Hoạt động nghị trường và thực quyền của Quốc hội

01/06/2006

Báo cáo chính trị tại ĐH X chỉ rõ :“ Xây dựng một xã hội dân chủ …bảo đảm nguyên tắc tất cả quyền lực nhà nước đều thuộc về nhân dân”. Người dân trông chờ đại biểu thực hiện quyền được ủy nhiệm.

Cử tri luôn mong đợi một hoạt động nghị trường sôi động thể hiện sức chiến đấu trong tính công khai, minh bạch của việc chất vấn và trả lời chất vấn.

Khoá họp kỳ thứ 9 của Quốc hội khoá XI có một ý nghĩa đặc biệt. Đây là khoá họp diễn ra ngay sau Đại hội X của Đảng với những thay đổi quan trọng về nhân sự. Tại cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, vấn đề này chắc cũng sẽ được đặt ra. Khoá họp này cũng là khoá họp ghi nhận “Luật phòng, chống tham nhũng”, “Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí” bắt đầu có hiệu lực.

Cũng vì thế, biết được rằng, khi cho ý kiến về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 9 này, UBTVQH đã xoáy vào công tác giám sát và hoạt động chất vấn sẽ báo hiệu cho một khởi sắc trong hoạt động tại diễn đàn Quốc hội, cử tri cả nước đang hồi hộp dõi theo các hoạt động của Quốc hội, đặc biệt là hoạt động tại nghị trường.

Dư luận chờ đợi một hoạt động nghị trường sôi động thể hiện sức chiến đấu trong tính công khai, minh bạch của việc chất vấn và trả lời chất vấn. Mong rằng sự sôi động và tính chiến đấu tại nghị trường cũng sẽ giúp thanh toán dứt khoát cung cách “mải mê mào đầu” và “dầm dề kính thưa” cùng những “tràng pháo tay hữu nghị”.

Hoạt động nghị trường của Quốc hội diễn ra công khai trước ánh mắt giám sát của cử tri cả nước. Đó là nơi mà thông điệp: nơi đây là tấm gương của sinh hoạt dân chủ hiển hiện rõ nét nhất. Chất lượng dân chủ càng cao, tính công khai, minh bạch càng rõ ràng, chất vấn và trả lời chất vấn càng đàng hoàng, thì niềm tin của cử tri vào các đại biểu của mình, vào những vấn đề quốc gia đại sự được quyết định tại “cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất” càng được củng cố.

Diễn đàn Quốc hội, hoạt động nghị trường, thể hiện sinh động một văn hoá nghị trường mà ánh mắt của nhân dân đang dõi theo, quốc tế đang nhìn vào. Đây là vấn đề cực kỳ quan trọng, nhất là tiến trình hội nhập quốc tế đang sãi những bước dài.

Ở đây phải mở ngoặc nói thêm : đã có một thời, không hiểu từ đâu đã hằn vào cách nghĩ của không ít người, dường như nói đến một số thuật ngữ như kiểu “nghị trường”, “nghị sĩ”, “chính khách”… là chỉ nhằm nói đến thế giới tư sản với nền “dân chủ lừa bịp“.

Những từ ngữ ấy cũng có số phận như “kinh tế thị trường”, “hoạt động chứng khoán”, “cổ phiếu, cổ đông” thật nguy hiểm, cần xa lánh.

Thế rồi đùng một cái, với việc mở cửa để từng bước hội nhập vào đời sống quốc tế trong bối cảnh của toàn cầu hoá, người ta buộc phải làm quen với những ứng xử phù hợp với thông lệ quốc tế, trong đó có những thuật ngữ một thời bị cấm kỵ! Dùng lâu đâm quen, thuật ngữ “nghị viện”, “nghị sĩ” rồi cũng thấy hay hay, nhất là cánh báo chí muốn thay đổi khẩu vị ngôn ngữ, đôi khi lại giật những cái tít lớn bằng những thuật ngữ ấy để bắt mắt người đọc. Cho nên, sự lẩn tránh việc sử dụng những thuật ngữ nói trên chẳng qua là phản ánh một lối "tư duy đóng kín, “tự kỷ trung tâm”, chỉ tự quen với mình, lấy cái sự quen ấy để xem xét người, xem xét sự vật.

Chính ở cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất, tầm nhìn mới, đôi mắt mới thoát ra khỏi tập quán cũ kỹ của một thời có ý nghĩa rất lớn. Vì ở đây, những vấn đề quốc gia đại sự, liên quan đến vận mệnh dân tộc, khát vọng của nhân dân đều được đưa ra xem xét, bàn thảo và đi đến quyết định thông qua hay bác bỏ.

“Thông qua” chỉ là, và phải là khâu cuối cùng của hoạt động nghị trường Quốc hội. Phải là khâu cuối, chứ nếu là khâu đầu, thì nghị trường đâu còn là nghị trường nữa. Xem xét, bàn thảo, chất vấn, tranh luận, và trên những thông tin được tiếp nhận qua quá trình đó, để bằng trách nhiệm và bản lĩnh của người đại biểu quốc hội mà đưa ra quyết định của riêng mình. Gộp lại tất cả những quyết định riêng biệt thấm đẫm cá tính, tức là bản lĩnh cá nhân của từng đại biểu mà có việc biểu quyết “thông qua” hay “không thông qua” một vấn đề được đưa ra tại nghị trường Quốc hội. Mỗi ý kiến tranh luận, mỗi câu hỏi chất vấn, mỗi lá phiếu thông qua hay không thông qua, là cả một cái gánh rất nặng đè trên đôi vai, và không chỉ là đôi vai, mà là trái tim và khối óc của người đại biểu Quốc hội. Đó là gánh nặng non sông, gánh nặng của trách nhiệm, lương tâm và danh dự. Người đại biểu Quốc hội, hơn ai hết là người thật sự tường minh về tính uỷ quyền mà mình đang gánh vác.

Báo cáo chính trị tại Đại hội X xác định rõ :“Chúng ta chủ trương xây dựng một xã hội dân chủ …bảo đảm nguyên tắc tất cả quyền lực nhà nước đều thuộc về nhân dân”. Văn kiện Đại hội IX từng khẳng định:”Nhân dân vừa thực hiện quyền dân chủ trực tiếp vừa thực hiện quyền dân chủ thông qua đại diện là các cơ quan Nhà nước, các đại biểu nhân dân”. Dân chủ trực tiếp và dân chủ gián tiếp là những phương thức khác nhau cùng nhằm mục tiêu chung là thực thi quyền dân chủ của người dân phản ánh vào trong nội dung của Nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân mà chúng ta đang ra sức xây dựng và hoàn thiện. Tư duy về Nhà nước pháp quyền được xác lập trên nguyên lý giữa người cầm quyền và người công dân, đó là :“chỉ huy những người bình đẳng với mình và phục tùng những con người mà mình hoàn toàn bình đẳng với họ”. Không chỉ bình đẳng trước pháp luật mà còn bình đẳng với tư cách công dân bằng những “quyền không ai có thể xâm phạm được” mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu lên trong Tuyên ngôn độc lập 2 tháng 9 năm 1945. Quyền của dân hiện diện tại Quốc hội qua những đại biểu của mình, tức là những người được dân uỷ quyền.

Cử tri cả nước chờ đợi những hành động có thực quyền, bằng chính sức mạnh có sự hậu thuẫn của toàn dân đối với “Cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất”.

Và đó cũng là điều mà sáng nay, tại phiên khai mạc, Tổng Bí Thư Nông Đức Mạnh nhấn mạnh : Dân chủ phải được thực hiện trước hết ở trong Đảng, từ trong Đảng và bộ máy Nhà nước, từ các cơ quan lãnh đạo cấp cao cho tới toàn bộ hệ thống chính trị. Và, Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhât của nhân dân, là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất, có vai trò rất quan trọng trong việc thực hiện nhiệm vụ này.

  • Tương Lai