|
Các đại biểu QH thảo luận tại hội trường. |
Ðẩy mạnh thực hiện công tác cải cách tư pháp
Buổi sáng, trong phiên thảo luận ở tổ về Báo cáo công tác nhiệm kỳ của Chánh án TANDTC và Viện trưởng Viện KSNDTC, các đại biểu nhất trí với báo cáo hoạt động cả nhiệm kỳ của Chánh án TANDTC, Viện trưởng Viện KSNDTC, trong đó đánh giá cao công tác giải quyết các vụ việc lớn về hình sự, dân sự, góp phần ổn định an ninh, chính trị. Ðặc biệt, đã giảm đáng kể các vụ án oan, sai, thực hiện đúng chức năng công tố. Về tình hình thực hiện cải cách tư pháp theo Nghị quyết 08 và Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị, cũng như công tác kiện toàn đội ngũ cán bộ của hai ngành tòa án và kiểm sát, nhiều đại biểu cho rằng, ngành kiểm sát và ngành tòa án đã làm tốt chức năng nhiệm vụ của mình, nhất là chủ trương tăng thẩm quyền cho tòa án và viện kiểm sát cấp huyện.
Ðánh giá về Báo cáo tổng kết nhiệm kỳ của Chánh án TANDTC nhiệm kỳ 2007 - 2011, các đại biểu cho rằng, ngành tòa án đã triển khai nhiều biện pháp đồng bộ, nâng cao chất lượng tranh tụng tại các phiên tòa, nâng cao trách nhiệm, trình độ chuyên môn cho các thẩm phán, tập trung giải quyết dứt điểm các vụ việc bức xúc kéo dài. Công tác giải quyết, xét xử các vụ án; giải quyết khiếu nại, tố cáo và đấu tranh phòng, chống tham nhũng; xây dựng pháp luật; thực hiện các nhiệm vụ cải cách tư pháp có nhiều chuyển biến rõ rệt.
Thảo luận về việc thực hiện nhiệm vụ của Viện trưởng Viện KSNDTC, các đại biểu đánh giá cao nỗ lực phấn đấu và tạo được sự chuyển biến tích cực về chất lượng, hiệu quả trên tất cả các mặt công tác. Công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp đã có nhiều chuyển biến mạnh mẽ. Chất lượng truy tố, tranh tụng của kiểm sát viên tại phiên tòa có chuyển biến tích cực. Tỷ lệ các vụ án trả hồ sơ điều tra bổ sung giữa các cơ quan tiến hành tố tụng giảm. Số trường hợp đình chỉ do không phạm tội và Tòa án tuyên bị cáo không phạm tội giảm hằng năm.
Cùng với những kết quả đã đạt được, các đại biểu cũng nêu ra những bất cập, hạn chế trong hoạt động tư pháp thời gian qua liên quan trực tiếp đến hai ngành tòa án, kiểm sát, đó là trước yêu cầu của tình hình mới, hoạt động của tòa án và viện kiểm sát đã bộc lộ một số bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu. Ðiều này thể hiện ở chất lượng công tác xét xử chưa cao, vẫn còn tình trạng án sơ thẩm, phúc thẩm bị tuyên bác và phải sửa ở các cấp. Một thực trạng cũng được nhiều đại biểu nêu ra, đó là tình trạng quá tải về số vụ cần giải quyết đối với các thẩm phán. Ngành tư pháp cũng đang phải đối mặt với tình trạng nhiều người xin ra khỏi ngành do không chịu được áp lực công việc.
Các đại biểu cho rằng, tình hình tội phạm hiện nay diễn biến phức tạp, nhất là loại hình tội phạm công nghệ cao, tội phạm trên thị trường chứng khoán... Do vậy, đội ngũ cán bộ tư pháp phải chuyên nghiệp hơn, phẩm chất đạo đức cao hơn và ngành tư pháp cần đưa ra những tiêu chí cụ thể trong việc đào tạo, xây dựng lực lượng nhằm nâng cao chất lượng hoạt động trong thời gian tới. Bên cạnh việc phân tích hoạt động của ngành tòa án và kiểm sát, nhiều đại biểu đề xuất QH cần sớm ban hành những văn bản luật nhằm tháo gỡ khó khăn cho ngành tòa án, kiểm sát.
Ðiều hành quyết liệt, kịp thời góp phần phát triển kinh tế - xã hội
Buổi chiều, các đại biểu thảo luận tại hội trường về Báo cáo công tác nhiệm kỳ của Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Thảo luận về Báo cáo công tác nhiệm kỳ của Chủ tịch nước, các đại biểu đánh giá cao kết quả công tác của Chủ tịch nước trong nhiệm kỳ vừa qua. Cá nhân Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước và Văn phòng Chủ tịch nước với trách nhiệm của mình đã thực hiện tốt vai trò, chức năng trong công tác đối ngoại, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Các hoạt động liên quan đến công tác tư pháp, khen thưởng được thực hiện nghiêm túc, chính xác.
Thảo luận về Báo cáo công tác nhiệm kỳ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các đại biểu nhất trí cho rằng, với trách nhiệm của mình, Thủ tướng Chính phủ và tập thể Chính phủ đã nghiêm túc thực hiện Nghị quyết của QH về phát triển kinh tế - xã hội. Nhiệm kỳ vừa qua, trong bối cảnh nhiều khó khăn, tình hình kinh tế thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, nhưng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Trước tác động tiêu cực của suy thoái kinh tế toàn cầu đến kinh tế - xã hội trong nước, Chính phủ đã có nhiều ứng phó kịp thời, quyết liệt, hiệu quả, nền kinh tế đất nước có bước phát triển phù hợp. Các đại biểu Nguyễn Ðăng Trừng (TP Hồ Chí Minh), Phạm Quốc Anh (Ðồng Nai) cho rằng, Thủ tướng và Chính phủ đã làm được nhiều việc cho đất nước, đặc biệt là công tác đối ngoại, nâng cao vị thế trên trường quốc tế. Việt Nam đã thực hiện tốt vai trò Chủ tịch ASEAN, góp phần quan trọng trong việc phát triển đất nước, nhất là phát triển kinh tế - xã hội. Thời gian qua, Thủ tướng và Chính phủ phải đối phó với những khó khăn của kinh tế thế giới ảnh hưởng đến trong nước, nhưng Thủ tướng và Chính phủ đã tập trung chỉ đạo, đạt được mức tăng trưởng hợp lý, góp phần đưa Việt Nam thoát khỏi ngưỡng một nước nghèo. Ðại biểu Nguyễn Ðình Xuân (Tây Ninh) cho rằng, cử tri đánh giá cao việc Chính phủ đã kịp thời có phương án và thực hiện di tản người Việt Nam ở Li-bi về nước khi có biến động. Ðiều này thể hiện sự quan tâm của Chính phủ trong việc bảo vệ công dân Việt Nam ở nước ngoài.
Các đại biểu cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế trong điều hành phát triển kinh tế - xã hội, cần phải khắc phục kịp thời. Ðại biểu Nguyễn Ðăng Trừng cho rằng, mặc dù có nhiều cố gắng, nhưng tình hình tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp. Ðiều này có trách nhiệm của Chính phủ và bản thân Thủ tướng với tư cách Trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng T.Ư. Bên cạnh đó, công tác quản lý, nhất là quản lý kinh tế còn bất cập, gây ảnh hưởng đến phát triển chung. Cùng với đó là tình trạng giải quyết khiếu nại, tố cáo chuyển biến chưa rõ rệt, nhất là khiếu kiện liên quan đến đất đai.
Các đại biểu đề nghị, trong thời gian tới, Chính phủ cần xây dựng chiến lược phát triển dài hơi, đưa ra giải pháp cụ thể hơn để kịp thời ứng phó với những thay đổi bất lợi, nhất là tình hình kinh tế thế giới vẫn tiềm ẩn nguy cơ, ảnh hưởng xấu đến kinh tế - xã hội trong nước. Cần tiếp tục tập trung thực hiện các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội.
Ngày 25-3, tại Hà Nội, Văn phòng Quốc hội tổ chức Hội nghị tổng kết công tác báo chí tuyên truyền phục vụ hoạt động QH khóa XII nhiệm kỳ 2007-2011, dưới sự chủ trì của Chủ nhiệm Văn phòng QH Trần Ðình Ðàn.
Tại hội nghị, Chủ nhiệm Văn phòng QH cảm ơn và đánh giá cao những nỗ lực, tinh thần làm việc đầy trách nhiệm của lãnh đạo các cơ quan báo chí, đặc biệt là đội ngũ phóng viên báo chí phục vụ các kỳ họp của QH khóa XII. Các cơ quan báo chí đã thông tin hoạt động QH đến cử tri, nhân dân, giúp nhân dân hiểu sâu sắc hơn chủ trương, đường lối, chính sách của Ðảng, Nhà nước; những hoạt động của QH, Chính phủ và các cơ quan T.Ư.
Theo đánh giá của Văn phòng QH, trong nhiệm kỳ QH khóa XII, báo chí và các phương tiện thông tin đã dành thời lượng đáng kể, tập trung đưa tin phản ánh tích cực, có trách nhiệm và hiệu quả về nội dung của các kỳ họp, các hoạt động của QH. Nhiều cơ quan báo chí đã có chuyên trang về QH, hằng ngày cung cấp một số lượng lớn thông tin, bài bình luận, tổng hợp ý kiến cử tri, bài phỏng vấn các đại biểu QH, các chuyên gia đầu ngành trong các lĩnh vực pháp luật, kinh tế, xã hội... thu hút sự quan tâm theo dõi của dư luận xã hội. Nhiều nội dung hoạt động của QH được phản ánh với tinh thần dân chủ, công khai, minh bạch, từng bước đáp ứng mong đợi của người dân. Bằng nhiều hình thức phản ánh, tuyên truyền các cơ quan báo chí đã tạo nên mối quan hệ gắn bó giữa QH và người dân. Báo chí đã và đang trở thành kênh phản biện có ý nghĩa, giá trị đối với các hoạt động của QH nói chung và của kỳ họp QH nói riêng. Là kênh thông tin quan trọng của QH, báo chí cần tiếp tục cải tiến, đổi mới, để thông tin về hoạt động của QH ngày càng phong phú, hấp dẫn và đến với nhân dân nhiều hơn.