HOẠT ĐỘNG GIÁM SÁT CỦA QUỐC HỘI TIẾP TỤC THỂ HIỆN TINH THẦN ĐỔI MỚI, VÌ LỢI ÍCH NHÂN DÂN
Hội đồng tư vấn đánh giá, nghiệm thu đề tài khoa học cấp Bộ “Giám sát của Quốc hội đối với việc thi hành pháp luật của Chính phủ và trách nhiệm giải trình của Chính phủ trước Quốc hội ở Việt Nam” chúc mừng TS. Nguyễn Thị Mai Thoa, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội - Chủ nhiệm Đề tài
Đề tài khoa học cấp bộ, mã số ĐTCB.2023-05: “Giám sát của Quốc hội đối với việc thi hành pháp luật của Chính phủ và trách nhiệm giải trình của Chính phủ trước Quốc hội ở Việt Nam” do TS. Nguyễn Thị Mai Thoa, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội làm Chủ nhiệm đã được Hội đồng tư vấn đánh giá, nghiệm thu vào ngày 25/6. TS. Nguyễn Văn Hiển, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp, Phó Chủ tịch Hội đồng khoa học của Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm Chủ tịch Hội đồng tư vấn đánh giá, nghiệm thu đề tài khoa học cấp Bộ.
Giám sát thi hành pháp luật và trách nhiệm giải trình của Chính phủ
Trong thời gian vừa qua, hoạt động giám sát của Quốc hội ngày càng được quan tâm và có những đổi mới rất thực tiễn; các hoạt động giám sát cũng có hiệu quả ngày càng cao hơn. So với trước đây, hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội cũng dần có những hiệu quả rất thiết thực.
Quyền giám sát của Quốc hội và trách nhiệm giải trình của Chính phủ trước Quốc hội là hai mặt của một vấn đề với mục tiêu thống nhất là bảo đảm cho việc thực thi pháp luật, thực hiện đầy đủ quyền lực của Nhân dân. Hoạt động giám sát thi hành pháp luật của Quốc hội cũng có nhiều đổi mới, đạt được những kết quả tích cực. Nhiều chuyên đề giám sát đi vào những vấn đề lớn, “nóng” được cử tri quan tâm, thông qua đó nâng cao hiệu quả giám sát chuyên đề, tạo hiệu ứng tích cực trong xã hội, tăng cường niềm tin của Nhân dân đối với hoạt động của Quốc hội.
Tuy nhiên, cơ sở pháp lý và hoạt động giám sát thi hành pháp luật của Quốc hội còn có những hạn chế. Việc thực hiện các nghị quyết sau giám sát có trường hợp chưa đáp ứng được yêu cầu do chưa xác định rõ trách nhiệm của các chủ thể có liên quan, chưa có biện pháp và chế tài xử lý phù hợp. Để nâng cao chất lượng hoạt động giám sát thi hành pháp luật của Quốc hội đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, cần tiếp tục nghiên cứu để xác định rõ hơn đối tượng, phạm vi, phương pháp, hình thức giám sát tối cao của Quốc hội; bảo đảm hoạt động giám sát được tiến hành thường xuyên, liên tục, thường xuyên đánh giá việc thực hiện các nghị quyết, kết luận giám sát. Cùng đó, đổi mới hoạt động chất vấn tại kỳ họp Quốc hội; gắn kết quả hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội với hoạt động lập pháp để kịp thời kiến nghị, đề xuất bổ sung, sửa đổi văn bản quy phạm pháp luật
Đề tài nghiên cứu “Giám sát thi hành pháp luật và trách nhiệm giải trình của Chính phủ trước Quốc hội ở Việt Nam” có ý nghĩa lý luận và thực tiễn về giám sát thi hành pháp luật và trách nhiệm giải trình của Chính phủ trước Quốc hội ở Việt Nam. Thông qua việc nghiên cứu về giám sát của quốc hội với việc thi hành pháp luật của Chính phủ và trách nhiệm giải trình của Chính phủ trước Quốc hội nhằm kiến nghị giải pháp cụ thể hoàn thiện pháp luật để nâng cao hiệu quả Quốc hội giám sát thi hành pháp luật của Chính phủ và nâng cao chế độ báo cáo, chế độ chịu trách nhiệm giải trình của Chính phủ trước Quốc hội.
Hội thảo “Quốc hội giám sát việc thi hành pháp luật của Chính phủ và trách nhiệm giải trình của Chính phủ trước Quốc hội – Thực trạng và kiến nghị” được tổ chức trong quá trình triển khai nghiên cứu Đề tài
Quy định của pháp luật về hoạt động giám sát của Quốc hội đối với thi hành pháp luật của Chính phủ được thể hiện trong Hiến pháp, Luật tổ chức Quốc hội, tập trung nhất trong Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng Nhân dân và một số nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định cụ thể và hướng dẫn thi hành Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân.
Báo cáo công tác và các báo cáo khác theo quy định của pháp luật được Chính phủ gửi đến Quốc hội theo quy định để Quốc hội thực hiện thẩm quyền giám sát. Hàng năm, Chính phủ gửi Quốc hội Báo cáo về tình hình thi hành Hiến pháp, luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Theo đó, Chính phủ đã báo cáo Quốc hội về việc đã chỉ đạo quyết liệt trong công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật, triển khai thi hành Hiến pháp, luật, pháp lệnh nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác triển khai thi hành Hiến pháp, luật, pháp lệnh và ban hành văn bản quy định chi tiết
Trách nhiệm giải trình của Chính phủ trước Quốc hội được quy định bởi Hiến pháp, Luật tổ chức Quốc hội, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật phòng chống tham nhũng và một số văn bản khác có liên quan.
Thực hiện các quy định của pháp luật, Chính phủ và các thành viên Chính phủ đã thực hiện nghiêm túc trách nhiệm giải trình về tình hình thi hành pháp luật dưới hai hình thức: báo cáo trực tiếp tại các phiên họp của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội và báo cáo bằng văn bản.
Nhìn chung, pháp luật về hoạt động giám sát của Quốc hội đối với thi hành pháp luật của Chính phủ và trách nhiệm giải trình của Chính phủ trước Quốc hội đã liên tục được hoàn thiện, ngày càng đầy đủ hơn; việc thực hiện pháp luật trong lĩnh vực này cơ bản nghiêm túc, đáp ứng yêu cầu đặt ra. Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế như: Việc thực hiện các nội dung thuộc trách nhiệm giải trình của Chính phủ vẫn còn những nội dung chưa cụ thể và đầy đủ; Phương thức thực hiện trách nhiệm giải trình;.…
Đổi mới mạnh mẽ các phương thức giám sát của Quốc hội
Để nâng cao chất lượng hoạt động giám sát thi hành pháp luật của Quốc hội đối với Chính phủ trong tổ chức, thi hành pháp luật và trách nhiệm giải trình của Chính phủ, Đề tài đề xuất một số nhóm giải pháp: Nhóm giải pháp đổi mới về tổ chức bộ máy của Quốc hội; Nhóm giải pháp về hoàn thiện cơ sở pháp lý; Nhóm giải pháp về đổi mới cơ chế tổ chức thực hiện; Nhóm giải pháp về hoàn thiện các điều kiện bảo đảm.
Trong đó, cần nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung các quy định về trách nhiệm giải trình của Chính phủ trong hoạch định và thực thi chính sách, pháp luật trước Quốc hội. Cụ thể: Phân định, làm rõ về trách nhiệm giải trình của tập thể Chính phủ và từng thành viên Chính phủ; Quy định cụ thể hơn quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của người giải trình trong hoạt động giám sát, trong đó có nghĩa vụ, trách nhiệm của Chính phủ trong việc cung cấp, giải thích, làm rõ các thông tin về quyết định, hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và việc thi hành pháp luật khi được chủ thể giám sát yêu cầu;…
Quốc hội giám sát việc thi hành pháp luật của Chính phủ thông qua nhiều phương thức
Ngoài ra, về hoàn thiện các điều kiện bảo đảm: Cần tăng cường công tác cung cấp thông tin phục vụ hoạt động giám sát của Quốc hội và giải trình của Chính phủ; Xây dựng cơ sở dữ liệu về các chuyên gia thuộc các lĩnh vực khác nhau để đại biểu có thể tham vấn khi có nhu cầu; Tăng cường bồi dưỡng, tập huấn các kỹ năng giám sát nói chung, trong đó có kỹ năng chất vấn, xem xét báo cáo;…
Việt Nam đã thiết lập được cơ sở pháp lý cơ bản cho việc thực hiện trách nhiệm giải trình của Chính phủ với Quốc hội. Những quy định về trách nhiệm giải trình của Chính phủ với Quốc hội được thể hiện trong Hiến pháp và các luật chuyên ngành, là nền tảng pháp lý để Quốc hội giám sát hoạt động thực hiện quyền hành pháp của Chính phủ. Đây cũng là một yếu tố quan trọng trong cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước nói chung ở Việt Nam hiện nay. Một trong những yếu tố căn bản để tăng cường hiệu lực, hiệu quả giám sát của Quốc hội đối với Chính phủ trong thi hành pháp luật và trách nhiệm giải trình chính là phải đổi mới mạnh mẽ các phương thức giám sát của Quốc hội cả về mặt thể chế, pháp luật và cách thức tổ chức thực hiện.
Theo đó, tổ chức thi hành pháp luật của Chính phủ là lĩnh vực có phạm vi rộng lớn, ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống nhân dân, xã hội, do đó pháp luật cũng cần có những quy định riêng về thể chế, thẩm quyền, trình tự, thủ tục, cách thức tiến hành giám sát cho phù hợp với những đặc thù của lĩnh vực này. Do đó, giám sát của Quốc hội phải được tiến hành trên tất cả các phương diện thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn, bao gồm: thẩm tra, xem xét báo cáo; giám sát chuyên đề; giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân; giám sát văn bản quy phạm pháp luật; tổ chức giải trình làm rõ trách nhiệm; chất vấn và xem xét việc trả lời chất vấn; lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với những người do Quốc hội bầu./.