Phó chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên dự Hội nghị Đánh giá kết quả thực hiện thỏa thuận hợp tác giữa Ủy ban Kinh tế và Viện KHXH Việt Nam

17/06/2011

Sáng 15.6, Ủy ban Kinh tế đã tổ chức Hội nghị Đánh giá kết quả thực hiện Thỏa thuận phối hợp hoạt động giữa Ủy ban Kinh tế với Viện Khoa học xã hội Việt Nam trong nhiệm kỳ QH Khóa XII.

Phó chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên tới dự.

Từ khi ký kết thỏa thuận phối hợp hoạt động năm 2008 đến nay, Ủy ban Kinh tế và Viện Khoa học xã hội Việt Nam đã tổ chức được 8 cuộc hội thảo về các vấn đề kinh tế vĩ mô ngắn hạn, trung hạn và dài hạn; biên soạn và cung cấp các bản tin kinh tế vĩ mô hàng tháng cho các ĐBQH và các cơ quan hữu quan; phối hợp triển khai 5 chuyên đề nghiên cứu khoa học, tổ chức tập huấn về phân tích chính sách kinh tế và xây dựng mô hình cảnh báo sớm cho các cơ quan của QH... Theo đánh giá của Ủy ban Kinh tế, các hoạt động do Ủy ban và Viện Khoa học xã hội phối hợp thực hiện đã quy tụ được nhiều cơ quan, chuyên gia trong và ngoài nước có uy tín tham gia, đem lại hiệu quả thiết thực. Các ý kiến đóng góp tại các Hội thảo do hai cơ quan tổ chức đã được Ủy ban Kinh tế tổng hợp, chuyển tải đầy đủ đến Lãnh đạo Đảng và Nhà nước, các ĐBQH và các cơ quan hữu quan. Nhiều đề xuất, kiến nghị quan trọng đã được thể hiện trong Báo cáo thẩm tra, Báo cáo giám sát của Ủy ban Kinh tế và được các ĐBQH ghi nhận trong Nghị quyết của QH.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên đánh giá cao mô hình hợp tác giữa Ủy ban Kinh tế và Viện Khoa học xã hội. Trong điều kiện đa số thành viên Ủy ban hoạt động kiêm nhiệm, khối lượng công việc lại quá lớn thì việc huy động trí tuệ của các chuyên gia, các nhà nghiên cứu tham gia đóng góp ý kiến, góp phần nâng cao chất lượng các hoạt động của Ủy ban là rất cần thiết. Thông qua hoạt động hợp tác này, Ủy ban Kinh tế Khóa XII đã tạo ra một diễn đàn lớn, thiết thực, cởi mở và thẳng thắn, thu hút ngày càng đông các chuyên gia, các nhà nghiên cứu đóng góp trí tuệ cho Ủy ban, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của Ủy ban. Phó chủ tịch QH đề nghị, cần tiếp tục thực hiện mô hình hợp tác này và lưu ý, QH là cơ quan đại diện cao nhất của nhân dân cả nước nên từ các kiến nghị, đóng góp của các chuyên gia, Ủy ban Kinh tế cần chắt lọc thành những đề xuất xác đáng, phản ánh đúng tình hình thực tiễn và phù hợp với điều kiện cụ thể của nền kinh tế. Ủy ban Kinh tế cần phối hợp với các chuyên gia tổ chức các hoạt động khảo sát, nghiên cứu thực tế nhiều hơn. Các đề xuất chính sách vĩ mô phải xuất phát từ thực tiễn mới có thể thuyết phục được các ĐBQH và các cơ quan hữu quan.

 

 

P. Thúy

(http://daibieunhandan.vn/)

Các bài viết khác