Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo trả lời chất vấn

02/12/2006

Trong phiên chất vấn chiều nay (25/11), 30 câu hỏi chất vấn đã được gửi đến Bộ trưởng Bộ Giáo dục Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân. Bộ trưởng đã tổng hợp các ý kiến trên thành 9 vấn đề lớn. Đó là cải cách giáo dục, thiết bị dạy học, giải pháp ổn định sách giáo khoa, thay thế các giáo viên không còn đáp ứng được điều kiện, chất lượng đào tạo từ xa, chất lượng học sinh giỏi, cuộc vận động nói không với tiêu cực trong thi cử, vấn đề nghiệm thu công trình dạy tiếng Việt cho học sinh miền núi...

Liên quan đến vấn đề cải cách giáo dục, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, căn cứ vào văn bản Nhà nước đến nay chúng ta có 3 lần cải cách giáo dục: Năm 1950: để hình thành nền giáo dục cách mạng. Năm 1956: để thống nhất giáo dục giữa vùng tự do và vùng tạm chiếm. Năm 1979 thống nhất giáo dục giữa miền Nam và miền Bắc. Tuy nhiên, thực tế từ năm 2000 - 2005 đã có một loạt văn bản quan trọng chi phối hoạt động của ngành giáo dục toàn quốc. Chúng tôi cho rằng đến 2010 tác dụng của toàn bộ các văn bản này và thông qua điều hành của Chính phủ cũng sẽ có tác dụng như một cuộc cải cách giáo dục.

Về các giải pháp ổn định chương trình giáo dục và sách giáo khoa, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân giải thích, vì đổi mới chương trình giáo dục, chúng ta phải thay nội dung từ lớp 1 đến lớp 12, mỗi năm vừa qua chúng ta thay 2 lớp, thay lớp 1, lớp 6, lớp 2, lớp 7, cuối cùng lớp 5, lớp 10. Năm nào cũng có thay, nhưng thay cái chưa thay, còn cái nào thay rồi sau đó không thay nữa. Như vậy hết năm 2008 thì chúng ta sẽ không thay nữa vì lúc đó từ lớp 1 đến lớp 12 đã thay xong.

Đề cập đến sự bất hợp lý của việc xét tuyển trực tiếp vào đại học đối với học sinh giỏi các cấp, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân cho rằng đây là vấn đề thực tiễn đã làm nhiều năm, ban đầu học sinh giỏi phổ thông cũng được vào đại học thấy là có nhiều nơi thi chưa nghiêm túc, giỏi quá nhiều, sau đó chúng ta bỏ đi, chỉ có thi học sinh giỏi quốc gia hoặc quốc tế mới tuyển thẳng đại học. Hiện nay, Bộ đang xem xét quy chế học sinh giỏi mới, thì xu hướng khuyến khích học sinh giỏi quốc tế vẫn tiếp tục vào thẳng vào đại học, còn cấp quốc gia thì khen thưởng học sinh giỏi, qua đó góp phần ghi nhận đóng góp của thầy cô nhà trường, còn việc tuyển sinh đại học là việc của các trường đại học.

Đại biểu Nguyễn Lân Dũng (đoàn Đắk Nông) mở đầu phiên chất vấn đã chỉ ra rằng hiện nay học sinh Trung học Phổ thông chỉ chú trọng 3 môn thi đại học. Nếu vẫn duy trì tình hình học tập như hiện nay và các kỳ thi được thực hiện nghiêm túc thì chỉ có 30-50% học sinh đạt điểm trung bình. Trước tình hình đó, đại biểu Nguyễn Lân Dũng đặt câu hỏi: ‘‘Nếu đúng tỷ lệ thấp như vậy, Bộ trưởng sẽ xử lý ra sao?’‘. Đề cập đến kế hoạch 100% giảng viên Đại học phải có trình độ tiến sĩ, đại biểu Nguyễn Lân Dũng đặt câu hỏi: ‘‘Liệu mục tiêu đó có đạt được không trong khi gần 70% các giáo sư của chúng ta sẽ đến tuổi về hưu trong vòng 5 năm nữa.

Trả lời những câu hỏi trên, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, vừa qua Bộ Giáo dục Đào tạo đã đặt vấn đề thi cử nghiêm túc vì thế điều quan trọng không phải ở chỗ tỷ lệ thi đậu phổ thông là bao nhiêu, mà là các em sẽ được đào tạo thành người thế nào? Thực tế nếu các em không đạt mà cấp cho các em giấy tốt nghiệp thì các em không đủ khả năng để học nghề cũng như học làm người. Vì thế thà để các em học lại một năm còn hơn là để những em không làm được phép tính mà vẫn học lớp 6.

Về việc các giảng viên Đại học phải có trình độ Tiến sĩ, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, Bộ Giáo dục Đào tạo vẫn giữ quan điểm này những người làm công tác khác có thể có trình độ thấp hơn, như thạc sĩ chẳng hạn. Trước mắt, sắp tới sẽ có quy chế trưởng khoa trong các trường Đại học phải là Tiến sĩ. Với những giáo sư có kinh nghiệm, sức khoẻ nhưng đã đến tuổi về hưu, Bộ sẽ có tờ trình Chính phủ đề nghị các Giáo sư đó tiếp tục tham gia công tác.

Đề cập đến câu hỏi của đại biểu Hoàng Văn Xim (đoàn Hà Tây) về việc thí điểm phân ban không có ban cơ bản trong khi triển khai lại có và đánh giá chất lượng triển khai, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân cho rằng phân ban đã có từ những năm trước, lúc đầu có thí điểm ban Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội (thí điểm), lãnh đạo tiếp tục tạo điều kiện thêm sự lựa chọn nên có thêm Ban khoa học cơ bản. Như vậy hợp lý hơn. Chúng ta không có tỷ lệ chuẩn đưa ra mà để các học sinh tự lựa chọn.

Đại biểu Chu Quang Hoà (đoàn Hà Giang) quan tâm đến vấn đề tổ chức loại hình giáo dục, đào tạo. Theo đại biểu Chu Quang Hoà, hiện nay nước ta có ‘‘trên, dưới 60 lớp đại học tại chức Bách Khoa’‘. ‘‘Tôi để trong nháy nháy, bởi vì đây là ở các tỉnh, để dành cho các cán bộ công chức các tỉnh, thành về học. Hiện nay Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có tổng kết đánh giá thực chất về hiệu quả chất lượng của loại hình tổ chức đào tạo này chưa? Bộ trưởng suy nghĩ như thế nào về loại hình này, tới đây xử lý ra sao để nâng cao chất lượng đào tạo. Vì tôi thấy qua tiếp xúc, kể cả với những người học và người thầy ở các lớp này thì thấy rằng, cái được cũng có nhưng không nhiều lắm, nhưng tiêu cực thì cũng khá nhiều’‘, đại biểu Chu Quang Hoà chất vấn.

Trả lời câu hỏi trên, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân cho rằng hiện nay chất lượng đào tạo tại chức chưa tương xứng so với hệ chính quy. Xử lý vấn đề như thế nào, làm thế nào có thể nâng cao chất lượng được, Bộ Giáo dục Đào tạo đang suy nghĩ một lộ trình.

Thời gian qua, Bộ Giáo dục- đào tạo đã tổ chức nhiều hội thảo nhỏ và dự kiến hè năm 2007 sẽ có hội nghị toàn quốc về chất lượng đào tạo giáo dục Đại học và sẽ bàn tới vấn đề này. Tổng số sinh viên hiện nay gần 50% là tại chức, đây là nguồn thu rất quan trọng đối với các trường.

Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân sẽ tiếp tục trả lời các chất vấn của các đại biểu Quốc hội vào phiên họp sáng thứ Hai (27/11). Ngày mai, Chủ nhật, 26/11, Quốc hội nghỉ.

Trước phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân đã trả lời nhiều câu hỏi chất vấn của các vị đại biểu Quốc hội về những vấn đề như chất lượng các khu chung cư, đô thị, xử lý nhà công vụ.../.

Cẩm Thuỷ

(http://www.vov.org.vn)