Việt Nam dự Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới

22/04/2011

Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam do Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Son dẫn đầu đã tham dự các hoạt động tại Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới lần thứ 124 (IPU 124).

IPU 124 diễn ra tại thành phố Panama, thủ đô nước Cộng hòa Panama từ ngày 15-20/4 với chủ đề "Trách nhiệm của quốc hội: Đáp ứng kỳ vọng của nhân dân."

Đại hội đồng IPU 124 thảo luận tập trung vào chủ đề nâng cao vai trò của quốc hội; các vấn đề về hòa bình và an ninh, tài chính và thương mại với phát triển bền vững, vấn đề dân chủ, nhân quyền.

Đoàn đại biểu Việt Nam tham gia chủ động và tích cực tại phiên họp toàn thể Đại hội đồng IPU 124 và phiên họp Ban Chấp hành IPU lần thứ 260.

Đoàn cũng chủ trì phiên họp Nhóm ASEAN+3, tham gia phiên họp Nhóm châu Á-Thái Bình Dương (APG), phiên họp Nhóm Nữ Nghị sỹ, phiên họp Nhóm Đối tác bình đẳng giới và một số hoạt động bên lề khác.

Trong phát biểu tham luận tại phiên toàn thể, trưởng đoàn Việt Nam Nguyễn Văn Son đã giới thiệu khái quát về công cuộc đổi mới của Việt Nam, bày tỏ sự nhất trí cao đối với chủ đề của IPU 124 lần này và cho rằng bên cạnh vai trò của từng nghị viện quốc gia, cơ chế liên nghị viện khu vực và thế giới cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy trách nhiệm của quốc hội nhằm đáp ứng kỳ vọng của nhân dân, đặc biệt trước diễn biến phức tạp của tình hình chính trị, kinh tế xã hội hiện nay.

Sau khi khẳng định vai trò và trách nhiệm của Quốc hội Việt Nam trong việc đáp ứng yêu cầu của nhân dân Việt Nam nói riêng và khu vực ASEAN nói chung thông qua việc tổ chức thành công Đại hội đồng Liên minh Nghị viện các nước ASEAN lần thứ 31 (AIPA-31), trưởng đoàn Nguyễn Văn Son đề xuất IPU cần tiếp tục tăng cường phối hợp với các cơ chế nghị viện khu vực, gắn kết hoạt động giữa các cơ chế này nhằm phát huy tối đa vai trò của nghị viện giải quyết các thách thức toàn cầu về chính trị, kinh tế và xã hội.

Ủy ban Hòa bình và An ninh đã thảo luận và ra nghị quyết về khuôn khổ lập pháp nhằm ngăn ngừa bạo lực trong bầu cử, cải thiện hoạt động giám sát bầu cử và đảm bảo chuyển giao quyền lực một cách trật tự.

Ủy ban Phát triển bền vững, Tài chính và Thương mại đã thảo luận và ra nghị quyết về vai trò của nghị viện trong đảm bảo phát triển bền vững thông qua quản lý tài nguyên thiên nhiên, sản xuất nông nghiệp và sự thay đổi về nhân khẩu, trong đó tiếp tục kêu gọi các nước phát triển thực hiện đóng góp 0,7% GDP cho Viện trợ phát triển chính thức (ODA).

Ủy ban Dân chủ và Nhân quyền đã thảo luận và ra nghị quyết về chủ đề tính minh bạch và trách nhiệm giải trình trong hoạt động gây quỹ của các đảng phái chính trị và cho các chiến dịch tranh cử, trong đó khuyến nghị quốc hội các nước xây dựng khung pháp lý và có cơ chế giám sát hoạt động vận động tài chính phục vụ tranh cử của các đảng phái theo hướng bảo đảm tính độc lập, minh bạch, tiết kiệm, công bằng.

Đại hội đồng IPU 124 cũng xem xét một số vấn đề khẩn cấp, ra Tuyên bố chính trị về việc "Kêu gọi sự ủng hộ toàn cầu mang tính khẩn cấp cho Nhật Bản vừa hứng chịu thảm họa động đất và sóng thần nhằm hạn chế tác động của thảm họa này đối với khu vực và thế giới", thảo luận về "Hành động của nghị viện nhằm tăng cường quyền tự quyết của các dân tộc trong khuôn khổ pháp luật quốc tế" và ra Nghị quyết về "Tăng cường cải cách dân chủ ở các nền dân chủ đang nổi lên, bao gồm khu vực Bắc Phi và Trung Đông."

Trong quá trình hội nghị, đoàn Quốc hội Việt Nam đã tiếp xúc và trao đổi quan điểm với các nghị sỹ đoàn Cuba, Campuchia, Hàn Quốc, Nhật Bản, Pháp, Bỉ, Nam Phi, Chile, Venezuela, Panama, Thụy Sĩ… và tham dự các hoạt động do nước chủ nhà Panama tổ chức./.

 

(http://www.vietnamplus.vn/)

Các bài viết khác