Hôm nay, ngày làm việc cuối cùng của kỳ họp thứ 9, Quốc hội Khóa XII. Sáng 29/3, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về Báo cáo công tác của Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao nhiệm kỳ 2007 - 2011.
Tại phiên thảo luận, các đại biểu Quốc hội tập trung làm rõ một số vấn đề: Đánh giá chung về những kết quả đã đạt được, những chuyển biến tích cực, những mặt còn tồn tại, hạn chế trong tổ chức và hoạt động của ngành Tòa án và Kiểm sát nhiệm kỳ 2007 – 2011; Phân tích để làm rõ thêm một số nguyên nhân của những mặt được, chưa được trong tổ chức và hoạt động của hai ngành và Phân tích và đánh giá về những bài học kinh nghiệm được rút ra trong nhiệm kỳ này một số nhiệm vụ trọng tâm công tác trong nhiệm kỳ tới.
Góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội
Trong phiên họp sáng 29/3, đã có 11 vị đại biểu Quốc hội phát biểu ý kiến. Ý kiến của các đại biểu thẳng thắn, trách nhiệm, đánh giá toàn diện những kết quả đã đạt được, những hạn chế, yếu kém trong tổ chức hoạt động của ngành Tòa án và ngành Kiểm sát nhiệm kỳ qua. Các đại biểu cũng chỉ rõ nguyên nhân các mặt được, chưa được cũng như đề xuất một số giải pháp để tiếp tục thực hiện của ngành trong thời gian tới.
Các vị đại biểu cơ bản tán thành nhất trí với báo cáo của ngành Tòa án và ngành Kiểm sát trong nhiệm kỳ 2007 – 2011. Trong điều kiện đất nước có nhiều thuận lợi cơ bản nhưng cũng gặp không ít khó khăn, thách thức, tình hình tội phạm vi phạm pháp luật tranh chấp ngày càng phức tạp nhưng ngành Tòa án Nhân dân và ngành Kiểm sát Nhân dân đã nỗ lực phấn đấu thực hiện có hiệu quả chức năng, nhiệm vụ của mình, cùng với các cơ quan tư pháp khác góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, bảo đảm ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và cá nhân, bảo vệ pháp chế Xã hội Chủ nghĩa.
Đại biểu Lê Thị Nguyệt (đoàn Vĩnh Phúc) cho rằng: Các kết quả trên đã góp phần tích cực xây dựng hệ thống tư pháp trong sạch, vững mạnh và góp phần quan trọng vào việc giữ gìn trật tự, kỷ cương phép nước.
Về Công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, công tác giải quyết xét xử các loại vụ án có những chuyển biến tốt. Tỷ lệ các vụ án oan sai, án bị hủy, cải sửa giảm đáng kể so với nhiệm kỳ trước. Tính công khai, dân chủ trong hoạt động tư pháp có chuyển biến tích cực, công tác giải quyết đơn khiếu nại và đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm, công tác hướng dẫn, áp dụng pháp luật, bồi thường đối với những người bị oan trong tố tụng hình sự có chuyển biến đáng ghi nhận.
Trong nhiệm kỳ qua, ngành Tòa án và ngành Kiểm sát đã chú trọng kiện toàn tổ chức bộ máy, cơ sở vật chất, chuẩn hóa đội ngũ cán bộ kiểm sát viên, thẩm phán, tham gia tích cực vào quá trình hoàn thiện thể chế về tư pháp, đẩy mạnh hợp tác quốc tế. Việc tổ chức thực hiện các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội về cải cách tư pháp được đẩy mạnh, nhiều nội dung đã được triển khai thực hiện trên thực tế đã góp phần thiết thực nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động tư pháp.
Đại biểu Phạm Văn Hà (đoàn Nghệ An) cho rằng: Hai ngành Tòa án và Kiểm sát đã có nhiều cố gắng nên chất lượng và hiệu quả hoạt động đạt được nhiều chuyển biến tích cực so với nhiệm kỳ trước. Tỷ lệ giải quyết xét xử các loại án được nâng lên, việc kết án oan người không có tội hoặc bỏ lọt tội phạm được hạn chế.
Vẫn còn hạn chế, tồn tại
Tuy nhiên, về những tồn tại, hạn chế, các đại biểu cơ bản đồng tình với những đánh giá được nêu trong Báo cáo của 2 ngành, đồng thời nhấn mạnh thêm một số vấn đề như: Chất lượng công tác truy tố và xét xử hình sự tuy đã có chuyển biến, nhưng vẫn chưa khắc phục được triệt để việc làm oan người vô tội, kỹ năng thực hành quyền công tố và tranh tụng của kiểm sát viên tại phiên tòa chưa đáp ứng yêu cầu của cải cách tư pháp, chất lượng xét xử và kiểm sát án hành chính, kinh tế, thương mại, lao động chưa đạt chất lượng cao.
Công tác hướng dẫn áp dụng pháp luật của Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao vẫn còn chậm, chưa kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho các cơ quan tư pháp ở địa phương. Công tác xem xét giải quyết bồi thường cho người bị oan trong tố tụng hình sự trong nhiều trường hợp còn chậm, mức bồi thường chưa thỏa đáng gây bức xúc trong dư luận...
Riêng về vấn đề đào tạo các chức danh tư pháp, có nhiều ý kiến đề nghị với cơ quan có thẩm quyền của Đảng, Nhà nước cần đánh giá tổng kết và xem xét thêm về việc phân công các cơ quan làm nhiệm vụ đào tạo.
Chế độ chính sách đối với cán bộ ngành Tòa án, ngành Kiểm sát chưa tương xứng với chức trách, nhiệm vụ được giao, cơ sở vật chất, điều kiện làm việc mặc dù đã được kiện toàn một bước nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ trong điều kiện cải cách tư pháp.
Các đại biểu Quốc hội cũng đề nghị trong thời gian tới hai ngành tập trung xây dựng cụ thể đề án về đổi mới tổ chức và hoạt động của Tòa án, Viện kiểm sát theo Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 và các nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội liên quan đến tổ chức hoạt động của hai ngành, tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, các chức danh tư pháp trong sạch, vững mạnh, có bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp, nâng cao trình độ chuyên môn đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế.
Đại biểu Trịnh Thị Thanh Bình (đoàn Bến Tre) cũng nêu kiến nghị rằng: Để đảm bảo công tác bồi dưỡng cán bộ, đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, đặc biệt chuyên sâu về kỹ năng, về hoạt động tố tụng đề nghị giao cho Tòa án nhân dân tối cao thực hiện chức năng đào tạo bồi dưỡng để có kế hoạch mang tầm chiến lược.
Đại biểu Phạm Quốc Anh, đoàn Đồng Nai cho rằng, tồn tại mà 2 ngành đang gặp phải là năng lực trình độ của đội ngũ kiểm sát viên và thẩm phán chưa đáp ứng với yêu cầu hội nhập. Đại biểu nêu dẫn chứng là nhiều vụ tranh chấp các loại hàng của Việt Nam ra nước ngoài bị tòa án các nước, cơ quan các nước có những án lệ, những trừng phạt và đánh thuế rất cao nhưng đấu tranh của cơ quan tư pháp trong nước chưa đáp ứng một cách tích cực.
Cuối phiên làm việc buổi sáng, theo sự phân công của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã báo cáo giải trình làm rõ thêm về tình hình diễn biến của sự cố hạt nhân tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima (Nhật Bản) và các biện pháp ứng phó của Chính phủ và những kinh nghiệm rút ra; về xử lý trách nhiệm trong vụ việc tại Tập đoàn công nghiệp tàu thuỷ Việt Nam- Vinashin.
Chiều nay, Quốc hội họp phiên bế mạc./.