Trước khi vào thảo luận, các đại biểu đã nghe Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Sinh Hùng, thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ trình dự án luật này. Tờ trình nêu rõ thực trạng hoạt động thị trường chứng khoán, sự cần thiết ban hành và mục đích, yêu cầu, các quan điểm chỉ đạo xây dựng Luật chứng khoán. Theo đó, dự thảo luật gồm 11 chương, 136 điều quy định về chào bán chứng khoán ra thị trường; công ty đại chúng; thị trường giao dịch chứng khoán; đăng ký, lưu ký, bù trừ và thanh toán chứng khoán; công ty chứng khoán, công ty quản lý đầu tư chứng khoán; quỹ đầu tư chứng khoán, công ty đầu tư chứng khoán và ngân hàng giám sát; công bố thông tin; thanh tra và xử lý vi phạm; giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo và bồi thường thiệt hại. Tờ trình cũng làm rõ thêm một số vấn đề cụ thể, đó là: về cơ quan quản lý Nhà nước về chứng khoán và thị trường chứng khoán; về đầu tư gián tiếp và hội nhập quốc tế trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán; về thanh tra và xử lý vi phạm.
Trình bày báo cáo thẩm tra dự án luật này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Ngân sách của QH Nguyễn Đức Kiên đã nêu rõ ý kiến của Ủy ban về từng nội dung cơ bản của dự án Luật chứng khoán và những ý kiến khác nhau trong Ủy ban về một vấn đề cụ thể của dự án.
Thảo luận dự án luật này, các ý kiến phát biểu đề cập khá nhiều vấn đề thuộc nội dung dự án, nhưng nổi lên là vấn đề địa vị pháp lý của cơ quan quản lý nhà nước về chứng khoán và thị trường chứng khoán (TTCK). Tờ trình của Chính phủ cho biết, ở một số nước, cơ quan quản lý TTCK độc lập với Chính phủ (như Mỹ, Anh...); ở một số nước cơ quan quản lý TTCK nằm trong bộ máy quản lý hành chính nhà nước (như Trung Quốc). Hiện nay, hầu hết các cơ quan quản lý nhà nước về TTCK được điều hành bởi một uỷ ban do Bộ trưởng Tài chính làm chủ tịch. Ủy ban này có vai trò độc lập trong việc quản lý, giám sát, thanh tra, xử phạt đối với hoạt động TTCK theo quy định của pháp luật.
Đối với Việt Nam, trong giai đoạn từ tháng 11-1997 đến tháng 3-2004, Ủy ban chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) là cơ quan thuộc Chính phủ có chức năng quản lý Nhà nước về TTCK. Tuy nhiên, trong giai đoạn này công tác quản lý TTCK của UBCKNN có những khó khăn, hạn chế nhất định do cơ quan thuộc Chính phủ không có chức năng ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Mặt khác, UBCKNN không kết gắn được những công cụ, chính sách tài chính cần thiết nhằm phát triển thị trường cũng như quản lý, giám sát TTCK.
Xuất phát từ yêu cầu cải cách hành chính theo hướng Bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, đồng thời để khắc phục những tồn tại nêu trên, Chính phủ đã có Nghị định chuyển giao UBCKNN vào Bộ Tài chính (từ tháng 3-2004), theo đó Bộ Tài chính có chức năng quản lý nhà nước về TTCK. Từ đó đến nay, Bộ Tài chính đã ban hành các văn bản pháp luật, thực hiện chính sách kết hợp cổ phần hoá với TTCK và các chính sách chế độ khác như: kế toán, kiểm toán, chính sách thuế... Vì thế, trong năm 2005 và những tháng đầu năm 2006, TTCK đã có bước phát triển tương đối toàn diện, vững chắc, tạo sự tin tưởng cho các nhà đầu tư.
Từ thực trạng công tác quản lý nhà nước đối với TTCK nói trên, tờ trình cho rằng, việc giao cho Bộ Tài chính thay mặt Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về chứng khoán và TTCK trong giai đoạn hiện nay là phù hợp. Các lý do mà Tờ trình nêu ra như sau:
Thứ nhất: bảo đảm được sự kết gắn giữa chính sách tài chính nhà nước như cổ phần hoá, huy động vốn với việc phát triển TTCK và các chính sách tài chính khác. Các chính sách này có vai trò rất quan trọng trong việc phát triển TTCK nhất là ở thời kỳ đầu.
Thứ hai: Bảo đảm thực hiện được chủ trương quản lý đa ngành, đa lĩnh vực theo chương trình cải cách hành chính. Phương thức và cơ chế quản lý này đã phát huy được hiệu quả thiết thực, hoạt động TTCK đã có bước phát triển mạnh song vẫn tổ chức, quản lý được thị trường mà không cần phải mở rộng bộ máy quản lý hành chính nhà nước.
Thứ ba: Bảo đảm được tính độc lập tương đối của UBCKNN trong việc quản lý, giám sát, thanh tra và xử lý vi phạm. Các nhiệm vụ, quyền hạn này được quy định rõ trong luật (tại Điều 8) để tạo điều kiện cho UBCKNN có thực quyền trong việc quản lý TTCK.
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế và Ngân sách của QH cũng nhất trí với Tờ trình của Chính phủ, trước mắt Ủy ban chứng khoán Nhà nước là cơ quan trong Bộ Tài chính, nhưng luật cần giao cho Ủy ban chứng khoán Nhà nước một số chức năng và thẩm quyền, bảo đảm tính độc lập cần thiết và thực quyền của Ủy ban chứng khoán Nhà nước trong việc xử lý các vấn đề nghiệp vụ chứng khoán. Về lâu dài, khi thị trường chứng khoán đã phát triển ổn định sẽ sắp xếp lại cho phù hợp với yêu cầu của kinh tế thị trường.
Qua thảo luận, nhiều ý kiến tán thành quy định của Điều 8 dự thảo là UBCKNN là cơ quan thuộc Bộ Tài chính. Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Ngọc Trân (An Giang) lại có cách nhìn nhận khác, cho rằng, cả Tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế và Ngân sách của QH trình bày về địa vị pháp lý của UBCKNN là chưa đầy đủ và chưa thuyết phục. Đại biểu này lập luận, không thể nói khi Ủy ban chứng khoán nhà nước còn là cơ quan thuộc Chính phủ thì thị trường chứng khoán không phát triển mà chỉ từ khi Ủy ban chứng khoán Nhà nước nhập vào Bộ Tài chính thì thị trường chứng khoán mới phát triển mạnh hơn. Đại biểu Nguyễn Ngọc Trân cho rằng, sự phát triển đó do nhiều yếu tố khách quan và chủ quan khác. Chẳng hạn, vừa qua nước ta đàm phán thành công với Mỹ về việc Việt Nam gia nhập WTO là một trong những yếu tố tác động đến thị trường chứng khoán.
Theo đại biểu Nguyễn Ngọc Trân, hiện nay, Bộ Tài chính đã ôm quá nhiều đầu mối. Lý do đưa UBCKNN vào Bộ Tài chính để tinh giản biên chế là không thực tế, vì thời gian qua nhiều đầu mối đã nhập vào đây, nhưng có giảm được gì đâu. Hơn nữa, nếu nhập vào Bộ Tài chính thì Bộ này sẽ trở thành siêu bộ và sẽ không đủ thời gian để thực hiện nhiệm vụ chính là quản lý tài chính công. Do đó, đại biểu Nguyễn Ngọc Trân đề nghị QH cân nhắc kỹ việc này, nên quy định UBCKNN là cơ quan thuộc Chính phủ.