Nâng hiệu quả quản lý Nhà nước kiểm toán độc lập

26/03/2011

Chiều 24/3, Quốc hội khóa XII tiếp tục làm việc với phần thảo luận về Dự án Luật Kiểm toán độc lập.

Theo đánh giá của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc ban hành Luật Kiểm toán độc lập nhằm tạo khuôn khổ pháp lý hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước đối với hoạt động kiểm toán độc lập, đáp ứng cam kết thương mại quốc tế, tăng cường tính minh bạch trong hoạt động của doanh nghiệp và của nền kinh tế nói chung.

Theo nội dung dự thảo Luật Kiểm toán độc lập, Bộ Tài chính chịu trách nhiệm trước chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động kiểm toán độc lập và quy định việc thi và cấp chứng chỉ kiểm toán viên; tổ chức thi, cấp, thu hồi và quản lý chứng chỉ kiểm toán viên; cấp, đình chỉ, thu hồi giấy phép thành lập và hoạt động của doanh nghiệp kiểm toán, chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp kiểm toán trong nước; chấp thuận thành lập chi nhánh hoặc công ty của doanh nghiệp kiểm toán ở nước ngoài.

Dự thảo cũng nghiêm cấm đơn vị được kiểm toán và tổ chức, cá nhân có liên quan chọn tổ chức và cá nhân không đủ điều kiện hành nghề theo quy định của pháp luật để ký hợp đồng cung cấp dịch vụ kiểm toán và các dịch vụ khác; từ chối cung cấp thông tin, tài liệu cần thiết cho việc kiểm toán theo yêu cầu của kiểm toán viên hành nghề và doanh nghiệp kiểm toán; cản trở công việc của kiểm toán viên hành nghề và doanh nghiệp kiểm toán.

Dự thảo luật cũng nghiêm cấm đơn vị được kiểm toán và tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp sai lệch, không trung thực, không đầy đủ thông tin liên quan đến cuộc kiểm toán của doanh nghiệp kiểm toán; mua chuộc, hối lộ, thông đồng, móc nối với kiểm toán viên hành nghề và doanh nghiệp kiểm toán để làm sai lệch tài liệu kế toán, báo cáo tài chính và báo cáo kiểm toán; che giấu các hành vi vi phạm pháp luật về tài chính, kế toán…

Góp ý về dự thảo Luật, đại biểu Cao Sỹ Kiêm (Thái Bình) đề nghị ban soạn thảo cần quy định cụ thể tính pháp lý của số liệu thông tin từ kết quả kiểm toán độc lập và có chế tài cụ thể trong trường hợp doanh nghiệp kiểm toán, doanh nghiệp được kiểm toán cung cấp số liệu kiểm toán sai sự thật.

Đại biểu Đặng Văn Xướng (Long An) cho rằng, nếu xét trên cơ sở điều kiện thực tế ở Việt Nam, việc cấp chứng chỉ hành nghề kiểm toán viên chưa nên giao cho các Hội nghề nghiệp mà vẫn nên quy định cho Bộ Tài chính là hợp lý.

Tuy nhiên, để tránh trường hợp quy định này mặc nhiên trở thành một thứ “giấy phép con” gây phiền hà cho doanh nghiệp, đại biểu cũng đề nghị cơ quan quản lý Nhà nước cần tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp kiểm toán, kiểm toán viên trong việc xin cấp chứng chỉ hành nghề. đại biểu cho rằng, dự thảo Luật không nên quy định bắt buộc kiểm toán viên phải là thành viên của Hội Kiểm toán mà nên tìm cách thu hút Hội viên thông qua các hoạt động của mình.

Cũng đồng tình với quan điểm tạm thời quy định thẩm quyền cấp chứng chỉ hành nghề kiểm toán cho Bộ Tài chính, nhưng đại biểu Nguyễn Đăng Trừng (Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, đến thời điểm nào đó, khi các tổ chức nghề nghiệp kiểm toán đủ năng lực, cần chuyển giao thẩm quyền này cho Hội để phù hợp với thông lệ quốc tế.

Đối với điều kiện đăng ký hành nghề kiểm toán của Kiểm toán viên, đại biểu cho rằng không nên bắt buộc kiểm toán viên là hội viên tổ chức nghề nghiệp về kiểm toán nhưng nên quy định tổ chức nghề nghiệp kiểm toán vẫn được quyền kiểm tra đạo đức nghề nghiệp của kiểm toán viên để đảm bảo chất lượng hoạt động loại nghề nghiệp đặc thù này.

Cuối buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh đã phát biểu tiếp thu các ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội và cho biết sẽ tiếp tục hoàn chỉnh, bổ sung sửa đổi để dự thảo Luật Kiểm toán độc lập đạt hiệu quả và chất lượng cao nhất./.

 

 

Quang Vũ (TTXVN/Vietnam+)

(http://www.vietnamplus.vn/)

Các bài viết khác