Các đại biểu đã được giới thiệu những điểm mới trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử ĐBQH, bầu cử HĐND các cấp năm 2010. Theo đó, đã có 17 điều của Luật Bầu cử ĐBQH và 13 điều của Luật Bầu cử đại biểu HĐND được sửa đổi; 1 điều mới của Luật Bầu cử đại biểu HĐND được bổ sung nhằm đáp ứng yêu cầu khi tiến hành bầu cử chung ĐBQH và ĐB HĐND trong cùng một ngày và đồng thời khắc phục một số hạn chế, bất cập trong công tác bầu cử. Những vấn đề liên quan đến hoạt động bầu cử QH Khoá XIII và quy trình hiệp thương bầu cử ĐBQH cũng được thảo luận với những nội dung như nguyên tắc bầu cử, tiêu chuẩn ĐBQH; quyền bầu cử ứng cử của công dân, vận động bầu cử, cơ cấu thành phần ĐBQH Khoá XIII; các bước hiệp thương… Theo dự kiến trong tổng số 500 ĐBQH sẽ bao gồm 183 ĐBQH ở các cơ quan Trung ương; 317 ĐBQH ở các tỉnh, thành phố; ĐBQH chuyên trách ở Trung ương và địa phương chiếm 33%...
Đại diện các cơ quan ngoại giao tại Việt Nam cũng đã đưa ra nhiều câu hỏi như cơ chế bảo đảm việc đạt tỷ lệ đại biểu nữ, đại biểu là người dân tộc thiểu số, đại biểu tự ứng cử; căn cứ để đưa ra tỷ lệ ĐBQH ở Trung ương và địa phương; việc bảo đảm cho người Việt Nam sinh sống tại nước ngoài tham gia bầu cử; cơ hội của các cơ quan đại diện ngoại giao vào giám sát hoạt động bầu cử; kinh phí dành cho hoạt động bầu cử; việc giải quyết khiếu nại liên quan đến bầu cử; vai trò của truyền thông đối với hoạt động bầu cử…
Nhân dịp này, trang chủ chính thức về bầu cử ĐBQH Khoá XIII với nhiều chuyên mục, nội dung phong phú cũng đã được giới thiệu tới các cơ quan, tổ chức đại diện ngoại giao tại Việt Nam.