|
Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Đền Thượng. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN) |
Đúng 7 giờ 30 phút, Lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng đã chính thức bắt đầu.
Trong không khí trang nghiêm, thành kính, Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng; Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cùng đại biểu các ngành, các cấp, các tầng lớp nhân dân đã cử hành các nghi lễ trọng thể, dâng hương, hoa, lễ vật, thắp hương tưởng niệm, bày tỏ lòng tri ân các vị liệt tổ, liệt tông đã có công khai thiên lập quốc và cầu cho quốc thái dân an, bách gia trăm họ bình yên, đất nước thịnh vượng, trường tồn.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Thọ Hoàng Dân Mạc - Chủ lễ giỗ Tổ Hùng Vương năm Tân Mão 2011 đã đọc Chúc văn tưởng niệm các Vua Hùng, bày tỏ lòng tự hào về truyền thống vẻ vang 4.000 năm lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam; thành kính tưởng nhớ và biết ơn công đức, đồng thời kính cáo trước anh linh các bậc tiền nhân về những thành tựu to lớn mà toàn Đảng, toàn dân, toàn quân Việt Nam đã đạt được trong công cuộc đổi mới, hội nhập và phát triển đất nước; khẳng định lớp lớp các thế hệ con cháu Lạc Hồng sẽ luôn phát huy khí thế Hùng Vương muôn trượng, đoàn kết một lòng đi theo con đường mà Đảng, Bác Hồ kính yêu đã lựa chọn, quyết tâm xây dựng giang sơn đất nước Việt Nam ngày càng hùng mạnh phồn vinh, góp phần vì hòa bình hữu nghị trên toàn thế giới.
Tiếp đó, Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng; Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cùng đại biểu các ngành, các cấp, các tầng lớp nhân dân đã đặt vòng hoa và thắp hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Lăng Hùng Vương. Vòng hoa mang dòng chữ “Đời đời nhớ ơn các Vua Hùng đã có công dựng nước.”
Ngay sau Lễ dâng hương, Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng cùng các đại biểu đã dâng hoa tại bức Phù điêu “Bác Hồ nói chuyện với cán bộ, chiến sỹ Đại đoàn quân Tiên Phong.” Lẵng hoa mang dòng chữ “Mãi mãi ghi sâu và làm theo lời Bác dạy.”
Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương 2011 diễn ra trong 5 ngày (ngày 7 đến ngày 12/4), với nhiều hoạt động phong phú và độc đáo như hội trại văn hóa, biểu diễn nghệ thuật, trưng bày sản vật và văn hóa ẩm thực của các huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh; trình diễn diễn xướng văn hóa dân gian các dân tộc tỉnh Phú Thọ; biểu diễn nghệ thuật của các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp trong và ngoài tỉnh; đánh trống đồng, múa sư tử, hát Xoan.
Bên cạnh đó, tại lễ hội còn có hội thi gói, nấu bánh chưng, giã bánh dầy; lễ hội văn hóa trà; triển lãm các hiện vật cung tiến; lễ nhập linh và trao tặng trống đồng của Hội di sản văn hóa Việt Nam và Ban Quản lý Dự án "Trống đồng - âm vang Đất Tổ" cho Khu di tích lịch sử Đền Hùng; "Doanh nhân Việt Nam hướng về đất Tổ" tri ân Quốc Tổ Hùng Vương.../.