Sau 3 năm thực hiện Luật Hoạt động giám sát QH, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh thiếu niên & Nhi đồng Trương Thị Mai nhìn nhận về công tác này:
Hiệu quả giám sát chưa rõ ràng
Nói cho công bằng, bắt đầu từ khi có luật năm 2003, hoạt động giám sát của QH đã có những bước chuyển động tích cực. Tiến bộ ở chỗ, hàng năm đã giải quyết được chương trình giám sát và dần có sự điều tiết, ngày càng giảm lượng để đi vào trọng tâm hơn, bớt tản mạn.
Như vậy việc lựa chọn nội dung giám sát là có tiến bộ, nhưng hiệu quả giám sát thì lại là một vấn đề khác. Nói chung vẫn chưa thoả mãn được cử tri cũng như ngay chính các đại biểu QH.
Thường giám sát phải đưa được ra các kiến nghị cho Uỷ ban Thường vụ QH, Chính phủ hoặc các ban ngành liên quan, còn nếu không là chưa rõ ràng.
Hiện nay hơn 90% các kiến nghị là rơi vào Chính phủ, vì giám sát là đụng chạm tới các cơ quan hành pháp (trừ hoạt động của Uỷ ban Pháp luật là giám sát hoạt động tư pháp còn các uỷ ban và Hội đồng dân tộc đều giám sát hoạt động hành pháp).
Vấn đề cần quan tâm là các kiến nghị đưa ra thì cần giải quyết như thế nào. Ngoài ra có một hoạt động khá đặc biệt của giám sát đó là chất vấn, mỗi kỳ họp có khoảng vài trăm chất vấn được đưa cho Chính phủ.
Qua chất vấn thì có những kiến nghị trực tiếp và lời hứa của bộ trưởng, của Chính phủ. Việc thực hiện các kiến nghị, lời hứa như thế nào thì đến nay chưa có đánh giá chung, nhưng khi tổng kết nhiệm kỳ, QH sẽ buộc phải đưa ra con số chính thức về việc này, báo cáo với cử tri cả nước.
Nên để các uỷ ban giám sát lời hứa bộ trưởng
- Rõ ràng kiến nghị của các uỷ ban đóng một vai trò rất quan trọng trong công tác giám sát. Tuy nhiên, hiện có tình trạng các uỷ ban không theo kiến nghị đến cùng, không buộc được việc phải chấp hành kiến nghị. Các cơ quan, ban ngành cũng không báo cáo lại với QH, trả lời hay không cũng chẳng sao. Cần giải quyết tình trạng này như thế nào, thưa bà?
Có cơ quan trả lời, có cơ quan không. Chuyện này chủ yếu do chúng ta chưa có một chế tài cụ thể. Luật chỉ yêu cầu cơ quan hoặc cá nhân có thẩm quyền trả lời, nhưng không trả lời thì không có chế tài. Luật hoạt động giám sát hiện nay chỉ có một chế tài là bỏ phiếu tín nhiệm.
- Bà vừa nói về chất vấn - một hoạt động quan trọng của chức năng giám sát. Tuy nhiên, ngay trước kỳ QH vừa qua, Ban Dân nguyện phải xin với Uỷ ban Thường vụ QH ‘‘cho rút báo cáo’‘ vì không thể tìm thấy bộ trưởng nào đã ‘‘hứa’‘ cả. Vậy phải chăng vai trò giám sát chỗ này yếu?
Đây lại là chuyện phân định trách nhiệm. Theo tôi, Hội đồng dân tộc và các uỷ ban, tuỳ theo lĩnh vực của mình mà nên giám sát chuyện này, thay vì để Ban Dân nguyện. Trong tương lai, nếu QH tách tiếp ra một số uỷ ban nữa thì Ban Dân nguyện càng không thể theo nổi được.
Phải phân cấp ra, từng Uỷ ban xem kiến nghị của mình đã được bộ trưởng, Chính phủ thực hiện thế nào. Có kiến nghị xử lý được ngay nhưng tất nhiên có những kiến nghị đưa ra đúng, nhưng chưa đến thời điểm có thể xem xét xử lý được. Đây cũng chính là trách nhiệm của từng uỷ ban, tự mình xem xét, rút kinh nghiệm khi đưa ra các kiến nghị.
- Theo bà, có sự chồng chéo không khi có tỉnh phải tiếp cùng lúc 3-4 đoàn giám sát nhưng lại có tỉnh cả nhiệm kỳ không có đoàn giám sát nào về?
QH đã nhận thấy việc này và đang cố gắng để điều tiết bằng việc Hội đồng dân tộc và các uỷ ban phải đăng ký lịch giám sát của mình với Văn phòng QH.
Thực ra mỗi uỷ ban đều có lĩnh vực rõ ràng, nên có thể khi 2 uỷ ban cùng về một địa phương thì không thể trùng khớp với nhau, chỉ khó cho địa phương trong chuẩn bị đón tiếp. Việc giám sát tại các địa phương thì đương nhiên cần thiết, để giám sát các chính sách pháp luật đã ban hành và lắng nghe sự phản hồi từ cuộc sống
- Một quy trình giám sát hiện nay là: Đoàn giám sát gửi bản kế hoạch giám sát cho cơ quan bị giám sát trước ít nhất 7 ngày. Sau đó, đoàn đến nghe cơ quan đó báo cáo trong ½ ngày, rồi đi cơ sở từ 1-2 ngày nữa và về viết báo cáo kết luận. Quy trình này có vẻ ‘‘cưỡi ngựa xem hoa’‘, khó có chất lượng vì thành viên của đoàn giám sát thường không chuyên sâu, thời gian lại gấp, trong khi đơn vị bị giám sát thì thường hay giấu khuyết điểm?
Đây là một câu hỏi mà QH cũng tự hỏi: liệu hoạt động giám sát đã thực chất chưa, hay vẫn mang tính hình thức? Thời gian giám sát thì không thể kéo dài, phải tính toán hợp lý và tiết kiệm.
Nhưng thực ra vẫn có cách để biết được từng địa phương, đơn vị đó có giấu giếm hay không. Tức là phải chuẩn bị một đoàn giám sát có chất lượng: Khoanh lại cần giám sát nội dung gì, phải tính toán từng đại biểu quốc hội làm thành viên của đoàn phải là người am hiểu nội dung đó.
Một việc có thể tính tới là mời các chuyên gia về nội dung đó, tham gia cố vấn. Ví như đi giám sát nhà máy lọc dầu Dung Quất số 1 thì không thể không có các chuyên gia. Đại biểu dù chuyên sâu cỡ nào cũng khó lòng nắm hết, đưa ra các ý kiến chuyên môn được.
Cuối cùng là chọn hình thức giám sát nào: làm việc với chính quyền địa phương hay đối thoại trực tiếp với dân. Tránh tình trạng chỉ nghe báo cáo trên bàn giấy, những báo cáo này có thể không phản ánh được hết tình hình thực thi pháp luật. Nên tăng cường gặp gỡ với chính những đối tượng được hưởng thụ chính sách.
QH cần một đường dây nóng đủ uy tín
- Những vụ tiêu cực lớn xảy ra trong xã hội, QH chỉ nắm được khi cơ quan điều tra vào cuộc. Vậy làm thế nào để có một cơ chế giám sát hữu hiệu về vấn đề này?
Đây là vấn đề khó, không phải bản thân các đại biểu QH ai cũng có nghiệp vụ để phát hiện cả. Hơn nữa là đại biểu của dân, ý kiến đưa ra phải chính xác, không thể cảm tính được. Đúng là có tình trạng đại biểu nhiều khi nắm vấn đề thông qua báo chí, hoặc qua báo cáo của các cơ quan ban ngành.
QH nên thiết lập một kênh thông tin với người dân, để cử tri có thể phản ánh trực tiếp. Ví dụ như vụ ông Phú ở Hải Phòng. Nếu có đường dây nóng đủ uy tín thì người dân có thể gọi và QH cũng có thể tổ chức giám sát tại chỗ thông qua những phản ảnh này, chứ không nhất thiết phải thông qua quá nhiều kênh, nó làm cản trở đến việc giám sát tiêu cực, tham nhũng.
- Vừa qua có một số trường hợp các đại biểu QH vi phạm pháp luật, cơ quan nào sẽ giám sát chính các đại biểu?
Giám sát các đại biểu là do chính QH, ngoài ra cử tri cũng tham gia chuyện này. Quá trình hoạt động của các đại biểu nếu vi phạm thì có mấy nơi phải xử lý: tại cơ quan của đại biểu, tại đơn vị ứng cử… sau đó báo cáo lên QH để tiến hành các bước xử lý tiếp theo, xem xét tư cách đại biểu QH.
- Chúng ta đã có một số cơ quan có chức năng chống tham nhũng như Chính phủ có Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống tham nhũng. Vậy theo bà, QH cũng có nên thành lập một uỷ ban riêng về vấn đề này? Nếu cần thì cơ chế hoạt động của ủy ban này ra sao?
Cá nhân tôi cũng chưa nghĩ đến QH nên có một uỷ ban riêng về phòng, chống tham nhũng. Theo luật, chúng ta đang giao cho Chính phủ trực tiếp phòng, chống tham nhũng, còn QH giám sát thì chính xác hơn là QH có một uỷ ban để chỉ đạo về việc này (chức năng chính của QH là giám sát).
Chưa đến mức độ cần phải có một uỷ ban riêng, tuy nhiên chúng ta đang hướng đến việc sau này tách từ uỷ ban Pháp luật thêm uỷ ban Tư pháp, thì sẽ giao nhiệm vụ giám sát phòng, chống tham nhũng cho uỷ ban này.