HỘI THẢO: QUỐC HỘI TRONG NHÀ NƯỚC PHÁP QUYỀN XÃ HỘI CHỦ NGHĨA THEO TINH THẦN VĂN KIỆN ĐẠI HỘI XIII CỦA ĐẢNG
Hội đồng tư vấn đánh giá, nghiệm thu đề tài khoa học cấp Bộ “Tiếp tục hoàn thiện cơ cấu tổ chức Quốc hội nước ta hiện nay đáp ứng yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa theo tinh thần văn kiện đại hội XIII của Đảng” chúc mừng ThS. Nguyễn Tuấn Anh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Công tác Đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội - Chủ nhiệm Đề tài
Đề tài khoa học cấp bộ mã số ĐTCB.2023-03: “Tiếp tục hoàn thiện cơ cấu tổ chức Quốc hội nước ta hiện nay đáp ứng yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa theo tinh thần văn kiện đại hội XIII của Đảng” do ThS. Nguyễn Tuấn Anh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Công tác Đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm Chủ nhiệm đã được Hội đồng tư vấn đánh giá, nghiệm thu (ngày 27/6). TS. Nguyễn Văn Hiển, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp, Phó Chủ tịch Hội đồng khoa học của Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm Chủ tịch Hội đồng tư vấn đánh giá, nghiệm thu đề tài khoa học cấp Bộ.
Đề tài nghiên cứu văn kiện Đại hội Đảng các nhiệm kỳ và Hiến pháp năm 1992, 2013, Luật Tổ chức Quốc hội và các luật khác có liên quan; nghiên cứu toàn diện về tổ chức và hoạt động của Quốc hội; mối quan hệ giữa đổi mới, hoàn thiện tổ chức của Quốc hội với nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội. Từ đó, Đề tài đã tập trung làm rõ vị trí, vai trò của Quốc hội, những yêu cầu đặt ra về đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội đáp ứng yêu cầu xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Quan điểm, chủ trương của Đảng về tổ chức, hoạt động của Quốc hội
Sự lãnh đạo của Đảng với Quốc hội là toàn diện, tuyệt đối, trên cơ sở cương lĩnh, đường lối, chủ trương của Đảng. Đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội luôn theo định hướng, chủ trương, đường lối của Đảng. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng thông qua nghị quyết đề ra định hướng chung về đổi mới tổ chức nhà nước “Xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa … Tăng cường công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình; kiểm soát quyền lực gắn với siết chặt kỷ cương, kỷ luật trong hoạt động của Nhà nước”.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng
Báo cáo Chính trị đặt ra nhiệm vụ mới: Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân do Đảng lãnh đạo là nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị. Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Nhà nước. Xác định rõ hơn vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp trên cơ sở các nguyên tắc pháp quyền, bảo đảm quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công rành mạch, phối hợp chặt chẽ và tăng cường kiểm soát quyền lực nhà nước. Xây dựng hệ thống pháp luật đầy đủ, kịp thời, đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp làm trọng tâm, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, bảo đảm yêu cầu phát triển nhanh, bền vững.
Tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội, bảo đảm Quốc hội thực sự là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất. Đổi mới phương thức, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động, phát huy dân chủ, pháp quyền, tăng tính chuyên nghiệp trong tổ chức và hoạt động của Quốc hội, trong thực hiện chức năng lập pháp, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao.
Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng quy trình lập pháp, tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân; hoàn thiện cơ chế bảo vệ Hiến pháp, cơ chế giám sát, lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn. Thiết lập đồng bộ, gắn kết cơ chế giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân. Bảo đảm tiêu chuẩn, cơ cấu, nâng cao chất lượng đại biểu Quốc hội, tăng hợp lý số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách; giảm số lượng đại biểu công tác ở các cơ quan hành pháp, tư pháp.
Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân
Quốc hội là một trong 3 bộ phận cấu thành quan trọng của quyền lực nhà nước, vừa là thiết chế phản ánh tập trung nhất nguyên tắc Hiến định quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân. Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, thể hiện rõ nét nguyên tắc “Nhà nước của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân”. Quốc hội bảo đảm thực hiện dân chủ xã hội chủ nghĩa; thể hiện ý chí và quyền làm chủ của Nhân dân. Điều này thể hiện trước hết qua bầu cử đại biểu Quốc hội. Bên cạnh đó, trong hoạt động, đại biểu Quốc hội gắn bó với cử tri, thể hiện ý chí, nguyện vọng của Nhân dân. Các quyết định của Quốc hội trong hoạt động lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, giám sát đều vì Nhân dân, đảm bảo quyền con người, quyền công dân.
Quốc hội khóa XV
Quốc hội thực hiện quyền lập hiến, lập pháp, là cơ sở quan trọng để xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Các văn bản quy phạm pháp luật do Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ban hành là cơ sở để thực hiện quản lý nhà nước, đáp ứng yêu cầu thực tiễn cuộc sống, hội nhập quốc tế.
Đồng thời, vai trò của Quốc hội trong Nhà nước pháp quyền thể hiện qua chức năng quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Quốc hội bầu, phê chuẩn nhân sự cấp cao của các cơ quan nhà nước; quyết định các mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, cơ bản, chính sách dài hạn, tầm định hướng quốc gia; Quốc hội theo dõi, đảm bảo trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước việc trong tuân thủ quy trình, thủ tục xem xét, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước;…
Quốc hội thực hiện chức năng giám sát tối cao, qua đó kiểm soát việc thực hiện quyền lực của các cơ quan, các chức danh do Quốc hội thành lập, bầu, phê chuẩn. Hoạt động giám sát của Quốc hội thể hiện rõ nét đặc trưng của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp; đảm bảo cho quyền lực Nhà nước được thực hiện theo quy định của Hiến pháp và pháp luật, chống lại việc lạm quyền.
Ngoài ra, Quốc hội ban hành các quy định ghi nhận, bảo vệ quyền con người theo các chuẩn mực của pháp luật quốc tế về quyền con người, đồng thời tạo cơ chế, quy trình, thủ tục để thực thi các quyền đó trên thực tế.
Đổi mới theo Cương lĩnh và các quan điểm, chủ trương của Đảng về tổ chức, hoạt động của Quốc hội.
Về quan điểm trong việc đổi mới tổ chức của Quốc hội đáp ứng yêu cầu xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam cần: Bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng đối với Quốc hội trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn mà Hiến pháp, pháp luật quy định. Đổi mới theo Cương lĩnh và các quan điểm, chủ trương của Đảng về tổ chức, hoạt động của Quốc hội.
Hội thảo “Quốc hội trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa theo tinh thần văn kiện Đại hội XIII của Đảng” do Ban Chủ nhiệm Đề tài phối hợp với Viện Nghiên cứu Lập pháp tổ chức trong quá trình triển khai nghiên cứu Đề tài
Đồng thời, đổi mới tổ chức, nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội đặt trong tổng thể yêu cầu đổi mới tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị theo phương châm thực hiện từng bước, có lộ trình hợp lý, phù hợp. Tuân thủ nguyên tắc tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về Nhân dân. Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công rành mạch, phối hợp chặt chẽ và kiểm soát hiệu quả giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện quyền lập pháp, quyền hành pháp, quyền tư pháp. Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất.
Ngoài ra, cần tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm của thế giới phù hợp với đặc điểm, điều kiện thực tiễn của Việt Nam và yêu cầu hội nhập quốc tế; đáp ứng xu thế phát triển bền vững trong tương lai.
Về mục tiêu: Tăng tính chuyên nghiệp, phát huy dân chủ, tính pháp quyền trong tổ chức và hoạt động của Quốc hội. Đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội trong khuôn khổ Hiến pháp; xác định rõ hơn vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và phương thức hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội và Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội theo hướng rành mạch, chủ động, trách nhiệm, chuyên sâu, chuyên nghiệp, tăng tính nghiên cứu khoa học, nhạy bén, bao quát được hiệu lực hoạt động, đề xuất được sáng kiến nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội…
Tại Đề tài cũng đưa ra một số nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu như: Nâng cao chất lượng đại biểu Quốc hội, trọng tâm là đại biểu Quốc hội chuyên trách, có cơ cấu hợp lý, chất lượng là quan trọng hàng đầu; Tăng hợp lý tỷ lệ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách theo lộ trình; Hoàn thiện tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn các cơ quan của Quốc hội theo hướng chuyên nghiệp, bao quát lĩnh vực; Tăng cường và nâng cao chất lượng hoạt động nghiên cứu và cung cấp thông tin khoa học cho Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội; chuyên nghiệp hóa hoạt động hỗ trợ lập pháp; Tiếp tục ứng dụng mạnh mẽ khoa học, công nghệ trong hoạt động của Quốc hội;…/.