NGHIÊN CỨU TÍNH TIỀN "CẤP QUYỀN KHAI THÁC KHOÁNG SẢN THEO SẢN LƯỢNG KHAI THÁC THỰC TẾ"

04/07/2024

Nêu quan điểm về phương pháp xác định phương thức thu, nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản được đưa vào dự án Luật Địa chất và khoáng sản, nhiều ĐBQH cho rằng, Ban soạn thảo dự án Luật có thể xem xét, nghiên cứu tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo sản lượng khai thác thực tế. Phương pháp này góp phần đảm bảo thu ngân sách Nhà nước và tránh rủi ro cho tổ chức, cá nhân khi bị thanh tra, kiểm tra hay điều tra.

BẢO ĐẢM HIỆU LỰC, HIỆU QUẢ QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ TÀI NGUYÊN KHOÁNG SẢN VÀ CÔNG NGHIỆP KHAI KHOÁNG

XEM XÉT KỸ LƯỠNG VỀ VIỆC CẤP GIẤY PHÉP KHAI THÁC KHOÁNG SẢN

 Dự án Luật Địa chất và khoáng sản được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 và sẽ tiếp được xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 8

Theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, dự án Luật Địa chất và khoáng sản được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 và sẽ tiếp được cơ quan soạn thảo, thẩm tra tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu tối đa những ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, Bộ ngành để trình Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 8 diễn ra vào tháng 10/2024 nếu đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định.

Dự án Luật Địa chất và khoáng sản trình ra Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7 được xây dựng gồm 117 điều và được bố cục thành 12 chương, tăng 01 chương và 31 điều (so với Luật Khoáng sản năm 2010), tăng 01 chương và giảm 19 điều (so với Đề cương đã được thông qua). Đây là dự án Luật được kỳ vọng góp phần giải quyết những bất cập, vướng mắc hiện tại nhằm để Việt Nam đạt được mục tiêu đến năm 2045 hình thành nền công nghiệp khai khoáng tiên tiến, hiện đại gắn với mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh... Một trong những nội dung nhận được sự quan tâm của các ĐBQH đối với dự án Luật là quy định về phương pháp xác định phương thức thu, nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản được đề cập tại Điều 103.

Ông Lê Ái Thụ - Chủ tịch Hội Địa chất kinh tế Việt Nam

Thay mặt cho Hội Địa chất kinh tế Việt Nam, đóng góp ý kiến vào nội dung trên, ông Lê Ái Thụ - Chủ tịch Hội cho biết, quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 103 của Dự thảo Luật Địa chất và khoáng sản thì tiền cấp quyền khai thác khoáng sản được xác định trên cơ sở các căn cứ: Trữ lượng khoáng sản được quy định trong giấy phép khai thác khoáng sản hoặc khối lượng khoáng sản được phép khai thác, thu hồi; Giá tính thuế tài nguyên khoáng sản.

Theo ông Lê Ái Thụ, quy định không phù hợp với bản chất, đặc thù của tài nguyên khoáng sản. Nếu áp dụng quy định này vào thực tiễn sẽ dẫn đến vừa tổn thất tài nguyên khoáng sản, vừa thất thu nguồn thu ngân sách. Đồng thời, quy định này sẽ tạo ra sự bất công rất lớn giữa các doanh nghiệp khai thác khoáng sản và mâu thuẫn với quy định tại khoản 8 Điều 4 của dự án Luật nêu là “Nhà nước bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, tổ chức, cá nhân và người dân tại địa phương nơi có tài nguyên địa chất, khoáng sản được khai thác, sử dụng trên cơ sở điều tiết nguồn thu từ hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên địa chất, khoáng sản”.

Tại điểm b khoản 1 Điều 103 quy định: Tiền cấp quyền khai thác khoáng sản được xác định trên cơ sở các căn cứ giá tính thuế tài nguyên khoáng sản. Theo ông Lê Ái Thụ, quy định này sẽ tạo ra tâm lý cho rằng Nhà nước lại đặt ra một loại thuế mới. Nếu có quy định về tiền cấp quyền khai thác khoáng sản thì chỉ định tiền cấp quyền được tính trên sản lượng thực tế khai thác hàng năm.

Đại biểu Nguyễn Hữu Thông - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận

Đề cập về phương pháp xác định phương thức thu, nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, đại biểu Nguyễn Hữu Thông – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận đề nghị tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo sản lượng khai thác thực tế. Bởi việc tính tiền theo trữ lượng khoáng sản như hiện nay là không đảm bảo tính chính xác, vì thực tế hiện nay phần lớn các doanh nghiệp hoặc các đơn vị khai thác thường khai thác vượt mức trữ lượng được cấp phép, dẫn đến thất thu ngân sách Nhà nước, cũng có thể xảy ra các rủi ro cho tổ chức, cá nhân khi bị thanh tra, kiểm tra hay điều tra.

Đại biểu Nguyễn Hữu Thông cho rằng, hiện nay, nhiều doanh nghiệp đã đấu giá được quyền khai thác khoáng sản, được cấp phép và tiến hành nộp tiền nhưng thực tế doanh nghiệp trên không bao giờ khai thác được khoáng sản, vì đất có trữ lượng khoáng sản đưa ra đấu giá phần lớn là đất của người dân. Do vậy, doanh nghiệp trúng đấu giá và chủ đất thì không thể thỏa thuận được, doanh nghiệp không thể tiến hành khai thác được, doanh nghiệp không có tiền thì không thể nộp tiền vào cho ngân sách Nhà nước. Vì thế, phương án tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo sản lượng khai thác thực tế là phù hợp nhất.

Đảm bảo không giảm nguồn thu từ khai thác khoáng sản để nộp vào ngân sách Nhà nước

Liên quan đến nội dung trên, đại biểu Trần Thị Kim Nhung – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh đánh giá cao đề xuất của Chính phủ trong lần sửa đổi Luật Khoáng sản lần này, đó là quy định tiền cấp quyền khai thác khoáng sản được thu theo năm và quyết toán theo sản lượng khai thác thực tế ở Điều 103 của dự án Luật. Quy định này sẽ khắc phục được hạn chế của quy định cũ là tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản dựa trên trữ lượng khoáng sản được phê duyệt, mà trữ lượng này thường hay bị sai số.

Đại biểu Trần Thị Kim Nhung – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh

Theo đại biểu Trần Thị Kim Nhung, những quy định hiện hành về tiền cấp quyền khoáng sản sẽ gây khó khăn, sự không công bằng cho tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản và chưa đảm bảo sự hài hòa về lợi ích giữa Nhà nước và doanh nghiệp. Tuy nhiên, với nội dung sửa đổi lần này thì tiền cấp quyền khai thác khoáng sản lại giống như thuế tài nguyên, về bản chất là giống nhau, vì đều là một khoản tiền để nộp vào ngân sách Nhà nước, cũng thu theo năm và tính theo sản lượng khai thác thực tế. Hơn nữa, khi thay đổi cách tính, cách thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo dự thảo Luật lần này thì ý nghĩa của tiền cấp quyền khai thác khoáng sản trước đây đặt ra ở trong luật hiện hành là để chống đầu cơ trong khai thác khoáng sản thì có lẽ không còn nữa.

Do đó, đại biểu Trần Thị Kim Nhung đề nghị gộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản vào thuế tài nguyên để thuận tiện, tiết kiệm thời gian, chi phí của tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản cũng như tiết kiệm chi phí nhân lực trong quản lý nhà nước và quan trọng là cũng không mất, không giảm nguồn thu từ khai thác khoáng sản để nộp vào ngân sách Nhà nước.

Đại biểu Nguyễn Quốc Luận – Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái

Tại điểm b khoản 1 Điều 103 quy định về một trong những cơ sở để tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản là giá tính thuế tài nguyên khoáng sản. Tuy nhiên, theo đại biểu Nguyễn Quốc Luận – Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái, bảng giá tính thuế tài nguyên khoáng sản của các địa phương thì do Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh quy định và phụ thuộc vào nhiều yếu tố khách quan theo cơ chế thị trường. Do vậy, cùng một loại khoáng sản nhưng sẽ không có sự đồng nhất về mức giá giữa các địa phương dẫn đến việc tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đối với cùng một loại khoáng sản giữa các địa phương cũng khác nhau.

Với lý lẽ nêu trên, đại biểu Nguyễn Quốc Luận đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc, xem xét không quy định sử dụng giá tính thuế tài nguyên khoáng sản làm căn cứ để tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản. Thay vào đó nên xây dựng bảng giá tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản cụ thể cho các loại khoáng sản khác nhau, áp dụng chung cho tất cả các địa phương để đảm bảo tính thống nhất trong thực hiện./.

Bích Lan

Các bài viết khác