Hầu hết các đại biểu đều bày tỏ sự đồng tình với báo cáo đánh giá công tác nhiệm kỳ 2007-2011 của Chủ tịch nước, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ với việc đánh giá khá toàn diện những tiến bộ, những kết quả đạt được cũng như mặt hạn chế, yếu kém, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm, phương hướng khắc phục.
“Báo cáo của Chủ tịch nước, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ điểm lại một chặng đường bốn năm qua của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XII cho chúng ta thấy bức tranh toàn cảnh về những thử thách và vượt thử thách của đất nước…," đại biểu Dương Trung Quốc, tỉnh Đồng Nai, nhận định.
Các đại biểu cũng gửi gắm đến Chủ tịch nước, Thủ tướng những tâm tư, mong mỏi của cử tri về các vấn đề liên quan tới phòng chống tham nhũng, lãng phí, xử lý các sai phạm về kinh tế, thất thoát tài nguyên khoáng sản, ô nhiễm môi trường, quản lý đất đai…
Đại biểu Nguyễn Đăng Trừng, Thành phố Hồ Chí Minh nói: “Hoạt động đối ngoại của Thủ tướng rất thắng lợi, đã thúc đẩy mạnh mẽ quá trình hội nhập quốc tế của đất nước với khu vực và thế giới. Việt Nam đã thực sự hội nhập quốc tế về kinh tế, có 25 nước công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.”
Nêu rõ hai ưu điểm rất nổi bật trong nhiệm kỳ công tác của Thủ tướng là hoạt động đối ngoại và phát triển kinh tế, đại biểu Nguyễn Đăng Trừng cho rằng việc phấn đấu để cộng đồng quốc tế công nhận Việt Nam có nền kinh tế hoàn chỉnh là một nỗ lực rất phù hợp xu thế phát triển hiện nay trên thế giới. Những thắng lợi đạt được trong hoạt động đối ngoại đã tạo điều kiện rất thuận lợi cho quá trình phát triển của đất nước, nhất là về mặt kinh tế.
Các đại biểu Trần Quốc Khánh, thành phố Hà Nội; Dương Trung Quốc, tỉnh Đồng Nai; Nguyễn Đình Xuân, tỉnh Tây Ninh; Đỗ Mạnh Hùng, tỉnh Thái Nguyên; Trần Hoàng Thám, Thành phố Hồ Chí Minh đều nhấn mạnh việc Chính phủ chỉ đạo ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, duy trì tăng trưởng và nâng cao hiệu quả của nền kinh tế. Nhiệm kỳ qua, hoạt động quản lý điều hành phát triển kinh tế-xã hội được thực hiện trong điều kiện kinh tế-chính trị thế giới biến động hết sức phức tạp, tác động mạnh đến nền kinh tế Việt Nam.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn xác định ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, kiềm chế lạm phát là điều kiện tiên quyết để bảo đảm tăng trưởng bền vững. Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt và thận trọng theo trọng tâm từng thời gian, từ ưu tiên kiềm chế lạm phát cao năm 2008 sang tập trung ngăn chặn suy giảm kinh tế năm 2009, khôi phục đà tăng trưởng năm 2010 và kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô năm 2011.
Chính sách tài khóa và điều hành ngân sách Nhà nước tiếp tục được hoàn thiện theo hướng bảo đảm thống nhất, minh bạch và công bằng. Chính sách thuế được điều chỉnh, giảm dần và ổn định thuế suất, mở rộng đối tượng thu, điều tiết hợp lý thu nhập, nuôi dưỡng nguồn thu. Vốn đầu tư từ ngân sách được tập trung cho phát triển kết cấu hạ tầng, nông nghiệp, nông thôn và phát triển các lĩnh vực xã hội, xóa đói giảm nghèo…
Đề cập đến những chính sách về an sinh xã hội, các đại biểu Nguyễn Đình Xuân, tỉnh Tây Ninh; Đỗ Mạnh Hùng, tỉnh Thái Nguyên đều cho rằng dư luận quốc tế và nhân dân trong nước đánh giá rất cao sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đã di tản kịp thời hàng nghìn lao động ra khỏi Libya trước khi cuộc chiến tranh nổ ra. Điều này thể hiện sự quan tâm và trách nhiệm của đất nước đối với công dân Việt Nam ở mọi nơi trên thế giới./.