DỰ ÁN LUẬT QUY HOẠCH ĐÔ THỊ VÀ QUY HOẠCH NÔNG THÔN: CẦN QUY ĐỊNH PHÙ HỢP HƠN VỀ THỜI KỲ QUY HOẠCH ĐỂ ĐẢM BẢO ĐỒNG BỘ VỚI CÁC QUY HOẠCH KHÁC

03/07/2024

Một trong những nội dung được các đại biểu quan tâm thảo luận về dự án Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV là vấn đề thời kỳ, thời hạn quy hoạch. Các ý kiến đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu để có các giải pháp quy định phù hợp hơn về thời kỳ quy hoạch, điều chỉnh thời hạn quy hoạch để đảm bảo đồng bộ, thống nhất với các quy hoạch khác.

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP SÁNG 28/6: QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ DỰ ÁN LUẬT QUY HOẠCH ĐÔ THỊ VÀ QUY HOẠCH NÔNG THÔN

Dự án Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn trình Quốc hội gồm 06 Chương, 65 Điều, quy định về loại đô thị và cấp hành chính đô thị; về hệ thống quy hoạch đô thị và nông thôn; các trường hợp liên quan đến phạm vi ranh giới và địa giới hành chính khi lập quy hoạch; nguyên tắc tuân thủ quy hoạch; quy định về thời hạn quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn; về quy hoạch chung thành phố trực thuộc trung ương, quy hoạch chung huyện; quy định về điều chỉnh cục bộ quy hoạch...

Mục đích xây dựng Luật nhằm tạo cơ sở pháp lý, công cụ quản lý đồng bộ, toàn diện, thống nhất để điều chỉnh hoạt động quy hoạch đô thị và nông thôn, khắc phục được các tồn tại, hạn chế, bất cập và khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, đáp ứng được yêu cầu đối với giai đoạn phát triển mới của đất nước; tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, Nhân dân và xã hội. Đồng thời thể chế hóa định hướng của Đảng, Nhà nước về hoàn thiện chính sách, pháp luật quy hoạch; kết hợp hài hòa giữa phát triển đô thị với xây dựng nông thôn mới; nâng cao chất lượng quy hoạch đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững tại các Nghị quyết của Đảng; bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, phù hợp với thực tiễn và yêu cầu phát triển, hội nhập.

Thảo luận về dự án Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, các đại biểu quan tâm đến vấn đề thời kỳ, thời hạn quy hoạch. Các ý kiến đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu để có các giải pháp quy định phù hợp hơn về thời kỳ quy hoạch, điều chỉnh thời hạn quy hoạch để đảm bảo đồng bộ, thống nhất với các quy hoạch khác.

Cần quy định phù hợp hơn về thời kỳ quy hoạch

Quan tâm đến dự án Luật này, đại biểu Hoàng Văn Cường - Đoàn ĐBQH TP.Hà Nội nhận thấy, quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn mặc dù là hai phạm trù khác nhau nhưng nội dung lại đan xen mật thiết với nhau. “Bởi vì trong nông thôn có đô thị, ví dụ như thị trấn trong vùng nông thôn hoặc trong đô thị thì lại có nông thôn, hoặc một thành phố có thể có phường, có xã”. Đại biểu cho rằng, các nội dung này có liên quan đến nhau nhưng hiện nay quy hoạch đô thị đang thực hiện theo Luật Quy hoạch đô thị, còn nội dung quy hoạch nông thôn lại được điều chỉnh theo Luật Xây dựng.

Đại biểu Hoàng Văn Cường - Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội

Vì vậy, đại biểu Hoàng Văn Cường đồng tình với việc xây dựng một luật chung về quy hoạch đô thị và nông thôn là rất cần thiết. Đây cũng là cơ hội để chúng ta nhìn lại tổng thể các quy hoạch có liên quan đến đô thị và nông thôn để có một hệ thống quy hoạch đồng bộ, logic, mang tính tầng bậc, vừa làm tiền đề, vừa làm căn cứ để thực hiện các quy hoạch cấp dưới và cụ thể hóa được các quy hoạch cấp trên, đồng thời thể hiện được tính tích hợp để vừa bao quát hết các đối tượng cần quy hoạch nhưng lại không bị trùng lặp, chồng chéo giữa các quy hoạch với nhau.

Với yêu cầu đó, quan tâm góp ý về thời kỳ quy hoạch và thời hạn, hiệu lực của quy hoạch, đại biểu Hoàng Văn Cường nhận thấy, quy định giữa Luật này với Luật Quy hoạch chưa thống nhất. Quy hoạch là có tính dài hạn và có tính kế tiếp, một phương án quy hoạch đã được phê duyệt thì không có thời hạn hết hiệu lực mà sẽ được tiếp nối bằng các quy hoạch kỳ sau hoặc sẽ bị xóa bỏ khi điều chỉnh quy hoạch. Do vậy, theo đại biểu, không cần quy định về thời hạn, hiệu lực của quy hoạch.

“Thời hạn quy hoạch được quy định trong dự án Luật này có nội hàm giống như thời kỳ quy hoạch trong Luật Quy hoạch, đều là thời gian để xác định và dự báo các chỉ tiêu của quy hoạch. Tuy nhiên, quy hoạch đô thị và nông thôn chúng ta phải cụ thể hóa quy hoạch tỉnh, nhưng thời hạn của quy hoạch đô thị, nông thôn, hiện nay chúng ta đang xác định là 20 năm, trong khi quy hoạch tỉnh chỉ có 10 năm. Vậy làm thế nào để 10 năm còn lại khi quy hoạch tỉnh chưa có, chúng ta lại cụ thể hóa được?”, đại biểu bày tỏ băn khoăn.

Do đó, đại biểu nhận thấy, đây là một điều bất hợp lý. Tham khảo kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới, quy hoạch về xây dựng đô thị thường chỉ xác định trong khoảng thời gian từ 10 năm - 15 năm. Vì vậy, đại biểu Hoàng Văn Cường đề nghị nên điều chỉnh lại thời kỳ, thời hạn quy hoạch trong kế hoạch xây dựng đô thị chỉ khoảng 10 năm cho phù hợp với quy hoạch tỉnh, nhưng tầm nhìn của quy hoạch phải dài hạn từ 30-50 năm.

Đại biểu Trần Văn Tiến - Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc

Nghiên cứu dự án Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn, đại biểu Trần Văn Tiến - Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc đồng tình với sự cần thiết ban hành dự án Luật này nhằm cụ thể hóa định hướng, chủ trương của Đảng, đảm bảo tính thống nhất giữa quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn, tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, đồng thời khắc phục những hạn chế, bất cập trong quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn.

Đề cập về thời hạn quy hoạch trong các điều từ Điều 20 đến Điều 35 của dự thảo Luật, đại biểu Trần Văn Tiến đề nghị xem xét lại để thống nhất với Luật Quy hoạch về thời kỳ quy hoạch là 10 năm, tầm nhìn quy hoạch 20 năm đến 30 năm.

Điều chỉnh thời hạn quy hoạch đồng bộ với các quy hoạch khác

Đồng tình với nhiều nội dung của dự án Luật, đại biểu Thái Thị An Chung - Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An bày tỏ thống nhất với việc dự thảo đã có nhiều quy định về các nội dung quan trọng để làm cơ sở cho việc lập và thực hiện quy hoạch đô thị và nông thôn.

Để hoàn thiện nội dung quy định tại dự thảo Luật, đại biểu đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục nghiên cứu để có quy định rõ hơn về thời kỳ quy hoạch. Theo quy định của Luật Quy hoạch năm 2017, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đều phải lập, phê duyệt quy hoạch tỉnh theo thời kỳ quy hoạch 10 năm. Trong khi đó, dự thảo Luật quy định quy hoạch đô thị và nông thôn đối với các quy hoạch chung có thời hạn là 20-25 năm, tầm nhìn của quy hoạch chung thành phố trực thuộc trung ương là 50 năm. Đây là nội dung kế thừa quy định hiện hành của Luật Quy hoạch đô thị năm 2009 và Luật Xây dựng năm 2014.

Đại biểu Thái Thị An Chung - Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An

Tuy nhiên, đại biểu Thái Thị An Chung cho rằng, sự chưa thống nhất này dẫn đến quá trình thực hiện các phương án quy hoạch để tích hợp, dự báo khó đảm bảo sự đồng bộ, tương thích, thời điểm khớp nối các thành phố trực thuộc trung ương không phải lập quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh nhưng vẫn phải lập kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh; quận, thành phố, thị xã thuộc thành phố trực thuộc trung ương, thành phố, thị xã thuộc tỉnh đã có quy hoạch chung hoặc quy hoạch phân khu được phê duyệt theo quy định của pháp luật về quy hoạch đô thị thì không phải lập quy hoạch sử dụng đất cấp huyện, nhưng phải căn cứ vào quy hoạch chung hoặc quy hoạch phân khu và chỉ tiêu sử dụng đất đã được phân bố từ quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh và các chỉ tiêu sử dụng đất của địa phương để lập kế hoạch sử dụng đất hằng năm cấp huyện.

Do đó, nếu thời kỳ của các quy hoạch này không thống nhất sẽ dẫn đến khó khăn khi lập kế hoạch sử dụng đất của cấp tỉnh, cấp huyện. Vì vậy, đại biểu Thái Thị An Chung đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu để có các giải pháp quy định phù hợp hơn về vấn đề này, có thể quy định thêm thời gian trong giai đoạn ngắn hạn 5 năm hoặc 10 năm, tức là phân kỳ quy hoạch để đồng bộ với các quy hoạch khác.

Đại biểu Nguyễn Phi Thường - Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội

Qua nghiên cứu dự án Luật, đại biểu Nguyễn Phi Thường - Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội cho biết, trong thời gian vừa qua, hệ thống pháp luật về quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng và quy hoạch nông thôn được quy định tại Luật Quy hoạch đô thị (2009) và Luật Xây dựng (2014) ở Chương II về quy hoạch xây dựng và một số nội dung được quy định tại nhiều luật khác có liên quan. Việc tổ chức triển khai thực hiện các nội dung này phải tham chiếu ở nhiều quy định khác nhau, vẫn còn sự chồng chéo, chưa thống nhất, chưa cụ thể, gây khó khăn trong công tác áp dụng và thi hành.

Theo đó, đại biểu bày tỏ sự đồng tình, nhất trí cao về sự cần thiết phải khẩn trương nghiên cứu, sớm ban hành Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn để kịp thời khắc phục các tồn tại, hạn chế và hệ thống hóa, cụ thể hóa các nội dung trong cùng một luật, đáp ứng nhu cầu phát triển trong tình hình hiện nay.

Quan tâm góp ý về thời hạn, thời kỳ quy hoạch đối với cấp huyện, đại biểu nêu rõ, tại khoản 5 Điều 21 của dự thảo Luật quy định “thời hạn quy hoạch chung thành phố thuộc tỉnh, thị xã, đô thị mới dự kiến trở thành thành phố, thị xã từ 20 năm đến 25 năm”. Tuy nhiên, ở khoản 3 Điều 62 của Luật Đất đai năm 2024 vừa được Quốc hội thông qua đầu năm 2024 quy định “thời kỳ quy hoạch sử dụng đất cấp huyện là 10 năm, tầm nhìn sử dụng đất cấp huyện là 20 năm”, dẫn đến các loại quy hoạch về thời kỳ, thời hạn chưa giống nhau. Theo đó, đại biểu Nguyễn Phi Thường đề nghị xem xét, nghiên cứu điều chỉnh lại thời hạn đồng bộ với thời kỳ quy hoạch sử dụng đất cho phù hợp./.

Bích Ngọc