ĐBQH SÙNG A LỀNH: XÂY DỰNG DỰ ÁN LUẬT TƯ PHÁP NGƯỜI CHƯA THÀNH NIÊN ĐÁP ỨNG YÊU CẦU BỨC THIẾT CỦA CUỘC SỐNG

15/07/2024

Dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên được trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 7 và dự kiến sẽ được thông qua tại Kỳ họp thứ 8. Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Lào Cai Sùng A Lềnh cho rằng, việc xây dựng dự án Luật này là đòi hỏi bức thiết của cuộc sống, nhằm thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng về đổi mới, hoàn thiện chính sách pháp luật đối với người chưa thành niên; đồng thời khắc phục những hạn chế của pháp luật hiện hành.

ĐBQH SÙNG A LỀNH: CẦN QUY ĐỊNH CƠ CHẾ ĐẦU TƯ ĐỂ NHÀ NƯỚC, DOANH NGHIỆP, CÁ NHÂN CÙNG TU BỔ, KHAI THÁC, PHÁT HUY HIỆU QUẢ GIÁ TRỊ CÁC DI TÍCH VĂN HÓA

ĐBQH SÙNG A LỀNH: ĐỂ HÀNH LANG KINH TẾ CÔN MINH - LÀO CAI - HÀ NỘI - HẢI PHÒNG- QUẢNG NINH GÓP PHẦN VÀO SỰ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI ĐẤT NƯỚC

Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Lào Cai Sùng A Lềnh

Phóng viên: Dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên được trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 7 và dự kiến sẽ được thông qua tại Kỳ họp thứ 8. Đại biểu có đánh giá thế nào về sự cần thiết và các nội dung cơ bản của dự án Luật này?

Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Lào Cai Sùng A Lềnh: Tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội đã thảo luận về dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên. Đây là dự án Luật chuyên biệt, có nhiều chính sách mới về tư pháp người chưa thành niên như: Các biện pháp xử lý chuyển hướng, thủ tục thân thiện đối với người chưa thành niên bị buộc tội, người chưa thành niên là bị hại, là người làm chứng; tách vụ án, rút ngắn thời hạn tố tụng, trại giam riêng cho người chưa thành niên... nhằm bảo đảm thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng; phù hợp với thông lệ quốc tế và bảo đảm những lợi ích của người chưa thành niên.

Tôi cho rằng, việc xây dựng dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên là đòi hỏi bức thiết của cuộc sống, nhằm thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng về đổi mới và hoàn thiện chính sách pháp luật hình sự đối với người chưa thành niên, đặc biệt, Chỉ thị số 28-CT-TW ngày 25/12/2023 của Bộ Chính trị về tăng cường công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em đã đề ra giải pháp “phát triển hệ thống tư pháp thân thiện và bảo vệ trẻ em”.

Đồng thời, cơ bản khắc phục những hạn chế, bất cập của pháp luật hiện hành như: Hệ thống hình phạt chưa phù hợp; một số hình phạt không có sự phân hóa giữa người chưa thành niên và người trưởng thành; mức hình phạt tù tối đa vẫn còn quá cao; các biện pháp giám sát, giáo dục đã được quy định nhưng thiếu tính khả thi; thủ tục tố tụng hình sự chưa thực sự thân thiện; pháp luật về tư pháp người chưa thành niên được quy định ở nhiều đạo luật. Phần lớn chỉ điều chỉnh các quy định vốn được áp dụng cho người trưởng thành để áp dụng với người chưa thành niên, nên không hiệu quả, gây khó khăn khi áp dụng...

Do vậy, việc ban hành một đạo luật chuyên biệt về tư pháp đối với người chưa thành niên thể hiện Việt Nam đáp ứng và thực thi tích cực, nghiêm túc yêu cầu của Công ước quốc tế về quyền trẻ em, các khuyến nghị của Ủy ban Quyền trẻ em Liên hợp quốc.

Phóng viên: Tại Kỳ họp thứ 7, khi thảo luận về dự án Luật này, biện pháp xử lý chuyển hướng và thẩm quyền áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng là nội dung được rất nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm, góp ý. Ý kiến của đại biểu về nội dung này như thế nào?

Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Lào Cai Sùng A Lềnh: Dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên đã đề xuất 11 biện pháp xử lý chuyển hướng, trong đó có 05 biện pháp đã được Bộ Luật hình sự quy định (như khiển trách; hòa giải tại cộng đồng; giáo dục tại xã, phường, thị trấn...); đồng thời bổ sung 07 biện pháp mới (buộc tham gia các chương trình học tập, dạy nghề; tham gia các buổi điều trị, tư vấn tâm lý bắt buộc; lao động công ích; cấm tiếp xúc…). Tôi thấy rằng, các chính sách xử lý người chưa thành niên phạm tội đã có thay đổi theo hướng nhân văn hơn, tạo cơ hội cho người chưa thành niên có cơ hội sửa chữa sai lầm, các biện pháp mang tính giáo dục là chính.

Tuy nhiên, tại khoản 3 Điều 37 dự thảo Luật có quy định về “Người chưa thành niên là người đồng phạm có vai trò không đáng kể trong vụ án”. Tôi cho rằng, quy định như vậy là chưa cụ thể và Ban soạn thảo cần phải quy định rõ thế nào là “vai trò không đáng kể trong vụ án” để đảm bảo được tính minh bạch, khách quan, công bằng trong xử lý, áp dụng quy định.

Bên cạnh đó, dự thảo Luật cũng đưa ra 02 phương án lựa chọn về thẩm quyền áp dụng biện pháp chuyển hướng. Theo quan điểm cá nhân tôi, nội dung của Phương án 02 là phù hợp. Cụ thể: “Tòa án có thẩm quyền áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng quy định tại Điều 36 của Luật này theo đề nghị của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát”.

Bởi lẽ, Viện Kiểm sát và Cơ quan điều tra là 02 cơ quan trực tiếp thực hiện tố tụng theo Bộ luật Tố tụng Hình sự, mà theo Điều 11 dự thảo Luật quy định: “Biện pháp xử lý chuyển hướng được ưu tiên áp dụng đối với người chưa thành niên trong tất cả các giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử. Việc áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng phải phù hợp với lợi ích của người chưa thành niên và cộng đồng”. Do đó, việc quy định theo đề nghị của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát là hợp lý, để đảm bảo áp dụng biến pháp xử lý chuyển hướng kịp thời trong các giai đoạn của tố tụng, bảo vệ quyền lợi tốt nhất cho người chưa thành niên phạm tội; đồng thời đảm bảo đúng pháp luật, hạn chế tùy nghi, thiếu công bằng, đặc biệt trong việc áp dụng các biện pháp xử lý chuyển hướng thay thế hình phạt.

Phóng viên: Tại Điều 107 của dự thảo Luật này quy định các hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội, trong đó có hình thức phạt tiền. Đây cũng là nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau. Quan điểm của đại biểu như thế nào đối với quy định này?

Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Lào Cai Sùng A Lềnh: Đối với quy định này, tôi thấy rằng, trên thực tế phần lớn người chưa thành niên phạm tội đều không có tài sản và chưa nhận thức đầy đủ giá trị đồng tiền. Ngoài ra, người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội rất nghiêm trọng và tội đặc biệt nghiêm trọng; khi phạm tội nếu được lựa chọn một trong các hình thức trong đó có hình thức phạt tiền sẽ dẫn đến không đủ tính răn đe. Do vậy, tôi cho rằng, không nên đặt ra vấn đề quy định hình phạt tiền với đối tượng này.

Ngoài ra, để dự thảo Luật tiếp tục được hoàn thiện, đảm bảo chất lượng và sự đồng thuận, tôi cho rằng, Cơ quan soạn thảo cần chú ý nghiên cứu, điều chỉnh thêm các nội dung liên quan đến quy định về hạn chế khung giờ đi lại (Điều 44); bảo đảm lợi ích tốt nhất (Điều 5); người làm công tác xã hội (Điều 31).

Phóng viên: Đại biểu có thể góp ý rõ hơn đối với các nội dung này?

Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Lào Cai Sùng A Lềnh: Liên quan đến quy định về hạn chế khung giờ đi lại, khoản 1 Điều 44 của dự thảo Luật đang quy định: “1. Hạn chế khung giờ đi lại là việc giới hạn người chưa thành niên phạm tội ra khỏi nhà vào khung giờ nhất định trong khoảng thời gian từ 18 giờ đến 06 giờ sáng ngày hôm sau, trừ trường hợp được người trực tiếp giám sát thì hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý chuyên hưởng cho phép.”.

Tôi cho rằng, quy định hạn chế khung giờ đi lại như trên là chưa phù hợp với các trường hợp người chưa thành niên phạm tội đi học nghề, học văn hoá và có thể sẽ gây khó khăn trong việc tái hoà nhập cộng đồng. Do vậy, Cơ quan soạn thảo nên cân nhắc điều chỉnh lại thời gian hạn chế khung giờ đi lại cho người chưa thành niên phạm tội để đảm bảo phù hợp hơn.

Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Lào Cai Sùng A Lềnh cho rằng, việc xây dựng dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên là đòi hỏi bức thiết của cuộc sống, nhằm thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng về đổi mới, hoàn thiện chính sách pháp luật hình sự đối với người chưa thành niên; đồng thời khắc phục những hạn chế của pháp luật hiện hành

Về bảo đảm lợi ích tốt nhất, khoản 1 Điều 5 dự thảo Luật quy định: “Khi giải quyết vụ việc có người chưa thành niên phải bảo đảm lợi ích tốt nhất của họ”. Về nội dung này, tôi cho rằng, Cơ quan soạn thảo cần giải thích rõ thế nào là “bảo đảm lợi ích tốt nhất” của người chưa thành niên khi giải quyết vụ việc có người chưa thành niên, vì đây là cơ sở để các cơ quan như: Công an, Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân, Thanh tra nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng như các tổ chức xã hội có thẩm quyền giám sát xác định người chưa thành niên, đối tượng trong vụ việc cụ thể có được bảo vệ toàn diện hay chưa?

Đối với nội dung về người làm công tác xã hội, tôi nhận thấy, dự thảo luật quy định các điều kiện người làm công tác xã hội tham gia vào hoạt động tư pháp người chưa thành niên; vai trò, nhiệm vụ của người làm công tác xã hội trong hoạt động tư pháp người chưa thành niên. Tuy nhiên lại không quy định về điều kiện và quy trình bổ nhiệm người làm công tác xã hội. Do vậy, để đảm bảo sự thống nhất, tránh chồng chéo và viện dẫn tại các quy định ở các văn bản quy phạm pháp luật khác, Cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu bổ sung, quy định ngay trong dự thảo Luật về điều kiện, quy trình bổ nhiệm người làm công tác xã hội, cũng như quy định về xây dựng chiến lược, lộ trình đào tạo đội ngũ nhân viên công tác xã hội để đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ đề ra.

Bên cạnh đó, tại điểm a khoản 1 Điều 31 dự thảo Luật quy định: “Người làm công tác xã hội tham gia tố tụng khi có đủ các điều kiện sau đây: a) Có hiểu biết pháp luật về người chưa thành niên; b) Đã được đào tạo hoặc tập huấn, bồi dưỡng về tâm lý học, khoa học giáo dục đối với người chưa thành niên; có kinh nghiệm, hiểu biết về tâm lý người chưa thành niên; có kỹ năng giao tiếp đối với người chưa thành niên”.

Tôi cho rằng, Cơ quan soạn thảo nên điều chỉnh cụm từ “Có hiểu biết biết pháp luật về người chưa thành niên” thành “Có kiến thức pháp luật về người chưa thành niên” để đảm bảo phù hợp với quy định tại khoản 2 Điều 6 Thông tư 26/2022/TT-BLĐTBXH ngày 12/12/2022 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định về tiêu chuẩn trình độ của nhân viên công tác xã hội.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đại biểu!

Thu Phương – Nghĩa Đức

Các bài viết khác