THẢO LUẬN TỔ 10: PHÂN CÔNG, PHÂN QUYỀN CỤ THỂ TRONG THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA VỀ PHÁT TRIỂN VĂN HÓA
Cho ý kiến về dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi), nhiều ý kiến bày tỏ sự cần thiết sửa đổi luật như Tờ trình và Báo cáo thẩm tra đã nêu. Dự thảo Luật chuyển phân bón, tàu khai thác thủy sản tại vùng khơi, vùng biển, các loại máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp từ diện không chịu thuế sang nhóm hàng hóa áp dụng mức thuế suất 5%. Đối với mặt hàng phân bón, có ý kiến đồng tình với nội dung của dự thảo Luật để giải quyết vướng mắc, bất cập kéo dài của chính sách thuế giá trị gia tăng hiện hành đối với các ngành sản xuất trong nước về các hàng hóa này. Tuy nhiên, một số đại biểu không tán thành với đề xuất của Chính phủ và cho rằng, việc áp dụng thuế suất 5% sẽ làm tăng chi phí đầu vào của sản xuất nông nghiệp, tăng giá thành sản phẩm, giảm tính cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp trong nước.
Tại khoản 12, Điều 5 về đối tượng không chịu thế VAT của dự thảo luật quy định: Hoạt động duy tu, sửa chữa, xây dựng bằng nguồn vốn đóng góp của nhân dân, vốn viện trợ nhân đạo (chiếm từ 50% tổng số vốn sử dụng cho công trình trở lên) đối với các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, các công trình văn hóa, nghệ thuật, công trình phục vụ công cộng, cơ sở hạ tầng và nhà ở cho đối tượng chính sách xã hội.
Đại biểu Nguyễn Minh Sơn – Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang
Đại biểu Nguyễn Minh Sơn – Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang cho biết, qua tiếp xúc cử tri đều phản ánh, hầu hết các khoản hỗ trợ xây dựng nhà ở cho đối tượng chính sách đều phải chịu thuế VAT. Do vậy, cần nghiên cứu, xem xét để có chính sách thu hút nguồn xã hội hóa xây dựng nhà ở xã hội trong điều kiện ngân sách còn hạn hẹp.
Ngoài ra, có ý kiến đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu tính khả thi, đồng bộ với hệ thống pháp luật về thuế trong dự thảo luật, trong đó, dự thảo luật bổ sung điều mới (Điều 13), gồm 12 khoản, bao gồm các hành vi bị nghêm cấm. Có ý kiến băn khoăn liệu Điều 13 có đặt đúng vị trí trong dự thảo Luật, nếu đúng phải nằm ở luật gốc là Luật Quản lý thuế. Hơn nữa, nhiều hành vi bị nghiêm cấm tại Điều 13 của dự thảo luật trùng với Luật Quản lý thuế, trong khi Luật Quản lý thuế điều chỉnh chung cho tất cả các loại thuế. Vì vậy, cơ quan soạn thảo cân nhắc sự trùng lặp về nội dung các hành vi bị cấm; nên đưa các hành vi bị nghiêm cấm vào Luật Quản lý thuế khi tiến hành sửa đổi Luật Quản lý thuế…
Đối với dự án Luật Công chứng (sửa đổi), đa số ý kiến tán thành việc sửa đổi toàn diện Luật Công chứng năm 2014, nhằm thể chế hóa kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về hoạt động công chứng; hoàn thiện các quy định của pháp luật về công chứng, khắc phục các hạn chế, vướng mắc, chưa phù hợp với thực tiễn đã được nêu trong Tờ trình của Chính phủ; bảo đảm thống nhất, đồng bộ với các luật mới được sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới có liên quan đến hoạt động công chứng; tạo điều kiện để phát triển hoạt động công chứng theo định hướng xã hội hóa, ổn định, bền vững, phù hợp với thông lệ quốc tế.
Đại biểu Nguyễn Văn Huy – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình
Về mô hình tổ chức của Văn phòng công chứng (Điều 20), dự thảo Luật quy định Văn phòng công chứng phải có từ 02 thành viên hợp hợp danh là công chứng viên trở lên và không có có thành viên góp vốn. Đối với nội dung này có 2 loại ý kiến: Loại ý kiến thứ nhất tán thành với quy định này; Loại ý kiến thứ hai để nghị quy định theo hướng mở rộng tổ chức hành nghề công chứng là doanh nghiệp tư nhân bên cạnh công ty hợp danh như Luật hiện hành. Cho ý kiến về nội dung này, nhiều đại biểu tán thành với loại ý kiến thứ hai, đề nghị mở rộng tổ chức hành nghề công chứng là doanh nghiệp tư nhân bên cạnh công ty hợp danh như Luật hiện hành.
Đại biểu Nguyễn Văn Huy – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình cho biết, qua thực tế lấy ý kiến của các Văn phòng công chứng của Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình, đại đa số các ý kiến đều khẳng định việc không cho phép thành lập Văn phòng công chứng do một công chứng viên làm chủ theo loại hình doanh nghiệp tư nhân đã hạn chế quyền tự do lựa chọn hình thức tổ chức hành nghề đối với công chứng viên. Những bất cập của mô hình doanh nghiệp tư nhân do phụ thuộc vào một công chứng viên duy nhất đã được giải quyết khi Luật hiện hành và dự thảo Luật đều quy định cho phép Văn phòng công chứng được thuê công chứng viên làm việc theo hợp đồng lao động. Bên cạnh đó, dự thảo Luật đã bổ sung một số quy định nhằm nâng cao tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm công chứng viên, giới hạn độ tuổi hành nghề công chứng viên, trong khi thực tế hiện nay số lượng người đạt yêu cầu của kỳ kiểm tra kết quả tập sự hành nghề công chứng là không cao.
Đại biểu nhấn manh, việc duy trì mô hình tổ chức của Văn phòng công chứng với hai công chứng viên hợp danh như quy định của luật hiện hành và tiếp tục kế thừa trong dự thảo luật mới sẽ khó bảo đảm việc phát triển các tổ chức hành nghề công chứng ở một số địa bàn nhằm đáp ứng nhu cầu công chứng của người dân; đồng thời cũng không bảo đảm sự công bằng khi dự thảo Luật không quy định điều kiện về số lượng công chứng viên của Phòng công chứng, dẫn đến thực tế có trường hợp Phòng công chứng chỉ có một công chứng viên…
Để góp phần thúc đẩy mạnh mẽ chủ trương xã hội hóa hoạt động công chứng, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, những nơi có mức độ giao dịch dân sự, kinh tế còn thấp, nhu cầu sử dụng dịch vụ công chứng của người dân chưa cao, loại hình Văn phòng công chứng có quy mô nhỏ do một công chứng viên làm chủ là rất phù hợp. Do đó, đại biểu đề nghị bổ sung quy định về loại hình tổ chức hành nghề công chứng là doanh nghiệp tư nhân bên cạnh công ty hợp danh như quy định của Luật hiện hành theo hướng: Loại hình doanh nghiệp tư nhân và công ty hợp danh được áp dụng đối với Văn phòng công chứng thành lập ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn; đối với các địa bàn khác chỉ áp dụng loại hình công ty hợp danh.
Về trách nhiệm quản lý nhà nước đối với các tổ chức hành nghề công chứng, điểm e khoản 1 Điều 72 dự thảo luật quy định: “Xem xét, quyết định, chuyển giao thẩm quyền chứng thực giao dịch từ Phòng Tư pháp cấp huyện, UBND cấp xã sang tổ chức hành nghề công chứng tại những địa bàn cấp huyện đã phát triển được tổ chức hành nghề công chứng đáp ứng yêu cầu công chứng của cá nhân, tổ chức theo hướng dẫn của Chính phủ”. Có ý kiến cho rằng, quy định này ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích của người dân và doanh nghiệp, nhất là đối với đại bàn vùng sâu, vùng xa, việc đi lại công chứng sẽ khó khăn vì địa bàn rộng.
Đại biểu nêu con số, với 10.598 đơn vị hành chính cấp xã, 705 đơn vị hành chính cấp huyện trong cả nước, chỉ riêng trong việc chứng thực các loại giấy tờ, các giao dịch về nhà đất cho người dân mà UBND cấp xã đang được giao nhiệm vụ như hiện nay, với quy định như dự thảo luật sẽ khiến người dân phải đi rất xa để thực hiện việc công chứng, gây lãng phí rất lớn về nguồn lực xã hội; đặc biệt là đối với địa bàn vùng sâu, vùng xa việc đi lại rất khó khăn, gây tốn kém về thời gian, chi phí cho người dân và doanh nghiệp. Do đó, đại biểu đề nghị đánh giá tác động kỹ lưỡng, trên cơ sở đó nghiên cứu, chỉnh lý quy định này nhằm bảo đảm thực hiện chủ trương tiếp tục xã hội hóa hoạt động công chứng nhưng không gây khó khăn, bảo đảm tốt nhất lợi ích của người dân theo hướng quy định có tối thiểu bao nhiêu tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn cấp huyện thì được phép chuyển giao thẩm quyền chứng thực hợp đồng, giao dịch.
Đại biểu Trần Thị Thu Đông – Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu
Góp ý vào Điều 13 quy định về thời gian tạm đình chỉ hành nghề công chứng từ 01 tháng đến 12 tháng, đại biểu Trần Thị Thu Đông – Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu cho biết, theo quy định của Điều 172 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, thời gian điều tra một vụ án hình sự (bao gồm cả các trường hợp gia hạn) có thể vượt qua 12 tháng. Đại biểu băn khoăn, nếu công chứng viên bị truy cứu trách nhiệm hình sự mà thời gian điều tra vượt quá 12 tháng thì sẽ tính thời gian tạm đình chỉ nghề công chứng như nào?. Do đó, đại biểu đề nghị sửa đổi quy định này theo hướng: “Thời gian tạm đình chỉnh hành nghề công chứng cho đến khi:) Có quyết định đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án, bản án đã có hiệu lực của Tòa án tuyên công chứng viên không có tội; Công chứng viên không còn bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính quy định tại điểm b khoản 1 Điều 13”.
Cũng tại thảo luận Tổ 10, đa số ý kiến thống nhất sự cần thiết ban hành Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng, nhằm kích cầu tiêu dùng, phù hợp với bối cảnh kinh tế hiện nay, qua đó thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh sớm phục hồi và phát triển; có ý kiến đề nghị không ban hành nghị quyết riêng củ, mà đưa vào Nghị quyết chung của Kỳ họp thứ 7.
Một số hình ảnh tại Tổ 10:
Toàn cảnh thảo luận Tổ 10, gồm các Đoàn ĐBQH: Thái Bình, Tiền Giang, Bạc Liêu
Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu Lữ Văn Hùng điều hành thảo luận Tổ 10
Các đại biểu tham dự phiên họp.
Đại biểu Lại Văn Hoàn – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình phát biểu.
Đại biểu Phan Đức Hiếu – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình phát biểu
Đại biểu Nguyễn Hoàng Mai – Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang phát biểu
Đại biểu Nguyễn Văn Thân – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình phát biểu
Đại biểu Nguyễn Huy Thái – Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu phát biểu.