XÁC ĐỊNH RÕ LĨNH VỰC CẦN ƯU TIÊN ĐẦU TƯ TRONG PHÁT TRIỂN CÁC NGÀNH CÔNG NGHIỆP VĂN HÓA

12/07/2024

Quan tâm đến Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035, nhiều đại biểu Quốc hội kiến nghị thời gian tới cần đẩy mạnh hơn nữa phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, trong đó cần xác định rõ lĩnh vực ưu tiên đầu tư nguồn lực để tránh dàn trải, đầu tư có trọng tâm trọng điểm. Bởi công nghiệp văn hóa là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của kinh tế tri thức, góp phần quảng bá, bảo vệ và phát triển bản sắc dân tộc.

RÀ SOÁT CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA VỀ PHÁT TRIỂN VĂN HÓA ĐỂ ĐẢM BẢO TÍNH KHẢ THI, ĐỒNG BỘ

Theo Tờ trình của Chính phủ, Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035 đã đặt ra 07 mục tiêu tổng quát, 09 nhóm mục tiêu cụ thể đến năm 2030 và 09 nhóm mục tiêu cụ thể đến năm 2035. Trong đó, Chương trình này đặt mục tiêu phấn đấu các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 8% vào GDP của cả nước; có mức tăng trưởng trung bình hằng năm đạt 7%.

Quan tâm nội dùng này, các đại biểu Quốc hội tán thành với sự cần thiết đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035 nhằm khẳng định các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của văn hoá đối với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển bền vững đất nước; góp phần thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp về phát triển văn hóa đề ra trong các nghị quyết của Đảng.

Việc đầu tư Chương trình ở thời điểm hiện nay đáp ứng đầy đủ căn cứ chính trị, pháp lý, khoa học và thực tiễn, đồng thời góp phần tăng cường nguồn lực đầu tư, đáp ứng yêu cầu bức thiết về phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, để văn hoá thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.

Xác định rõ lĩnh vực cần ưu tiên đầu tư trong ngành công nghiệp văn hóa

Bàn về vấn đề phát triển các ngành nghiệp văn hóa trong Chương trình này, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng, ngành công nghiệp văn hóa được xem là xu thế và dần trở thành động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, để Chương trình đảm bảo tính khả thi, cần xác định rõ lĩnh vực ưu tiên đầu tư nguồn lực để tránh dàn trải, đầu tư có trọng tâm trọng điểm cũng như đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa.

Đại biểu Lê Thị Song An - Đoàn ĐBQH tỉnh Long An

Đề cập về nội dung thành phần của Chương trình liên quan đến phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, đại biểu Lê Thị Song An - Đoàn ĐBQH tỉnh Long An cho rằng, phát triển các ngành công nghiệp văn hóa sẽ góp phần thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển văn hóa đề ra trong các chủ trương, nghị quyết của Đảng, Nhà nước. Ngày nay công nghiệp văn hóa là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của kinh tế tri thức, góp phần quảng bá, bảo vệ và phát triển bản sắc dân tộc.

Qua nghiên cứu, Chương trình đặt ra mục tiêu đến năm 2030 phấn đấu các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp vào 7% GDP của cả nước, đến năm 2035 phấn đấu ngành này đóng góp 8% vào GDP và có mức tăng trưởng trung bình hằng năm đạt 7%. Đại biểu nhận thấy, đây được xem là mục tiêu đầy triển vọng.

Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành (Quyết định số 1755/QĐ-TTg) cũng nêu rõ quan điểm: Các ngành công nghiệp văn hóa là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân và xác định có 12 lĩnh vực của ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam, gồm: quảng cáo; kiến trúc; phần mềm và các trò chơi giải trí; thủ công mỹ nghệ; thiết kế; điện ảnh; xuất bản; thời trang, nghệ thuật biểu diễn; mỹ thuật; nhiếp ảnh và triển lãm; truyền hình và phát thanh; du lịch văn hóa.

Tuy nhiên, đại biểu Lê Thị Song An cho rằng, Chương trình cần phải xác định rõ trong 12 lĩnh vực này, lĩnh vực nào cần phải tập trung đầu tư nguồn lực, lĩnh vực nào cần phải xây dựng các cơ chế, chính sách kêu gọi xã hội hóa để huy động được các nguồn lực thực hiện, tránh dàn trải, đầu tư không hiệu quả.

Đồng thời, cần tiếp tục nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định hiện hành như Luật Di sản văn hóa, Nghị định 31 của Chính phủ về việc quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư và Quyết định 1466 của Thủ tướng Chính phủ năm 2008 về danh mục thực hiện xã hội hóa… nhằm tháo gỡ các vướng mắc liên quan đến việc kêu gọi xã hội hóa đầu tư vào lĩnh vực văn hóa trong thời gian qua.

Đại biểu Nguyễn Thị Sửu - Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế

Cùng quan điểm, đại biểu Nguyễn Thị Sửu - Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế nhận thấy, 1 trong 9 nhóm chỉ tiêu cụ thể quy định là phấn đấu các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp vào 7% GDP của cả nước, giai đoạn năm 2030-2035 là 8%. Tuy nhiên đại biểu bày tỏ băn khoăn không rõ chỉ tiêu đối với các lĩnh vực của ngành công nghiệp văn hóa thuộc khu vực tư như thế nào khi chúng ta xác định đều mang tính chất hỗ trợ. Bên cạnh đó, công nghiệp văn hóa có đến 12 lĩnh vực đa dạng, phong phú và có đặc tính riêng, không giống nhau trong quá trình xây dựng, đầu tư, hỗ trợ để phát triển. Vì vậy, đại biểu Nguyễn Thị Sửu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung tiêu chí, điều kiện và xác định ngành công nghiệp văn hóa cần ưu tiên phát triển.

Bàn về nội dung này, đại biểu Nguyễn Anh Trí - Đoàn ĐBQH TP.Hà Nội nhận thấy, Chương trình đã đề ra 9 mục tiêu cụ thể và có cả chỉ tiêu cho 9 mục tiêu cụ thể đó đến năm 2035, trong đó có chỉ tiêu cho mục tiêu 6 là phấn đấu các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 8% vào GDP của cả nước, có mức tăng trưởng trung bình hằng năm đạt 7%. Đại biểu Nguyễn Anh Trí cho rằng, chỉ tiêu đề ra như vậy tuy không cao nhưng để đạt được là không dễ.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí - Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội

“Trước hết vì Việt Nam chưa có một nền công nghiệp văn hóa thực thụ, bài bản và nhanh nhạy. Tôi nghĩ để làm được, khi triển khai các dự án cụ thể cần chú ý đến thị trường văn hóa, đối tượng phục vụ, chủ đề, kịch bản, công tác tổ chức triển khai, tiếp thị, đặc biệt phải hết sức chú ý đến hiệu quả đầu tư”, đại biểu nêu quan điểm.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí cho rằng, vốn đầu tư chỉ là vốn mồi, từ đó phải sinh lời, tạo ra được hiệu quả càng cao càng tốt, không được lãng phí dù chỉ một đồng kinh phí của Chương trình quý báu này. Nhất trí với các nội dung nhiệm vụ cụ thể, tuy nhiên, để phát triển ngành công nghiệp văn hóa, đại biểu Nguyễn Anh Trí đề nghị cần chú ý hơn đến tiếp thị, marketing, chuyển đổi số, công tác kịch bản, tìm kiếm, đặt hàng, mua từ quốc tế....

Đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa

Nhấn mạnh phát triển nguồn nhân lực là một trong những nội dung thành phần quan trọng được triển khai trong Chương trình này, tuy nhiên, đại biểu Trịnh Thị Tú Anh - Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng cho rằng, các chỉ tiêu đưa ra nhiều, có số liệu cụ thể nhưng giả pháp thực hiện còn chung chung, chưa thấy được nội dung đầu tư đột phá. Trong khi đó, số lượng người được đào tạo trong ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch ngày càng giảm sút.

Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh - Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng

“Số lượng tuyển sinh học sinh, sinh viên trong các ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch năm 2012 là 18.466 sinh viên, năm 2015 là 21.145 sinh viên và năm 2020 là 11.191 sinh viên. Con số trên cho thấy tương lai sẽ thiếu hụt nguồn nhân lực trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch, lĩnh vực cung cấp nguồn nhân lực chủ yếu cho các ngành công nghiệp văn hóa”, đại biểu nêu dẫn chứng.

Do đó, đại biểu Trịnh Thị Tú Anh đề nghị cần đánh giá đúng hiện trạng nguồn nhân lực trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa, đặc biệt là nguồn nhân lực sáng tạo, dự báo chính xác sự biến động của nguồn nhân lực này để có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng phù hợp, có chính sách phù hợp trong đào tạo, bồi dưỡng, phát hiện tài năng văn hóa, nghệ thuật; xây dựng cơ chế đặc thù trong tuyển dụng, đãi ngộ, thu hút, tôn vinh, khen thưởng những cống hiến, đóng góp của các cá nhân. Đồng thời, tăng cường các biện pháp bảo vệ quyền sở hữu, quyền tác giả và các quyền liên quan.

Bên cạnh đó, đại biểu Trịnh Thị Tú Anh cũng đề nghị nghiên cứu xây dựng chính sách cho lực lượng cộng tác viên công tác văn hóa ở cơ sở là những người không hưởng lương từ ngân sách nhà nước; cộng tác viên duy trì, phát huy các câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ, thể thao, câu lạc bộ phòng chống bạo lực gia đình tại cơ sở, cộng tác viên quản lý, duy trì tổ chức sinh hoạt văn hóa tại Nhà văn hóa, khu thể thao thôn để các chương trình, dự án thật sự bền vững, phát huy tối đa hiệu quả và đi vào cuộc sống.

Đại biểu Phạm Thị Hồng Diễm - Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh

Đồng tình với các ý kiến nêu trên, theo đại biểu Phạm Thị Hồng Diễm - Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh, tại mục 6.1 tiểu mục 6 về hỗ trợ phát triển trung tâm công nghiệp văn hóa, cần đặc biệt chú ý giải pháp đầu tư xây dựng nguồn nhân lực cụ thể, nên tập trung đầu tư ở các thành phố lớn như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh cũng như ở các trường đại học có chuyên ngành về công nghiệp văn hóa.

Về chỉ tiêu, vai trò phát triển nguồn nhân lực văn hóa, đại biểu Phạm Thị Hồng Diễm đề nghị cần tiêu chuẩn hóa đội ngũ cán bộ văn hóa nghệ thuật một cách đồng bộ cùng lúc với ba mặt về nghiệp vụ chuyên môn, chức danh nghề nghiệp và chế độ chính sách.

Đại biểu Chu Thị Hồng Thái - Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn

Quan tâm đến việc phát triển các ngành công nghiệp văn hóa và lan tỏa các giá trị văn hóa Việt Nam ra thế giới, đại biểu Chu Thị Hồng Thái - Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn cho rằng, đây là nội dung rất quan trọng trong bối cảnh phát triển kinh tế - xã hội hiện nay. Tuy nhiên, cần xác định rõ thế mạnh của nước ta là gì để phát triển ngành công nghiệp văn hóa, từ đó mới xác định được đối tượng ưu tiên để đầu tư phát triển nguồn nhân lực, phục vụ cho ngành công nghiệp văn hóa. Đối với việc lan tỏa các giá trị văn hóa Việt Nam ra thế giới trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, đại biểu Chu Thị Hồng Thái cho rằng, cần nghiên cứu các hình thức lan tỏa trên các nền tảng công nghệ số, mạng xã hội hoặc ngay từ chính các ngành công nghiệp văn hóa cũng là cách quảng bá hiệu quả./.

Bích Ngọc

Các bài viết khác