THẢO LUẬN TỔ 12: YÊU CẦU CAO NHẤT KHI SỬA LUẬT CÔNG CHỨNG LÀ PHỤC VỤ NHÂN DÂN

17/06/2024

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, chiều 17/6, Quốc hội thảo luận ở Tổ về dự án Luật Công chứng (sửa đổi), dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi), dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng. Trong Phiên thảo luận tại Tổ 12, Đại tướng Tô Lâm, Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước, Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên đã có ý kiến đóng góp về dự án Luật Công chứng (sửa đổi)...

THẢO LUẬN TỔ 12: CHỦ TRƯƠNG ĐẦU TƯ CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA VỀ PHÁT TRIỂN VĂN HÓA CẦN TRÁNH TRÙNG LẶP, CHỒNG CHÉO VỚI CÁC ĐỀ ÁN KHÁC

THẢO LUẬN TỔ 12: CẦN ƯU TIÊN BỐ TRÍ NGÂN SÁCH HÀNG NĂM CHO CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG MUA BÁN NGƯỜI

Toàn cảnh Phiên thảo luận tại Tổ 12

Thảo luận tại Tổ 12 gồm các Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên, Ninh Bình, Quảng Bình, Ninh Thuận. Đa số các ĐBQH đều cho rằng, việc sửa đổi Luật Công chứng  nhằm tiếp tục thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng Xã hội Chủ nghĩa, đổi mới tổ chức và hoạt động công chứng; khắc phục hạn chế, bất cập về thể chế, tạo cơ sở pháp lý cho bước phát triển mới của hoạt động công chứng theo chủ trương xã hội hóa, chuyển đổi số, nâng cao chất lượng và tính bền vững của hoạt động công chứng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về công chứng.

Yêu cầu cao nhất khi sửa Luật Công chứng là phục vụ Nhân dân

Đề cập về dự án Luật Công chứng (sửa đổi), Chủ tịch nước Tô Lâm đánh giá: Trước đây, chúng ta không có công chứng vì tất cả giao dịch đều rất đơn giản. Sau khi xã hội phát triển, nhu cầu quản lý hành chính Nhà nước và sự phát triển của tư pháp mới sinh ra công chứng, chỉ khoảng vài chục năm nay, từ đơn giản là sao y bản chính, chứng thực văn bản, thẩm quyền ban đầu của UBND. Sau đó, hình thành nên nghề công chứng, giao cho ngành tư pháp nhưng xã hội hoá lớn.

Theo Chủ tịch nước Tô Lâm, Luật Công chứng (sửa đổi) trước hết phải phục vụ cho người dân, phục vụ cho nền hành chính quản lý, quản trị xã hội và liên quan đến pháp lý, chứng cứ tư pháp, độ chuẩn xác rất lớn. Ban hành luật ra để hoạt động công chứng chuẩn, còn nếu tuỳ tiện thì rất khó khăn. Vừa qua, quản lý, quản trị hành chính Nhà nước cải tiến rất nhiều khiến công chứng bớt hẳn đi. Ví dụ trước đây phải đi photo hộ khẩu, đến công chứng xác minh hộ khẩu, nhưng giờ không còn hộ khẩu giấy nữa. Trước đây, đi làm hộ chiếu, đăng ký xe máy phải mang một tập giấy tờ, công chứng xác nhận... để xác nhận địa vị pháp lý. Còn hiện nay, căn cước công dân là giấy tờ duy nhất xác định địa vị pháp lý của người dân, chỉ cần một số định danh đó là giao dịch được trên môi trường điện tử. Có thể khám sức khoẻ, xác nhận thuế, bảo hiểm y tế...

Chủ tịch nước Tô Lâm phát biểu tại Phiên thảo luận

Chủ tịch nước Tô Lâm cũng yêu cầu, phải xem công chứng thế nào, phục vụ cái gì, làm gì trong hệ thống hành chính tư pháp và phải phục vụ nhân dân cao nhất. Cần rà soát lại tổng thể hơn để Luật Công chứng (sửa đổi) đi vào cuộc sống và nhận được sự hưởng ứng rộng rãi hơn. Các cơ quan quản lý Nhà nước cũng phải vào cuộc, quy định cái nào là công chứng và công chứng là phải chuẩn để cải cách hành chính...

Độ tuổi của công chứng viên không quá 65 tuổi là phù hợp

Góp ý về tiêu chuẩn công chứng viên, đào tạo nghề công chứng, tập sự hành nghề công chứng (Điều 8, 9, 10), đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình nhận thấy, với chủ trương nâng cao chất lượng đội ngũ công chứng viên, các quy định về đào tạo nghề công chứng và tập sự hành nghề công chứng được quy định trong dự thảo Luật là phù hợp.

Tuy nhiên, đối với quy định về thời gian công tác pháp luật trong tiêu chuẩn bổ nhiệm công chứng viên, đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga cho rằng, Luật Công chứng hiện hành quy định thời gian công tác pháp luật để bổ nhiệm công chứng viên là 5 năm trong khi dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) giảm xuống còn 3 năm (khoản 2 Điều 8) là chưa phù hợp với định hướng và chủ trương này.

Cũng liên quan đến tiêu chuẩn bổ nhiệm công chứng viên (Điều 8), đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương - Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Thuận cho rằng, tại khoản 1 Điều 8 dự thảo Luật quy định: “Là công dân Việt Nam không quá 70 tuổi, thường trú tại Việt Nam, tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, có phẩm chất đạo đức tốt và bảo đảm sức khỏe để hành nghề công chứng”. Đại biểu đề nghị cần nghiên cứu, cân nhắc quy định tuổi của công chứng viên không quá 70 tuổi là chưa phù hợp với các quy định của pháp luật về lao động, công chức, viên chức.

 Đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương - Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Thuận

Theo đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương, độ tuổi nghỉ hưu hiện nay của cán bộ, công chức, người lao động theo quy định của Bộ luật Lao động và Nghị định số 135/2020/NĐ-CP ngày 18/11/2020 của Chính phủ quy định về tuổi nghỉ hưu là 62 tuổi (đối với nam) và 60 tuổi (đối với nữ). Để đảm bảo tính minh mẫn, chính xác của người hành nghề công chứng và đảm bảo sức khoẻ, thời gian chịu trách nhiệm, cần nghiên cứu sửa đổi quy định trên theo hướng giảm độ tuổi của công chứng viên xuống từ không quá 70 tuổi thành không quá 65 tuổi là phù hợp.

Nên quy định mức thuế hàng hóa, dịch vụ của hộ, cá nhân kinh doanh theo mức doanh thu hàng tháng

Trong khuôn khổ Phiên thảo luận, các ĐBQH tại Tổ 12 còn cho ý kiến vào dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT) (sửa đổi). Đề cập về đối tượng không chịu thuế (Điều 5), đại biểu Chamaléa Thị Thủy – Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Thuận nêu quan điểm: Khoản 25 Điều 5 quy định đối tượng không chịu thuế GTGT đó là: “Hàng hóa, dịch vụ của hộ, cá nhân kinh doanh có mức doanh thu hàng năm dưới mức do Chính phủ quy định”. Vấn đề này đề nghị cần thiết quy định luôn trong dự thảo Luật mức tiền là doanh thu hàng năm của hộ, cá nhân kinh doanh phải nộp thuế GTGT mà không cần thiết giao Chính phủ quy định để thuận tiện cho việc cập nhật quy định của Luật, đồng thời hạn chế ban hành quá nhiều văn bản dưới Luật để hướng dẫn.

Về mức thuế đối với hàng hóa, dịch vụ của hộ, cá nhân kinh doanh có mức doanh thu hàng tháng thì dự thảo Luật không quy định cụ thể mức tiền để tính thuế GTGT. Theo Khoản 25 Điều 5 của Luật hiện hành quy định đối với hàng hóa, dịch vụ của hộ, cá nhân kinh doanh có mức doanh thu hàng năm từ 100 triệu đồng trở xuống thì không phải chịu thuế. Đại biểu Chamaléa Thị Thủy đề nghị nghiên cứu đánh giá tác động của quy định này đối với Luật hiện hành để quy định cụ thể mức tiền chịu thuế đối với Hàng hóa, dịch vụ của hộ, cá nhân kinh doanh có mức doanh thu hàng tháng. Theo đại biểu Chamaléa Thị Thủy, nên nghiên cứu quy định trong dự thảo Luật mức từ 200 triệu đồng trở xuống thì không phải chịu thuế, vấn đề này sẽ giúp cá nhân, hộ gia đình kinh doanh nhỏ lẻ không phải thực hiện việc kê khai và nộp thuế và cũng giúp cho doanh nghiệp thuận lợi hơn trong sản xuất, kinh doanh

Ngoài ra, đại biểu Chamaléa Thị Thủy đề nghị nghiên cứu nên chăng quy định mức thuế hàng hóa, dịch vụ của hộ, cá nhân kinh doanh theo mức doanh thu hàng tháng để tính thuế hoặc miễn thuế, nếu theo mức doanh thu hàng năm tại khoản 25 Điều 5 dự thảo Luật có thể sẽ dẫn đến tình trạng gian lận, lừa đảo, khai khống về thuế.

Đại biểu Chamaléa Thị Thủy – Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Thuận

Đóng góp ý kiến đối tượng không chịu thuế (Điều 5), đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương – Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Thuận cho rằng, hiện nay hoạt động dịch vụ cung ứng lao động không thuộc khung thuế suất, không chịu thuế 0%, 5%.

Dự thảo luật quy định, dịch vụ cung ứng lao động của các tổ chức, cá nhân phải chịu thuế suất 10%. (Theo khoản 3, điều 9 quy định “3. Mức thuế suất 10% áp dụng đối với hàng hóa, dịch vụ không quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này). Về thực chất số tiền thuế này là do người lao động chi trả. Để giảm bớt gánh nặng chi phí cho người lao động khi tìm việc làm thông qua các tổ chức giới thiệu việc làm, cung ứng lao động, đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương đề nghị nghiên cứu đưa hoạt động này thuộc nhóm không chịu thuế giá trị gia tăng hoặc hạ thuế suất còn 5%.

Đại biểu Vũ Đại Thắng - Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình phát biểu

Cũng tại Phiên thảo luận, các ĐBQH tại Tổ 12 còn cho ý kiến vào dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng. Theo đó, nhiều ĐBQH nhất trí với sự cần thiết ban hành chính sách giảm thuế GTGT như đề xuất của Chính phủ nêu tại Tờ trình số 300/TTr-CP vì việc giảm thuế GTGT sẽ góp phần giảm giá thành, giá bán hàng hóa, dịch vụ, từ đó kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và duy trì công ăn, việc làm cho người lao động, phù hợp với bối cảnh kinh tế hiện nay, qua đó thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh sớm phục hồi và phát triển để đóng góp trở lại cho ngân sách nhà nước và nền kinh tế nhằm thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm, Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025. Tuy nhiên, Chính phủ cần đánh giá kỹ hơn về khả năng đạt được mục tiêu kích cầu tiêu dùng khi ban hành và thực thi chính sách này.

Một số hình ảnh tại Phiên thảo luận:

Toàn cảnh Phiên thảo luận tại Tổ 12

Chủ tịch nước Tô Lâm phát biểu tại Phiên thảo luận

Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh - Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình đóng góp ý kiến

Đại biểu Nguyễn Minh Tâm - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình nêu quan điểm

Đại biểu Vũ Đại Thắng - Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình phát biểu kết luận Phiên họp Tổ./.

Bích Lan - Trọng Quỳnh

Các bài viết khác