Với sự kiện quan trọng này, Việt Nam và Hoa Kỳ đã hoàn tất việc trình bình thường hoá hoàn toàn quan hệ song phương giữa hai nước. Đây là kết quả của cả một quá trình có sự nỗ lực rất lớn của chính phủ,
Quốc hội, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân hai nước. Hai bên đã vượt qua rất nhiều những dị biệt trên một số lĩnh vực, đặc biệt là cả sự hận thù, chống phá của một số thế lực thiếu thiện chí với Việt Nam, để hướng tới những mục tiêu to lớn, thiết thực cho lợi ích của Việt Nam và Hoa Kỳ. Đó là xây dựng mối quan hệ hợp tác tốt đẹp, nhất là trong lĩnh vực kinh tế, thương mại giữa hai nước. Việt Nam, trong nỗ lực của mình, đã không ngừng vươn lên, xây dựng một xã hội an toàn, ổn định, thanh bình, có tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân những năm gần đây liên tục đạt trên mức 8%, đã khẳng định vị thế quan trọng của mình ở khu vực và thế giới. Chính quyền Hoa Kỳ và cá nhân Tổng thống Bush đã thấy rất rõ tiềm năng đó của Việt Nam.
Khi tới thăm và tham dự Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế APEC 14 trong những ngày cuối tháng 11 vừa qua, Tổng thống Bush khẳng định, ông đã được chứng kiến tận mắt sức sống, niềm tin của đất nước và nguời dân Việt Nam. Đó là sức mạnh của Việt Nam và với các nhà đầu tư, doanh nghiệp Hoa kỳ, đó là thị trường hấp dẫn đầy tiềm năng. Bởi vậy, cá nhân ông cùng chính quyền Hoa Kỳ, những tháng ngày qua đã nỗ lực tích cực cho việc thông qua Quy chế thương mại bình thường với Việt Nam. Đông đảo các nhà doanh nghiệp Hoa Kỳ cũng nhận thức rất rõ rằng, chỉ khi Quy chế này được thông qua, họ mới có cơ hội được tiếp cận thị trường Việt Nam. Đặc biệt khi Việt Nam đã trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), nếu Hoa Kỳ không áp dụng Qui chế Thương mại bình thường với Việt Nam, tất cả các cam kết của Việt Nam với Tổ chức kinh tế lớn nhất toàn cầu này đương nhiên sẽ không phải có hiệu lực với Hoa Kỳ. Như vậy, doanh nghiệp nước này sẽ ở thế bất lợi không chỉ trong quan hệ kinh tế thương mại với Việt Nam mà cả với các nước thành viên khác của WTO. Rõ ràng, đối với các doanh nghiệp Mỹ, PNTR với Việt Nam, rất có ý nghĩa và đem lại lợi ích chính đáng cho chính họ. Cho nên, không phải ngẫu nhiên, ngay sau khi Quy chế này được thông qua, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại Hoa Kỳ, phụ trách các vấn đề chính phủ, Bruce Josten đã nói rằng, các nghị sĩ có cơ hội để tặng món quà giáng sinh sớm cho những nguời lao động, các doanh nghiệp và người tiêu dùng Mỹ. Quy chế này cũng là vì lợi ích của Mỹ.
PNTR với Việt Nam bao gồm 7 nội dung lớn, trong đó có điều khoản khá quan trọng là huỷ bỏ áp dụng đạo luật 1974, tức luật sửa đổi Jack- Vanik đối với Việt Nam. Bởi vậy, sau khi Quốc hội Hoa Kỳ thông qua Quy chế này, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ được tiếp cận, làm ăn một cách bình đẳng tại thị trường Hoa Kỳ – một trong những nền kinh tế lớn nhất thế giới. Cũng với Qui chế này, cả hai bên đều có điều kiện thuận lợi thực hiện các cam kết của mình trong khuôn khổ các qui định của WTO và của Hiệp định song phương Việt Nam- Hoa Kỳ. Hơn thế nữa, đây sẽ là tiền đề để hai bên cùng thực thi những ý tưởng tốt đẹp cho quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Với ý nghĩa đó, qui chế này không chỉ mang ý nghĩa về kinh tế, mà đối với Hoa Kỳ, nó còn thể hiện cả trách nhiệm và đạo lý của mình. Phát biểu tại Hạ viện hôm nay, Hạ nghị sĩ đảng Cộng hoà, ông Rob Simmons nêu rõ: Quy chế này không chỉ đề cập tới các vấn đề kinh tế, mà còn là nỗ lực của Hoa Kỳ cùng Việt Nam hàn gắn những vết thương chiến tranh.
Quy chế thương mại bình thường vĩnh viễn với Việt Nam sẽ chính thức được thông qua sau khi Tổng thống Bush tuyên bố áp dụng Quy chế này. Với những ý nghĩa và lợi ích quan trọng của Quy chế đối với hai nước, chắc chắn rằng, thủ tục cuối cùng này sẽ sớm được thực hiện, mở ra một cột mốc mới trong quan hệ giữa hai nước và góp phần đưa quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ phát triển theo hướng đối tác xây dựng, hữu nghị, hợp tác nhiều mặt, trên cơ sở bình đẳng, cùng tôn trọng lẫn nhau và hai bên cùng có lợi.