QUY ĐỊNH RÕ TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CƠ QUAN THAM MƯU, TƯ VẤN TRONG ĐỊNH GIÁ ĐẤT

03/11/2022

Đóng góp ý kiến vào dự án Luật Đất đai (sửa đổi), các chuyên gia, đại biểu Quốc hội cho rằng, việc định giá đất là nên giao cho cơ quan chức năng như Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh trở lên xác định và cần quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan tham mưu, cơ quan tư vấn trong định giá đất.

VIỆC THU HỒI ĐẤT PHẢI ĐẢM BẢO CUỘC SỐNG CỦA NGƯỜI DÂN TỐT HOẶC BẰNG NƠI Ở CŨ

Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) là một trong 07 dự án luật được quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4 này. Đây cũng là dự án Luật nhận được sự quan tâm của các đại biểu, Nhân dân trên cả nước với kỳ vọng sẽ khắc phục được những bất cập hiện nay.

Một trong những bất cập là thị trường đất đai của Việt Nam hiện nay đang tồn tại cơ chế 2 giá đất. Đó là một giá đất theo khung Nhà nước ban hành, là cơ sở để tính tiền đóng thuế hay tính giá đất đền bù giải tỏa dự án. Giá đất thứ hai được gọi là giá trên thị trường, thường cao hơn gấp nhiều lần so với khung giá Nhà nước quy định. Thực tế cho thấy, sự chênh lệch rất lớn giữa 2 loại giá này đã gây ra nhiều hệ lụy khác nhau như khiếu kiện kéo dài, tham nhũng, tiêu cực, lãng phí...


Việc định giá đất là nội dung nhận được sự quan tâm của các đại biểu Quốc hội, chuyên gia và Nhân dân cả nước (ảnh minh họa: Internet)

Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII có đề cập về bỏ khung giá đất ở trong dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Tuy nhiên, vấn đề quan tâm và đặt ra đối với cơ quan quản lý Nhà nước là tiêu chí nào để định giá đất sát với thị trường và nên giao cho đơn vị, cơ quan nào thực hiện. Có ý kiến cho rằng, việc tính giá đất nên do một cơ quan độc lập, có trách nhiệm thực hiện hoặc do địa phương thực hiện dựa trên thăm dò ý kiến, đề xuất của người dân.

Đóng góp ý kiến vào nội dung trên, PGS.TS Phan Trung Hiền - Trưởng khoa Luật, Đại học Cần Thơ nhấn mạnh: Cần thể chế hóa Nghị quyết 18-NQ/TW liên quan đến vấn đề giá đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trong dự thảo bổ sung sửa đổi luật đất đai. Luật Đất đai năm 2013 đã có những sửa đổi, bổ sung về giá đất so với Luật Đất đai năm 2003.

Tuy nhiên, trái với mong đợi của nhà làm luật và nhà quản lý, vấn đề khiếu nại giá đất, đặc biệt là giá đất tính bồi thường, gần như không có chiều hướng giảm. Điều này có thể được lý giải là do việc xác định giá đất tính bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất thiếu công khai, minh bạch, thiếu dân chủ và gây ra sự không công bằng, tương xứng giữa giá trị quyền sử dụng đất bị thu hồi và giá trị được bồi thường. Cụ thể, Điều 112 Luật Đất đai về nguyên tắc xác định giá đất không quy định nguyên tắc “công khai, minh bạch” hay “công bằng, dân chủ” trong việc xác định giá đất. Khoản 3 Điều 114 Luật Đất đai giao toàn quyền xác định giá đất cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh dưới dự tham mưu của Sở Tài nguyên và Môi trường.


PGS.TS Phan Trung Hiền - Trưởng khoa Luật, Đại học Cần Thơ.

Ngoài một chủ thể đại diện cho “tổ chức có chức năng tư vấn xác định giá đất” do Sở Tài nguyên và Môi trường “chọn lựa một cách ăn khớp”, theo PGS.TS Phan Trung Hiền, tất cả các chủ thể còn lại đều là cơ quan cấp dưới hoặc cơ quan tham mưu của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Thành phần quyết định giá đất như vậy mang mặng tính chủ quan và hình thức, không thể phản ánh được giá thị trường.

PGS.TS Phan Trung Hiền cho rằng, vì không có nguyên tắc “công khai, minh bạch” và cũng không có các các quy định về “dân chủ, công bằng” trong trình tự, thủ tục định giá đất nên việc định giá đất tính bồi thường trở thành “việc riêng” của cơ quan hành chính Nhà nước. Người sử dụng đất hợp pháp có đất bị thu hồi chẳng những không có quyền tham gia trong quá trình định giá đất mà cũng không thể giám sát, theo dõi tiến trình này cho đến khi việc định giá đất được hoàn thành và người dân được thông báo kết quả định giá đất. Các quy định trên có dấu hiệu mâu thuẫn với Điều 199 Luật Đất đai về giám sát của công dân đối với việc quản lý, sử dụng đất đai. Mặt khác, các quy định trên cũng chưa thể chế hóa được khoản 3 Điều 54 Hiến pháp năm 2013 là “việc thu hồi đất phải công khai, minh bạch”.

Theo PGS.TS Phan Trung Hiền, qua nghiên cứu về kinh nghiệm một số quốc gia, các chuyên gia của Ngân hàng thế giới cho rằng: “thẩm quyền phán quyết cuối cùng về giá đất cần giao cho một tổ chức không thuộc bộ máy hành chính. Hiệp hội định giá có vai trò rất quan trọng trong việc trợ giúp các cơ quan có thẩm quyền quyết định và giải quyết tranh chấp giá đất…”. Mặt khác, trên cơ sở lý thuyết về vai trò của Tòa án trong Nhà nước pháp quyền: “Tòa án là người bảo đảm cao nhất các quyền của cá nhân” và kinh nghiệm nêu trên, tác giả kiến nghị mở rộng thẩm quyền của Tòa án ở Việt Nam trong tố tụng hành chính khi giải quyết các tranh chấp giá đất. Cụ thể, hoàn thiện quy định pháp luật trên nguyên tắc: Khi yêu cầu xem xét lại giá đất, là yêu cầu Tòa án hủy bỏ giá đất trong quyết định hành chính cụ thể vì cho rằng giá đất đó chưa phù hợp thị trường, vi phạm quy định về thẩm định giá đất...

Khi đó, Tòa án sẽ xem xét lại giá đất được quyết định, trường hợp cần thiết Tòa án được quyền tham vấn ý kiến chuyên gia hoặc thành lập Hội đồng chuyên môn để đánh giá. Kết quả tham vấn là một trong những căn cứ để Tòa án quyết định bác yêu cầu của người khởi kiện trong trường hợp giá đất được xác định đúng quy định pháp luật và ngược lại Tòa án sẽ hủy bỏ giá đất trong quyết định bị kiện và yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xác định lại giá đất trong từng trường hợp cụ thể.

Để khắc phục những bất cập trên về giá đất, PGS.TS Phan Trung Hiền nêu quan điểm, cần bổ sung vào dự án Luật Đất đai (sửa đổi) việc bổ sung nguyên tắc đầu tiên là: “Việc định giá đất phải công khai, minh bạch và dân chủ và thực hiện trách nhiệm giải trình”. Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) cần quy định công khai tất cả các chứng thư định giá đất và hồ sơ, quy trình định giá đất cho người dân có đất bị thu hồi trên các phương tiện truyền thông địa phương. Song hành với đó, việc xác định giá đất cụ thể nên tiến hành theo 2 bước, gồm: Quy trình chuyên môn và quy trình hành chính.

Quy trình hành chính (phê duyệt giá đất cụ thể) có thể có Chủ tịch UBND, các Sở ngành và UBND cấp huyện tham gia. Tuy nhiên, quy trình chuyên môn (Hội đồng thẩm định giá đất) nên giao về cho các chuyên gia tư vấn độc lập, thành viên thuộc các cơ quan hành chính nhà nước cấp tỉnh, nếu có tham gia cũng phải dưới 50% thành phần của Hội đồng thẩm định.


Đại biểu Trần Văn Lâm - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang.

Đề cập về nội dung trên, đại biểu Trần Văn Lâm - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang: Việc định giá hàng hóa theo Luật Giá hiện hành có cơ quan, công ty tư vấn để xác định giá đối với một số mặt hàng. Tuy nhiên, để các công ty tư vấn này định giá đối với lĩnh vực đất đai thì không thể được mà phải theo Luật Đất đai. Hiện các công ty tư vấn không có đủ các cơ sở dữ liệu quốc gia để nắm bắt, tổng hợp thông tin để xác định giá đất cho phù hợp.

Việc xác định giá đất không chỉ đơn thuần liên quan đến vấn đề kinh tế, lợi ích giữa Nhà nước-doanh nghiệp và người dân mà còn liên quan đến ổn định chính trị, xã hội. Cho nên, việc xác định tính toán giá đất phải do cơ quan chức năng có trách nhiệm tổng thể cả về chính trị, xã hội đứng ra xem xét. Vì vậy, việc định giá đất là phải giao cho cơ quan chức năng như Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh xác định và hàng năm xây dựng hệ số phù hợp. Khi Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh được giao xem xét định giá đất thì các Bộ, ngành có chức năng hướng dẫn, kiểm tra việc định giá đất theo quy định pháp luật.

Nêu quan điểm về cơ quan xác định giá đất, đại biểu Trần Văn Khải - Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nêu quan điểm: Mục 2 Chương X trong dự thảo Luật đã bỏ khung giá đất theo chủ trương của Nghị quyết số 18-NQ/TW. Có thể nói, giá đất là nội dung phức tạp và khó nhất. Qua nghiên cứu dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này, đại biểu Trần Văn Khải nhận thấy, từ Điều 132 đến Điều 136 chưa làm rõ được trách nhiệm của các cơ quan có nhiệm vụ xác định giá đất như yêu cầu của Nghị quyết số 18-NQ/TW, trong đó yêu cầu làm rõ trách nhiệm của các cơ quan xác định giá đất vì giá đất rất quan trọng nhưng dự thảo Luật chưa giải quyết được vấn đề này, tức là chưa đáp ứng được yêu cầu của Nghị quyết Trung ương.\


Đại biểu Trần Văn Khải - Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường.

Theo đại biểu Trần Văn Khải, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này chưa làm rõ nội hàm của khái niệm “giá thị trường trong điều kiện bình thường”, các quy định trong dự thảo Luật chưa chặt chẽ, tường minh, tính khả thi chưa cao trong thực tiễn. Vì vậy, đại biểu Trần Văn Khải đề nghị cơ quan soạn thảo cần quy định rõ tiêu chuẩn, tiêu chí để định giá đất; Quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan tham mưu, cơ quan tư vấn trong định giá đất; Quy định rõ vai trò trách nhiệm, quyền hạn của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tại các địa phương; Phân cấp, phân quyền cho địa phương một cách cụ thể để thiết lập công cụ kiểm soát quyền lực, giám sát thực hiện, khắc phục ách tắc, tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong quản lý, sử dụng đất, giảm khiếu kiện về đất đai./.

Bích Lan