Khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của Hà Nội

24/03/2011

Chiều 22/3, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Thủ đô.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận các vấn đề còn có những ý kiến khác về cơ chế chính sách trong quản lý, thực hiện quy hoạch và phát triển cơ sở hạ tầng Thủ đô; vấn đề quản lý dân cư; cơ chế, chính sách khai thác, phát huy, sử dụng có hiệu quả nguồn lực về tài chính.

Qua thảo luận, về cơ bản các ý kiến của đại biểu Quốc hội đều tán thành với sự cần thiết phải ban hành Luật Thủ đô nhằm tạo cơ sở pháp lý để xây dựng, quản lý và phát triển Thủ đô giàu đẹp, văn minh, hiện đại, tiêu biểu cho cả nước. Nhiều ý kiến cho rằng, tuy Hà Nội cũng là đơn vị hành chính cấp tỉnh, nhưng với vị trí, vai trò là Thủ đô của cả nước thì Hà Nội có những đặc thù nhất định.

Cụ thể, Hà Nội là trung tâm đầu não chính trị-hành chính quốc gia, nơi đặt trụ sở các cơ quan đầu não Trung ương của Đảng, Nhà nước và các Tổ chức chính trị-xã hội, Cơ quan ngoại giao, Tổ chức quốc tế và là nơi diễn ra các hoạt động đối nội, đối ngoại quan trọng nhất của đất nước. Vì vậy, Hà Nội cần phải được bảo đảm tốt các điều kiện về cơ sở vật chất, hạ tầng, dịch vụ; bảo đảm vững chắc về quốc phòng, an ninh để làm tròn chức năng, nhiệm vụ của Thủ đô.

Đa số các vị đại biểu Quốc hội đều tán thành với việc quy định một số cơ chế, chính sách đặc thù đối với Hà Nội để có thể khai thác hiệu quả tiềm năng, phát huy thế mạnh nhằm xây dựng, quản lý và phát triển Thủ đô xứng đáng là bộ mặt của cả nước.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Đào (Hà Nội) nhất trí với quan điểm Hà Nội cần có những cơ chế đặc thù nhưng băn khoăn liệu việc đặt ra những cơ chế đó có làm mất đi tính thông nhất của hệ thống pháp luật hay không và đề nghị thảo luận làm rõ vấn đề này.

Tán thành với việc cho phép Hội đồng Nhân dân ban hành một số có chế chính sách, đại biểu Đào đề xuất cần ghi thêm quy định mọi chính sách mà Hội đồng Nhân dân đề ra không được trái với quy định của pháp luật, tôn trọng những nguyên tắc cơ bản của pháp luật. Xung quanh nội dung quản lý dân cư tại Điều 22, đại biểu Đào cho rằng, cần xác định như thế nào được hiểu là "có việc làm hợp pháp" để được đăng ký thường trú tại nội thành.

Thảo luận về Điều 12: Quản lý quy hoạch Thủ đô tại Khoản 4 có quy định khi lập quy hoạch chi tiết trục đường giao thông quan trọng, phải lấy ý kiến cộng đồng dân cư thông qua lấy ý kiến của Hội đồng Nhân dân Thành phố. Đại biểu Đinh Xuân Thảo ( Kiên Giang) thấy rằng quy định như vậy ảnh hướng tới quyền công dân và đề nghị đối với nội dung này cần xem xét lấy ý kiến trực tiếp người dân sẽ thỏa đáng hơn.

Về cơ chế, chính sách để bảo đảm an ninh và trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn Thủ đô (Điều 23), trong dự thảo Luật đưa ra quy định cho phép Hà Nội áp dụng mức xử phạt tiền đối với một số hành vi vi phạm hành chính trong khu vực nội thành cao hơn mức áp dụng chung với cả nước trong các lĩnh vực: văn hóa, đất đai, môi trường, xây dựng, giao thông vận tải và cư trú, đại biểu Đinh Xuân Thảo và một số ý kiến khác tán thành với quan điểm này.

Đại biểu Xuân Thảo cho rằng Hà Nội cũng như ở một số đô thị lớn khác, trong số các hành vi vi phạm hành chính có những hành vi cần phải có chế tài xử phạt nghiêm khắc hơn để bảo đảm trật tự quản lý hành chính, tuy rằng đây chưa phải là biện pháp hữu hiệu nhất để Hà Nội giải quyết những vấn đề này. Về vấn đề này, Ủy ban thường vụ Quốc hội cũng có quan điểm Hà Nội cũng như ở một số đô thị lớn khác, trong số các hành vi vi phạm hành chính có những hành vi cần phải có chế tài xử phạt nghiêm khắc hơn để bảo đảm trật tự quản lý hành chính.

Việc quy định áp dụng mức xử phạt vi phạm hành chính cao hơn không xâm phạm đến quyền bình đẳng trước pháp luật của công dân, vì bất kỳ ai khi có hành vi vi phạm phạm pháp luật ở cùng địa điểm thì đều bị xử phạt như nhau. Hơn nữa, việc áp dụng mức xử phạt vi phạm hành chính cao hơn chỉ nhằm vào một số ít những người có hành vi vi phạm pháp luật để giáo dục, răn đe mạnh mẽ và qua đó công tác giáo dục, phòng ngừa chung sẽ tốt hơn.

Ủy ban thường vụ Quốc hội cũng đã cho rà soát lại và chỉnh lý nội dung này để bảo đảm tính đặc thù và khả thi, cụ thể: đối với cư trú không cần thiết phải áp dụng mức xử phạt vi phạm hành chính cao hơn, nên lược bỏ lĩnh vực này ra khỏi dự thảo Luật; bổ sung lĩnh vực an ninh và trật tự, an toàn xã hội vào trong dự thảo Luật vì đây là một trong các lĩnh vực quan trọng, trong đó có một số hành vi đặc thù cần được áp dụng mức xử phạt vi phạm hành chính cao hơn.

Về vấn đề quản lý dân cư, một số ý kiến đại biểu Quốc hội không tán thành với quy định bổ sung các điều kiện chặt chẽ hơn để được đăng ký cư trú trong nội thành thành phố Hà Nội vì những quy định này không thể giải quyết thực chất vấn đề quá tải hiện nay; bởi lẽ vấn đề này không phải hoàn toàn do nhân khẩu thường trú, mà chủ yếu do nhu cầu nội tại của chính Hà Nội về nguồn nhân lực là lao động tự do.

Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) đề xuất giải pháp mở rộng đô thị hoặc thu phí giao thông, môi trường đối với những người tạm trú tại Thủ đô 3 tháng trở lên để điều tiết dân cư... Đại biểu cùng đề xuất dự thảo Luận cần có những quy định cụ thể về vùng nông thôn của Thủ đô trong dự Luật./.

Quỳnh Hoa (TTXVN/Vietnam+)

(http://www.vietnamplus.vn/)

Các bài viết khác