cương lĩnh. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng rất cẩn thận, chu đáo và yêu cầu các đại biểu chuyên trách phải nắm chắc để tham gia với Quốc hội đưa ra các Bộ Luật”.

Ông Trần Đình Đàn, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội vinh dự có 1 nhiệm kỳ phục vụ, làm việc cùng Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng.

Trên nhiều cương vị, trong các hoạt động của Quốc hội, lập hiến, lập pháp được đồng chí Nguyễn Phú Trọng đặc biệt quan tâm. Phát biểu tại nhiều Hội nghị BCH Trung ương Đảng khóa XI, khi nói về sửa đổi Hiến pháp 1992, đồng chí Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, sửa đổi hiến pháp là nhiệm vụ quan trọng Đảng, nhà nước và toàn hệ thống chính trị, sửa đổi, bổ sung hiến pháp phải có quan điểm và cách nhìn toàn diện, biện chứng, cụ thể, khoa học và thận trọng. Thông qua được hiến pháp và luật pháp là rất quan trọng, nhưng đó cũng chỉ là bước đầu, điều quan trọng hơn là phải làm sao để Nghị quyết, Hiến pháp, luật pháp đi vào cuộc sống, biến thành hiện thực sinh động. Do đó, việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã tạo cơ sở hiến định cho công cuộc đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ tổ quốc, là một minh chứng rõ nét của việc thực hiện thành công một nhiệm vụ quan trọng "hợp ý Đảng, lòng dân" .

PGS.TS Nguyễn Viết Thông, nguyên Tổng Thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương đánh giá: “Một dấu ấn rất quan trọng trong Hiến pháp 2013 đó là phân công giữa các cơ quan nhà nước. Lần đầu tiên có sự phân công rành mạch, rõ ràng. Cụ thể, Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hoà xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền lập hiến, lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề lớn của đất nước. Lần đầu tiên chũng ta khẳng định trong Hiến pháp Chính phủ là cơ quan hành chính cao nhất của nước Cộng hoà xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, là cơ quan chấp hành của Quốc hội và thực hiện quyền hành pháp; Lần đầu tiên trong Hiến pháp chúng ta khẳng định Toà án Nhân dân tối cao thực hiện quyền tư pháp,…Đó là những điểm mới, những dấu ấn rất đậm nét, và những dấu ấn đó đều gắn với Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng”.

PGS.TS Nguyễn Viết Thông, nguyên Tổng Thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương

Lập hiến, lập pháp cần phải có một sự chuẩn bị nghiêm túc và công phu, phải là một quá trình được thực hiện bài bản và thực sự dân chủ, là sự thống nhất của cả Quốc hội, là ý chí và nguyện vọng của nhân dân, là sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị dưới sự chỉ đạo chặt chẽ nhưng không gò ép của Đảng. Sự đồng thuận cao là vậy, hợp ý Đảng, lòng dân chính là vậy. Nhiều bài học kinh nghiệm rút ra từ những chỉ đạo của vị Lãnh đạo trí tuệ, giàu lý luận và kinh nghiệm thực tiễn, người luôn tâm huyết và trăn trở với các hoạt động của Quốc hội, có giá trị quan trọng và lâu dài trong đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động lập pháp của Quốc hội.

Bích Liên

Các bài viết khác