ĐBQH PHAN THỊ MỸ DUNG: TIẾP TỤC DUY TRÌ MÔ HÌNH TỔ CHỨC CỦA VĂN PHÒNG CÔNG CHỨNG THEO LOẠI HÌNH CÔNG TY HỢP DANH ĐỂ ĐÁP ỨNG NHU CẦU THỰC TIỄN

24/06/2024

Theo chương trình Kỳ họp thứ 7, ngày mai (25/6), Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Công chứng (sửa đổi). Trao đổi trước thềm phiên thảo luận về dự án Luật này, đại biểu Phan Thị Mỹ Dung - Đoàn ĐBQH tỉnh Long An quan tâm đến quy định về mô hình tổ chức của Văn phòng công chứng và cho rằng, cần tiếp tục quy định duy trì mô hình tổ chức của VPCC theo loại hình công ty hợp danh. Đồng thời kiến nghị giao Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành đề án quản lý, phát triển tổ chức hành nghề công chứng tại địa phương để vừa tạo sự chủ động cho địa phương, vừa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn.

TẠO CƠ SỞ PHÁP LÝ CHO BƯỚC PHÁT TRIỂN MỚI CỦA HOẠT ĐỘNG CÔNG CHỨNG

Cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Công chứng

Phóng viên: Ngày mai, Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về dự án Luật Công chứng (sửa đổi). Đại biểu đánh giá thế nào về sự cần thiết ban hành Luật này?

Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung - Đoàn ĐBQH tỉnh Long An: Trước hết, tôi tán thành cao việc sửa đổi toàn diện Luật Công chứng nhằm tiếp tục thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đổi mới tổ chức và hoạt động công chứng. Đồng thời khắc phục hạn chế, bất cập về thể chế, tạo cơ sở pháp lý cho bước phát triển mới của hoạt động công chứng theo chủ trương xã hội hóa, chuyển đổi số, nâng cao chất lượng và tính bền vững của hoạt động công chứng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về công chứng.

Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung - Đoàn ĐBQH tỉnh Long An

Việc sửa đổi Luật Công chứng lần này còn nhằm đơn giản hóa thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi cho các giao dịch trong xã hội; đề cao trách nhiệm và vai trò đóng góp của công chứng viên (CCV), tổ chức hành nghề công chứng đối với xã hội; tiếp tục xác định công chứng không phải là hoạt động kinh doanh đơn thuần mà là một nghề bổ trợ tư pháp; CCV là người đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện chặt chẽ, được Nhà nước bổ nhiệm để cung cấp dịch vụ công do Nhà nước ủy nhiệm thực hiện, qua đó góp phần bảo đảm an toàn pháp lý cho các giao dịch trong xã hội.

Còn phát sinh tình trạng công chứng viên hợp danh “mang tính hình thức”

Phóng viên: Liên quan đến nội dung cụ thể của dự án Luật, đại biểu quan tâm đến nội dung nào nhất?

Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung - Đoàn ĐBQH tỉnh Long An: Đối với dự án Luật Công chứng (sửa đổi) lần này, tôi đặc biệt quan tâm đến quy định về mô hình tổ chức của Văn phòng công chứng được quy định tại Điều 20 của dự thảo Luật. Cụ thể, Điều 20 quy định “Văn phòng công chứng phải có từ hai thành viên hợp danh trở lên và không có thành viên góp vốn. Các thành viên hợp danh có quyền ngang nhau khi quyết định các vấn đề của Văn phòng công chứng”. Tôi cho rằng, đây là quy định kế thừa quy định của Luật hiện hành, Văn phòng công chứng (VPCC) được tổ chức và hoạt động theo loại hình công ty hợp danh. Quy định trên có nhiều ưu điểm là đảm bảo sự hoạt động thường xuyên, liên tục của VPCC (khi CCV bị bệnh hoặc tai nạn, ốm đau...) cũng như góp phần đảm bảo tính ổn định, bền vững của VPCC để đáp ứng kịp thời yêu cầu về công chứng của tổ chức, cá nhân.

Tuy nhiên, qua thực tiễn thi hành, quy định trên cũng bộc lộ một số nội dung hạn chế như phát sinh tình trạng công chứng viên hợp danh “mang tính hình thức”, để đảm bảo điều kiện hoạt động của VPCC thì phải thuê công chứng viên hợp danh, “chuyển nhượng” công chứng viên để đủ điều kiện để thành lập Văn phòng công chứng, sau khi đăng ký hoạt động thì chấm dứt tư cách thành viên hợp danh...

Mặt khác, quy định VPCC phải có từ 02 công chứng viên hợp danh trở lên dẫn đến các VPCC chỉ phát triển tại các khu vực đô thị tập trung dân cư, những địa bàn kinh tế - xã hội phát triển mạnh; không khuyến khích được việc thành lập các VPCC ở các khu vực nông thôn, vùng xa, thực tiễn thậm chí có nơi không có VPCC do yêu cầu phải có từ hai CCV hợp danh trở lên trong khi nguồn thu không đảm bảo duy trì hoạt động thường xuyên của VPCC. Điều này đã gây khó khăn cho người dân ở những khu vực này trong việc tiếp cận dịch vụ công chứng.

Cần tiếp tục duy trì mô hình tổ chức của VPCC theo loại hình công ty hợp danh

Phóng viên: Vậy đại biểu đề xuất, kiến nghị gì nhằm khắc phục tình trạng CCV hợp danh “mang tính hình thức” và góp phần hoàn thiện dự án Luật về nội dung này?

Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung - Đoàn ĐBQH tỉnh Long An: Theo tôi, để đảm bảo phát triển nghề công chứng ổn định, bền vững theo tinh thần Nghị quyết số 172/NQ-CP ngày 19/11/2020 của Chính phủ về chính sách phát triển nghề công chứng, tôi cho rằng, cần tiếp tục quy định duy trì mô hình tổ chức của VPCC theo loại hình công ty hợp danh, đồng thời cũng kiến nghị giao Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành đề án quản lý, phát triển tổ chức hành nghề công chứng tại địa phương.

Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung - Đoàn ĐBQH tỉnh Long An tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV

Theo đó, địa phương sẽ xem xét, quyết định cho phép những địa bàn nào (địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn, vùng sâu...) được phát triển VPCC theo loại hình doanh nghiệp tư nhân. Quy định như vậy vừa phân mạnh thẩm quyền, tạo sự chủ động của địa phương, nâng cao trách nhiệm quản lý Nhà nước, vừa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn của mỗi địa phương cũng như bảo đảm mạng lưới tổ chức hành nghề công chứng được phát triển, bố trí hợp lý trên phạm vi toàn tỉnh.

Liên quan đến loại hình hoạt động VPCC nói trên, tại Khoản 6 Điều 26 Dự thảo quy định: “Trong thời hạn 02 năm kể từ ngày chấm dứt tư cách thành viên hợp danh theo quy định tại các điểm a, b và d khoản 1 Điều này, công chứng viên đã chấm dứt tư cách thành viên hợp danh vẫn phải liên đới chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với các khoản nợ của Văn phòng công chứng phát sinh trong thời gian là công chứng viên hợp danh của Văn phòng công chứng đó; hết thời hạn này công chứng viên mới được tham gia thành lập Văn phòng công chứng mới hoặc hợp danh vào Văn phòng công chứng khác đang hoạt động.”

Tôi thống nhất quy định CCV không còn hợp danh nữa nhưng vẫn phải liên đới chịu trách nhiệm trong 2 năm là phù hợp, tuy nhiên quy định “công chứng viên sau 02 năm mới được tham gia thành lập Văn phòng công chứng mới hoặc hợp danh vào Văn phòng công chứng khác là chưa phù hợp, lãng phí nguồn lực và cũng chưa dựa vào cơ sở khoa học nào. Đồng thời, quy định này cũng không thống nhất với Luật Doanh nghiệp không hạn chế quyền thành lập doanh nghiệp mới trong vòng 2 năm sau khi chấm dứt hợp danh. Tôi cho rằng, việc hạn chế tiêu cực khi thành lập mới VPCC cần biện pháp khác phù hợp, không nên tìm cách trói buộc quyền hành nghề của công chứng viên.

Cân nhắc việc giới hạn độ tuổi hành nghề của công chứng viên

Phóng viên: Quy định về độ tuổi hành nghề của CCV cũng là nội dung được các đại biểu Quốc hội quan tâm. Quan điểm của đại biểu về vấn đề này như thế nào?

Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung - Đoàn ĐBQH tỉnh Long An: Dự thảo Luật sửa đổi lần này đã bổ sung quy định về độ tuổi bổ nhiệm, hành nghề của CCV là không quá 70 tuổi (khoản 1 Điều 8, khoản 2 Điều 14). Qua nhiên cứu, tôi thấy cần cân nhắc: Việc giới hạn độ tuổi hành nghề của công chứng viên sẽ không được công bằng với với hệ thống pháp luật về độ tuổi hành nghề của các chức danh tư pháp khác như: Luật sư, Thừa phát lại, Quản tài viên, Đấu giá viên...

Hơn nữa điều này sẽ gây lãng phí nguồn lực xã hội, hạn chế quyền tự do hành nghề của công chứng viên. Bởi đa số CCV thuộc lứa tuổi này là những lớp công chứng viên thuộc thế hệ đầu tiên hành nghề công chứng nên họ có bề dày về thành tích, công lao, kinh nghiệm nghề. Dự thảo Luật bắt buộc nếu đã đủ 70 tuổi trở lên thì phải ngưng hành nghề có nghĩa là công chứng viên đó phải chuyển nhượng lại phần vốn góp của mình cho thành viên hợp danh góp vốn còn lại với thế bị động, “bị ép” phải chuyển nhượng. Mặt khác, có thể xảy ra trường hợp CCV được bổ nhiệm lúc 68 tuổi (do luật không giới hạn tuổi bổ nhiệm CCV) thì chỉ được hành nghề hơn 1 năm đã phải chấm dứt hành nghề do hết tuổi.

Tuy nhiên, hành nghề công chứng là một hoạt động rất đặc thù, thực hiện dịch vụ công do Nhà nước ủy nhiệm, CCV thực hiện công chứng có vai trò vô cùng to lớn trong các giao dịch nên luôn đòi hỏi CCV phải minh mẫn, sáng suốt… Nhưng câu hỏi mà tôi cũng như các đại biểu đều băn khoăn là giới hạn bao nhiêu tuổi là phù hợp, vì sao không quy định giới hạn là 80 tuổi mà lại là 70 tuổi?

Theo tôi, chúng ta nên tham khảo xu hướng của các nước là CCV phải đảm bảo sức khỏe để hành nghề. Do đó, tôi đề nghị quy định khi hành nghề, công chứng viên từ đủ 70 tuổi trở lên phải giám định sức khỏe 06 tháng 01 lần gửi Sở Tư pháp nơi hành nghề; hoặc chưa đến độ tuổi này mà xét thấy cần thiết thì giao cho Sở Tư pháp quyền yêu cầu CCV đó giám định sức khỏe. Quy định như vậy vừa nâng cao vai trò, trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước, vừa đạt yêu cầu về điều kiện, chất lượng hành nghề của CCV.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đại biểu./.

Bích Ngọc - Nghĩa Đức