TỔNG BÍ THƯ NGUYỄN PHÚ TRỌNG ĐÃ HIỆN THỰC HÓA MỤC TIÊU DÂN CHỦ VÀ TỪNG BƯỚC CHUYÊN NGHIỆP HÓA HOẠT ĐỘNG CỦA QUỐC HỘI

24/07/2024

Trong thời gian giữ cương vị Chủ tịch Quốc hội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo tiến hành đổi mới cả về tổ chức và hoạt động, góp phần thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân. Đặc biệt, những chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đã góp phần hiện thực hóa mục tiêu dân chủ và từng bước chuyên nghiệp hóa hoạt động của Quốc hội.

THỰC HIỆN Ý NGUYỆN CỦA ĐỒNG CHÍ NGUYỄN PHÚ TRỌNG, QUỐC HỘI TIẾP TỤC NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG, HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG ĐÁP ỨNG YÊU CẦU PHÁT TRIỂN CỦA ĐẤT NƯỚC VÀ SỰ KỲ VỌNG CỦA NHÂN DÂN

Với kinh nghiệm thực tiễn qua 2 nhiệm kỳ giữ cương vị Chủ tịch Quốc hội (khóa XI, XII), là đại biểu Quốc hội các khóa XI, XII, XIII, XIV, XV, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã để lại nhiều dấu ấn nổi bật tại cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nuớc cao nhất của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Nhiều năm công tác dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, TS. Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội khẳng định, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã kế thừa di sản của các thế hệ lãnh đạo đi trước, lắng nghe ý kiến của Nhân dân. Trong thời gian giữ cương vị Chủ tịch Quốc hội, điều quan trọng nhất, và dấu ấn rõ nhất đồng chí để lại là luôn lắng nghe Nhân dân. Đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo thực hiện chức năng được ghi trong Hiến pháp: Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất. Đồng chí luôn đặt Nhân dân là trọng tâm, lấy lợi ích của Nhân dân là trên hết, nên các Chương trình xây dựng luật, pháp luật và nhiều hoạt động của Quốc hội đều được truyền hình trực tiếp, công khai để Nhân dân theo dõi, giám sát.

TS. Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội 

Tư tưởng trọng dân của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã được thể hiện xuyên suốt. Trong thời gian giữ cương vị Chủ tịch Quốc hội, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã luôn đề cao tư tưởng trọng dân trong quá trình chỉ đạo thực hiện 3 chức năng của Quốc hội là lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Khi giữ cương vị Tổng Bí thư, đồng chí Nguyễn Phú Trọng vẫn kiên định tư tưởng trọng dân; điều này được thể hiện trong các văn kiện, nghị quyết của Đảng và tiếp tục được cụ thể hóa trong chính sách, pháp luật của Nhà nước đều vì Nhân dân.

Có may mắn được phục vụ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong thời gian đồng chí giữ cương vị Chủ tịch Quốc hội, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Ngọc Thanh cảm nhận Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng là người toàn tài, có lý luận uyên bác, thực tiễn phong phú, với bộ óc lớn lao, tư duy khoa học đã vượt lên những suy nghĩ thông thường, tận tâm cống hiến cho đất nước. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một danh xưng tài đức vẹn toàn, có bản lĩnh, mẫu mực về phẩm chất đạo đức, lối sống. Tất cả hoạt động cách mạng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đều là vì nước, vì dân, không có một chút riêng tư nào.

Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Ngọc Thanh 

Ông Bùi Ngọc Thanh nhớ lại, khi đi công tác địa phương, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng luôn nhắc nhở cán bộ ở Văn phòng Quốc hội không cần bố trí nhiều xe và luôn thực hiện ba không: không rú còi hơi, không tự ý vượt đèn đỏ, không tổ chức đón rước. “Câu chuyện này cho thấy cuộc sống của Chủ tịch Quốc hội rất hoà đồng, dễ mến, là một con người rất hiền hậu, khiêm nhường, có cuộc sống giản dị của một công bộc cấp cao”, ông Bùi Ngọc Thanh chia sẻ.

Trong công việc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng là người tham công tiếc việc nhưng là một nhà khoa học lớn, tổ chức lao động khoa học và tài tình. Công việc dù lớn, dù nhỏ cũng đều chuẩn bị rất chu đáo rồi mới tiến hành. Trong hàng chục sản phẩm đổi mới, cải cách tổ chức và hoạt động của Quốc hội, điều đầu tiên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng thực hiện là tạo ra căn cứ pháp lý cho sự đổi mới, bằng cách sửa đổi Luật tổ chức Quốc hội năm 2001. Trong đó có Điều 22 Quốc hội thành lập Hội đồng Dân tộc và 9 Ủy ban (Từ khóa 11 trở về trước, Quốc hội chỉ có 8 cơ quan chuyên môn của Quốc hội, nhưng từ khóa XII có 10 cơ quan). Việc tăng thêm số lượng cơ quan chuyên môn của Quốc hội làm cho phân công lao động trong Quốc hội ngày càng chuyên sâu để sử dụng đầy đủ năng lực, khả năng của đại biểu Quốc hội, từ đó nâng cao chất lượng hoạt động của đại biểu Quốc hội. Kết quả là ba chức năng của Quốc hội là lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát đạt kết quả tốt.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng cũng có đóng góp lớn vào việc kiện toàn bộ máy lãnh đạo cho đầy đủ rường cột, bởi từ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XI trở về trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ có 13 người; từ khóa XII đến nay được định hình là 18 người; số lượng lãnh đạo Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội cũng tăng lên; đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tăng từ 108 đại biểu (khóa XI) lên 180 đại biểu (khóa XII).

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đọc Diễn văn bế mạc Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XII (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)

Ông Bùi Ngọc Thanh nhấn mạnh, việc tăng số lượng đại biểu Quốc hội chuyên trách ở trung ương và địa phương giúp đại biểu có điều kiện để gặp gỡ cử tri, có điều kiện nghiên cứu tài liệu để đến kỳ họp, Hội trường Ba Đình như là lăng kính hội tụ tất cả các thông tin của các địa phương và đặt lên bàn nghị sự. Nhờ vậy, Quốc hội đã chuyển từ Quốc hội tham luận sang Quốc hội tranh luận để cùng nhau tiếp cận đến chân lý, tiếp cận đến phương án tốt nhất của vấn đề được đặt lên bàn nghị sự. Đồng thời, thực hiện được mục tiêu của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đề ra là dân chủ hóa hoạt động của Quốc hội và từng bước chuyên nghiệp hóa hoạt động của Quốc hội.

Một trong những dấu ấn nổi bật của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong thời gian giữ cương vị Chủ tịch Quốc hội là đã sắp xếp lại hoạt động bầu cử đại biểu Quốc hội và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân ba cấp vào trong cùng một ngày (bắt đầu từ nhiệm kỳ khóa XII). Chủ tịch Quốc hội cũng chỉ đạo dịch chuyển nhiệm kỳ của đại biểu Quốc hội và nhiệm kỳ Hội đồng nhân dân vào một (trước đây cách nhau hai năm). Theo đó, nhiệm kỳ Hội đồng nhân dân 2004 - 2009 kéo dài thêm hai năm cho đến năm 2011; từ đó trở về sau, 5 năm nhiệm kỳ Quốc hội, cũng là 5 năm nhiệm kỳ của Hội đồng nhân dân.

Ngoài ra, thời điểm diễn ra Đại hội Đảng cách xa thời điểm bầu đại biểu dân cử đã được đồng chí Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo dịch chuyển và thống nhất trong quý I tiến hành Đại hội Đảng và quý II bầu cử. Từ đó đến nay công việc này đã trở thành nề nếp; việc sắp xếp này của đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã giúp cho các cơ quan có đủ thời gian thực hiện nhiệm vụ chuyên môn được giao.

Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Bộ Lĩnh, đại biểu Quốc hội khóa XII, khóa XIII (Ảnh: TTXVN)

Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Bộ Lĩnh, đại biểu Quốc hội khóa XII, khóa XIII nhớ lại khoảng thời gian ông được tham gia hoạt động Quốc hội và dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng.

Ấn tượng về Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng trong chủ trì các Kỳ họp cũng như các Phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội với tác phong điềm tĩnh, sát sao, dân chủ để mọi đại biểu Quốc hội, thành viên Ủy ban Thường vụ đều được phát biểu ý kiến. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng có trí tuệ, hiểu biết rộng, năng lực chuyên môn tốt nên khả năng tổng hợp ý kiến, bao quát công việc rất xuất sắc. Đồng chí Nguyễn Phú Trọng cũng rất quan tâm tới công tác thông tin, nghiên cứu phục vụ hoạt động của Quốc hội trên cả 3 phương diện lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng.       

Trong hoạt động lập pháp, Chủ tịch Quốc hội, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo xây dựng và ban hành nhiều luật, nghị quyết tạo dấu ấn quan trọng, đáp ứng yêu cầu của đất nước trong thời kỳ cải cách sâu rộng và hội nhập quốc tế. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo chuyển Ban nghiên cứu lập pháp thành Viện nghiên cứu lập pháp – thể hiện tầm nhìn chiến lược trong hoạt động nghiên cứu phục vụ hoạt động của Quốc hội, tạo sự chuyên nghiệp hơn trong hoạt động của Quốc hội.

Lan Hương

Các bài viết khác