RÀ SOÁT QUY HOẠCH CHUNG ĐÔ THỊ ĐỐI VỚI THÀNH PHỐ TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG KHÔNG TRÙNG LẶP VỚI QUY HOẠCH TỈNH

28/06/2024

Dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 7 kế thừa quy định về quy hoạch chung đô thị đối với thành phố trực thuộc trung ương tại Luật Quy hoạch đô thị năm 2009. Tuy nhiên, một số đại biểu cho rằng, nội dung có sự trùng lặp với nội dung quy hoạch tỉnh theo quy định tại Luật Quy hoạch năm 2017, dẫn đến các thành phố trực thuộc trung ương gặp khó khăn khi phải lập cả 02 loại quy hoạch.

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP SÁNG 28/6: QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ DỰ ÁN LUẬT QUY HOẠCH ĐÔ THỊ VÀ QUY HOẠCH NÔNG THÔN

Toàn cảnh Phiên họp

Rà soát tránh trùng lặp các loại quy hoạch

Theo đại biểu Thái Thị An Chung – Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An, Luật Quy hoạch năm 2017, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đều phải lập, phê duyệt quy hoạch tỉnh theo thời kỳ quy hoạch 10 năm, trong khi đó, dự thảo luật quy định quy hoạch đô thị và nông thôn đối với các quy hoạch chung có thời hạn là 20-25 năm, tầm nhìn của quy hoạch chung thành phố trực thuộc trung ương là 50 năm. Đây là nội dung kế thừa quy định hiện hành của Luật Quy hoạch đô thị năm 2009 và Luật Xây dựng năm 2014.

Sự chưa thống nhất này dẫn đến quá trình thực hiện các phương án quy hoạch để tích hợp, dự báo khó đảm bảo sự đồng bộ, tương thích, thời điểm khớp nối các thành phố trực thuộc trung ương không phải lập quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh nhưng vẫn phải lập kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh; quận, thành phố, thị xã thuộc thành phố trực thuộc trung ương…, thì không phải lập quy hoạch sử dụng đất cấp huyện, nhưng phải căn cứ vào quy hoạch chung hoặc quy hoạch phân khu và chỉ tiêu sử dụng đất đã được phân bố từ quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh và các chỉ tiêu sử dụng đất của địa phương để lập kế hoạch sử dụng đất hằng năm cấp huyện.

Do đó, nếu thời kỳ của các quy hoạch này không thống nhất sẽ dẫn đến khó khăn khi lập kế hoạch sử dụng đất của cấp tỉnh, cấp huyện. Vì vậy, đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu để có các giải pháp quy định phù hợp hơn về vấn đề này, có thể quy định thêm thời gian trong giai đoạn ngắn hạn 5 năm hoặc 10 năm, tức là phân kỳ quy hoạch để đồng bộ với các quy hoạch khác.

Đại biểu Lê Hữu Trí – Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hoà

Đại biểu Lê Hữu Trí – Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hoà cho biết, dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn quy định: quy hoạch đô thị và nông thôn (quy hoạch chung) có thời hạn là 20 đến 25 năm là phù hợp với lộ trình triển khai các hoạt động đầu tư xây dựng tại đô thị và nông thôn. Tuy nhiên, theo quy định tại Luật Quy hoạch năm 2017 các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phải lập, phê duyệt quy hoạch tỉnh theo thời kỳ quy hoạch là 10 năm. Vì vậy, dự thảo luật cần có các quy định, yêu cầu rõ hơn về nội dung của các loại, các cấp độ quy hoạch đô thị và nông thôn phù hợp với kỳ quy hoạch theo quy hoạch của tỉnh. Đồng thời, rà soát quy định tại Điều 5, theo đó cần quy định rõ đối với trường hợp quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết khi phạm vi ranh giới dự kiến quy hoạch có sự chồng lấn, giao thoa giữa khu chức năng và đô thị, giữa khu chức năng và nông thôn, giữa đô thị và nông thôn.

Cùng với đó, nghiên cứu điều chỉnh quy định về nội dung yêu cầu của quy hoạch chung thành phố trực thuộc trung ương theo hướng cơ quan, tổ chức lập quy hoạch được lựa chọn tiếp tục lập quy hoạch chung hoặc được lập các quy hoạch phân khu ngay sau khi quy hoạch chung thành phố được duyệt nhằm tiết kiệm thời gian, tương tự như quy định tại dự thảo luật đối với khu chức năng thuộc khu vực đã có quy hoạch chung được duyệt thì lập ngay quy hoạch phân khu.

Đại biểu Nguyễn Hải Nam – Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên - Huế

Đồng tình với các ý kiến đại biểu nêu về một số điểm chồng chéo trong các loại quy hoạch, đại biểu Nguyễn Hải Nam – Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên - Huế lưu ý Ban soạn thảo cần tiếp thu góp ý để rà soát, hoàn thiện dự thảo luật, bởi nếu tích hợp 2 quy hoạch cũng có những vấn đề khó khả thi đặt ra, như chu kỳ quy hoạch chưa tương đồng, có sự khác nhau về đối tượng quy hoạch, mục tiêu quy hoạch hoặc khó thực hiện gộp chỉ tiêu kiểm soát cũng như mức độ kiểm soát, mức độ tương thích giữa các ngành, lĩnh vực.

Qua nghiên cứu dự thảo luật, đại biểu Nguyễn Hải Nam nhận thấy cần thiết phải lập quy hoạch chung đô thị và ở một số nơi là quy hoạch chung thành phố trực thuộc Trung ương. Đại biểu lấy ví dụ cụ thể tại tỉnh Thừa Thiên Huế đã được Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 54 để trở thành phố trực thuộc Trung ương trong giai đoạn 2025, do đó cần thiết tổ chức lập quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên - Huế.

Trong đó, quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên - Huế đến năm 2045, tầm nhìn 2065 đã được lập và đã được hoàn thành phê duyệt đồ án. Đây là cơ sở pháp lý vô cùng quan trọng, dự báo tầm nhìn phát triển dài hạn, định hướng phát triển thành phố trực thuộc trung ương cho Thừa Thiên Huế từng bước hoàn thiện để đáp ứng tiêu chí đô thị.

Đại biểu tham dự Phiên họp

“Quy hoạch đô thị ở đây là quy hoạch chung thành phố trực thuộc trung ương, cũng có những định hướng cụ thể về không gian phát triển, chỉ tiêu cụ thể phát triển các đơn vị hành chính của thành phố trực thuộc trung ương để phát triển trong dài hạn, các đồ án quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết. Ngoài ra, song song với đó, quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế đã được nghiên cứu đồng thời và cũng đã được Thủ tướng phê duyệt ngay trước khi lập phê duyệt quy hoạch chung đô thị và như vậy việc tiến hành thành lập đồng thời này cũng đảm bảo sự đồng bộ và hiệu quả trong quá trình triển khai thực hiện”, đại biểu Nguyễn Hải Nam nêu quan điểm.

Qua nghiên cứu, tiếp xúc với cử tri trước kỳ họp, đại biểu cho rằng, Thừa Thiên Huế đã đồng thời thực hiện quy hoạch tỉnh, quy hoạch chung thành phố trực thuộc trung ương và đã đáp ứng được những đòi hỏi thực tiễn đề ra. Việc lập quy hoạch chung thành phố trực thuộc trung ương có vai trò vô cùng quan trọng để xây dựng các đề án liên quan đến phân loại đô thị và định hướng phát triển đô thị trong tương lai

Đại biểu Hoàng Văn Cường – Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội 

Cho rằng các quy hoạch về đô thị và nông thôn trong dự thảo luật tuy đã có sàng lọc, nhưng đại biểu Hoàng Văn Cường – Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội đánh giá vẫn còn chồng chéo trong nội bộ hệ thống quy hoạch được điều chỉnh tại dự thảo luật, cũng như các quy hoạch được điều chỉnh tại Luật Quy hoạch.

Đối với các thành phố trực thuộc trung ương, bên cạnh quy hoạch tỉnh sẽ có quy hoạch chung thành phố trực thuộc trung ương và để cụ thể hóa quy hoạch tỉnh. Đại biểu băn khoăn làm sao để quy hoạch chung thành phố trực thuộc trung ương cụ thể hóa mà không trùng lặp với nội dung của quy hoạch tỉnh? Đây là một vấn đề hiện nay khi triển khai đồng thời Luật Quy hoạch và xây dựng quy hoạch chung ở một số thành phố trực thuộc trung ương đang gặp phải.

Hơn nữa, trong quy hoạch tỉnh còn có quyền kỹ thuật chuyên ngành như quy hoạch cao nền của thoát nước đô thị, giao thông, cấp nước, hạ tầng thoát nước thải đô thị, hạ tầng viễn thông, hạ tầng cung cấp năng lượng, chiếu sáng, hạ tầng nghĩa trang và xử lý chất thải. Những hạ tầng kỹ thuật này đều có quy hoạch hạ tầng kỹ thuật chuyên ngành cấp quốc gia. Vì vậy, trên địa bàn tỉnh có cần thiết phải xây dựng riêng mỗi một loại hạ tầng quy hoạch kỹ thuật này một kế hoạch riêng hay không?

Cần thiết lập quy hoạch chung cho thành phố trực thuộc trung ương

Giải trình vấn đề đại biểu nêu, thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị nêu rõ, nội dung quy hoạch thành phố trực thuộc trung ương đã được quy định tại Điều 27 Luật Quy hoạch. Theo Điều 27 Luật Quy hoạch năm 2017, nội dung lập quy hoạch thành phố trực thuộc trung ương chỉ quy định về phương án phát triển hệ thống đô thị trong thành phố trực thuộc trung ương. Không có quy định việc đề xuất mô hình, cấu trúc phát triển đô thị; định hướng phát triển không gian tổng thể và từng khu vực; tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan; định hướng phát triển các khu chức năng; hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của thành phố với các khống chế về chỉ tiêu kỹ thuật theo quy chuẩn, tiêu chuẩn có liên quan về quy hoạch như quy hoạch chung đối với thành phố trực thuộc trung ương.

Thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị giải trình vấn đề đại biểu nêu

Thực tiễn hiện nay qua các quy hoạch thành phố trực thuộc trung ương được phê duyệt, nội dung của các quy hoạch này không đủ cơ sở để chúng ta lập quy hoạch phân khu làm cơ sở hình thành dự án đầu tư và quản lý không gian xây dựng trong đô thị.

Bộ trưởng nêu 5 điểm khác biệt cơ bản giữa quy hoạch tỉnh và quy hoạch chung đô thị đối với thành phố trực thuộc trung ương. Trong đó, khác biệt về khái niệm; về chỉ tiêu kinh tế, kỹ thuật áp dụng; nội dung quy hoạch; vai trò, yêu cầu đối với công tác quản lý và lập dự án đầu tư xây dựng; khác nhau về mức độ nội dung thông qua tỷ lệ bản đồ và thời gian dự báo.

Do đó, cần thiết phải có quy định về lập quy hoạch chung thành phố trực thuộc trung ương và việc lập quy hoạch chung thành phố trực thuộc trung ương này cũng đảm bảo tính kế thừa, không trùng lắp cũng như đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ trong quy định của pháp luật.

Bộ trưởng cho biết, Điều 5 của Luật Quy hoạch 2017 cũng xác định quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn là 1 trong 5 nhóm, loại quy hoạch khác nhau với vai trò, vị trí khác nhau.

Ngoài ra, Điều 28 của Luật Quy hoạch 2017 cũng xác định rõ nội dung quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn được thực hiện theo pháp luật về quy hoạch đô thị và pháp luật về xây dựng. Do đó, cần thiết có quy định luật này để lập quy hoạch chung cho đô thị đối với thành phố trực thuộc trung ương.

Theo Luật Đất đai năm 2024 cũng đã bổ sung quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh có vai trò tương tự như quy hoạch chung thành phố trực thuộc Trung ương và cũng đã cụ thể hóa quy hoạch tỉnh của thành phố trực thuộc trung ương. Luật Đất đai 2024 cũng quy định: thành phố trực thuộc trung ương đã có quy hoạch chung được phê duyệt theo quy định của pháp luật về quy hoạch đô thị thì không phải lập quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh mà căn cứ vào quy hoạch chung để lập kế hoạch sử dụng đất.

Theo đó, quy hoạch chung thành phố trực thuộc trung ương vừa đóng vai trò là định hướng phát triển không gian và cũng đồng thời đóng vai trò xác định chỉ tiêu sử dụng đất cấp tỉnh cho thành phố trực thuộc trung ương. Với những lý do đó, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho rằng cần thiết chúng ta phải lập quy hoạch chung cho thành phố trực thuộc trung ương.

Lan Hương