Tại Festival, hơn 400 người khiếm thị cùng hơn 1.000 đoàn viên thanh niên, sinh viên 10 trường ĐH trên địa bàn Hà Nội đã cùng tham gia các chương trình như tổ chức các gian trưng bày giới thiệu hoạt động của hội người mù các quận, huyện, thị, các sản phẩm do người khiếm thị làm ra; Hội thi Người khiếm thị với Luật Bầu cử và Nghị quyết của Đảng; tôn vinh 10 tấm gương khiếm thị tiêu biểu; các hoạt động văn hóa, văn nghệ; giao lưu với các tấm gương tiêu biểu giàu nghị lực...
Phát biểu tại Festival, Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu khẳng định, Hà Nội hiện có khoảng 12.000 người khiếm thị, rất nhiều người trong số đó đã trở thành những tấm gương về nghị lực, vượt lên số phận, đóng góp cho sự phát triển chung của xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh sự cố gắng của bản thân, sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, cộng đồng xã hội, người khiếm thị vẫn gặp rất nhiều khó khăn trong học tập, sinh hoạt, tìm kiếm việc làm, hôn nhân, hòa nhập cộng đồng, tạo dựng cuộc sống ổn định. Một bộ phận xã hội vẫn kỳ thị, thiếu sự chia sẻ với người khiếm thị nói riêng và tàn tật nói chung. Vì vậy, Festival lần này là ngày hội thể hiện sự quan tâm, chia sẻ của cộng đồng, xã hội; cơ hội để loại bỏ dần sự kỳ thị và rào cản, xây dựng tình cảm, ý thức trách nhiệm của lớp trẻ với người khuyết tật; là động lực quan trọng giúp người chịu thiệt thòi tiếp tục có thêm nghị lực, niềm tin để vươn lên trong cuộc sống, đóng góp nhiều hơn cho cộng đồng và xã hội.
Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu mong muốn thời gian tới, các hoạt động hỗ trợ về dạy nghề, việc làm, sinh hoạt cho người khuyết tật cần được quan tâm hơn nữa; các thế hệ trẻ của Thủ đô và mỗi người dân cần quan tâm chia sẻ và tạo cơ hội cho người khuyết tật. Đồng thời, người khiếm thị nói riêng và người khuyết tật nói chung cũng cần vượt qua mặc cảm, tích cực học tập, mạnh dạn tham gia các hoạt động cộng đồng, tìm kiếm cho mình một việc làm phù hợp...