BỔ SUNG, LÀM RÕ TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC TỔ CHỨC CHÍNH TRỊ XÃ HỘI TRONG CÔNG TÁC PHÒNG NGỪA MUA BÁN NGƯỜI

24/06/2024

Thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Phòng chống mua bán người (sửa đổi), nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị bên cạnh việc đề cao trách nhiệm của Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam trong bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái thì cần cân nhắc bổ sung quy định về trách nhiệm của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tham gia phòng ngừa mua bán người vào dự thảo Luật.

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP SÁNG 24/6: QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ DỰ ÁN LUẬT PHÒNG, CHỐNG MUA BÁN NGƯỜI (SỬA ĐỔI)

Sáng 24/6, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV - tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp.

Cân nhắc bổ sung quy định về trách nhiệm của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tham gia phòng ngừa mua bán người

Dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) gồm 8 chương, 66 điều; so với Luật Phòng, chống mua bán người năm 2011 giữ nguyên số chương; sửa đổi, bổ sung nội dung 52/58 điều; xây dựng mới 9 điều, bỏ 01 điều. Trong đó, bổ sung quy định về khái niệm "mua bán người"; sửa đổi, bổ sung quy định về căn cứ xác định nạn nhân và quy định về các nguồn tài liệu, chứng cứ để xác định nạn nhân cùng một số căn cứ khác để xác định nạn nhân.

Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu cho rằng, việc sửa đổi Luật là yêu cầu cấp thiết, khách quan, nhằm hoàn thiện pháp luật phòng, chống mua bán người, tạo nhận thức thống nhất và đầy đủ về công tác phòng, chống mua bán người trong thời gian tới; nâng cao trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức và của toàn xã hội trong công tác phòng, chống mua bán người, góp phần ổn định tình hình an ninh, trật tự, an toàn xã hội; nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về phòng, chống mua bán người.

Các ý kiến đánh giá, dự thảo Luật thể hiện khá đầy đủ 3 nhóm chính sách được Chính phủ đưa ra trong đề nghị xây dựng dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi): Hoàn thiện quy định về căn cứ xác định nạn nhân; quy định chế độ hỗ trợ người đang trong quá trình xác định là nạn nhân; hoàn thiện quy định để nâng cao chế độ, chính sách hỗ trợ và bảo vệ nạn nhân.

Các đại biểu dự phiên họp sáng 24/6.

Tuy nhiên, để hoàn thiện dự thảo luật, các đại biểu đề nghị: tiếp tục rà soát các quy định, thông lệ quốc tế để nội luật hóa đầy đủ các quy định về phòng ngừa, trấn áp, trừng trị tội phạm buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em; ưu tiên bố trí ngân sách cho những vùng có tình hình mua bán người xảy ra nghiêm trọng, phức tạp; hỗ trợ chi phí phiên dịch cho nạn nhân là người dân tộc thiểu số trong thời gian lưu trú tại cơ sở bảo trợ xã hội hoặc cơ sở hỗ trợ nạn nhân...

Bên cạnh đó, các đại biểu thống nhất với đề nghị của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng, qua tổng kết thực tiễn cho thấy, nạn nhân của tình trạng mua bán người hiện nay không chỉ là phụ nữ và trẻ em gái như giai đoạn trước đây, mà còn là nam giới trong độ tuổi thanh, thiếu niên. Do đó, đề nghị cần cân nhắc bổ sung quy định về trách nhiệm của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tham gia phòng ngừa mua bán người vào dự thảo Luật.

Đại biểu Lê Thị Ngọc Linh – Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu.

“Việc bổ sung trách nhiệm Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tham gia vào việc phòng ngừa mua bán người vào dự thảo luật lần này là cần thiết, phù hợp và cũng làm tăng thêm nguồn lực, tạo thêm sức mạnh của các tổ chức trong việc thực hiện công tác phòng, chống mua bán người như hiện nay và những năm tiếp theo”, đại biểu Lê Thị Ngọc Linh – Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu nhấn mạnh.

Đại biểu Phạm Văn Hòa – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp cũng cho rằng thực tế hiện nay, việc mua bán người không chỉ là trẻ em, phụ nữ mà cả nam tuổi thanh thiếu niên, cho nên vai trò của Đoàn Thanh niên là không thể thiếu. Do đó đại biểu đề nghị bổ sung, quy định trách nhiệm của Đoàn Thanh niên tham gia vào công tác phòng, chống mua bán người thay vì quy định chung để rõ ràng và có trách nhiệm cao.

Nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam trong việc bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái

Theo đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình, phụ nữ, trẻ em gái, nhất là phụ nữ, trẻ em gái đồng bào người dân tộc thiểu số ở những vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn là những đối tượng chủ yếu mà tội phạm mua bán người hướng tới. Bởi vậy, cùng với việc tăng cường các biện pháp bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân nói chung, dự thảo luật bổ sung các quy định bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân là những đối tượng trên là cần thiết. Vì vậy, đại biểu đề nghị cân nhắc bổ sung về nguyên tắc cần phải ưu tiên, quan tâm đối với trẻ em, phụ nữ trong công tác giải cứu, bảo vệ nạn nhân, xác minh, hỗ trợ nạn nhân mua, bán người nhằm bảo đảm cam kết của Việt Nam với quốc tế về vấn đề này.

Đại biểu Quàng Thị Nguyệt – Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên.

Về trách nhiệm của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tham gia phòng ngừa mua bán người tại Điều 20 dự thảo luật, đại biểu Quàng Thị Nguyệt – Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên cho biết, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam vận hành Ngôi nhà bình yên đến nay đã được gần 17 năm và đem lại hiệu quả rất tích cực. Ngôi nhà bình yên là một sáng kiến nhằm hỗ trợ phụ nữ, trẻ em bị bạo lực gia đình và nạn nhân bị mua bán trở về nhằm cung cấp nơi ở tạm thời và các dịch vụ hỗ trợ cần thiết ban đầu…

Qua thống kê, hơn 75% các trường hợp Ngôi nhà bình yên tiếp nhận đều thuộc những trường hợp nạn nhân bị mua bán trở về và nạn nhân bị bạo lực, còn nhiều những trường hợp tương tự như vậy sau khi tiếp nhận họ sẽ được tư vấn về pháp lý, trợ giúp về tâm lý, sau đó sẽ được hỗ trợ dạy nghề để khi họ trở về địa phương, họ sẽ có một công việc ổn định ở địa phương. Nội dung này cũng phù hợp với quy định tại Điều 53 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, trong đó Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam được giao chủ trì, phối hợp tổ chức cơ sở trợ giúp, Phòng, chống bạo lực gia đình thuộc phạm vi quản lý và nhân rộng mô hình.

Do đó, đại biểu Quàng Thị Nguyệt đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung thêm một khoản tại Điều 20 với trách nhiệm của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tham gia phòng ngừa mua bán người để Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam thực hiện tốt nhiệm vụ này.

Tán thành với ý kiến này, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga – Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương cho rằng, tại Điều 20 dự thảo đã quy định trách nhiệm của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam trong việc tham gia phòng, chống mua bán người và trên thực tế Hội Liên hiệp Phụ nữ có vai trò rất là tích cực trong việc tuyên truyền, vận động và hỗ trợ các nạn nhân của mua bán người. Vì vậy, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga đề nghị cần quy định rõ hơn, đề cao vai trò của Hội Liên hiệp Phụ nữ hơn nữa trong phòng, chống và hỗ trợ nạn nhân mua bán người để tạo cơ chế thuận lợi cho Hội Liên hiệp phụ nữ các cấp tham gia thực hiện nhiệm vụ này./.

Trọng Quỳnh

Các bài viết khác