Tại phiên họp lần này, các thành viên Ủy ban đã thảo luận và đóng góp ý kiến về Báo cáo của Chính phủ về quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội; Báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới; nghe báo cáo về chương trình mục tiêu quốc gia thuộc lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội và báo cáo về chương trình mục tiêu quốc gia thuộc lĩnh vực y tế; cho ý kiến về dự thảo báo cáo công tác của Ủy ban từ Kỳ họp thứ Tám đến Kỳ họp thứ Chín; cho ý kiến về một dự án luật trình QH tại Kỳ họp thứ Chín và lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong các dự án luật.
Theo Báo cáo của Chính phủ, tổng quỹ thu bảo hiểm xã hội không kể bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế trong năm 2010 là 49.628 tỷ đồng, tăng 32,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, quỹ hưu trí, tử tuất là 39.703 tỷ đồng; quỹ ốm đau, thai sản là 7.444 tỷ đồng; quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp là 2.481 tỷ đồng. Kết quả thanh tra, kiểm tra thực hiện pháp luật bảo hiểm xã hội cho thấy, trong năm 2010, qua thanh tra tại 775 đơn vị đã phát hiện những sai phạm về bảo hiểm xã hội như chủ doanh nghiệp không thực hiện tham gia bảo hiểm xã hội đầy đủ cho tổng số lao động hiện có của doanh nghiệp thuộc đối tượng phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc; không trả tiền bảo hiểm xã hội vào lương cho người lao động không thuộc diện phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc… Theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, số nợ đọng, chậm đóng bảo hiểm xã hội tính đến ngày 31.12.2010 là 1.725,4 tỷ đồng, bằng 3,36% số phải thu bảo hiểm xã hội trong năm.
Về cơ bản, các thành viên Ủy ban nhất trí với nội dung trong Báo cáo của Chính phủ đã có tiến triển tích cực hơn so với những năm trước như gia tăng số đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, thu quỹ tăng mạnh, bảo hiểm thất nghiệp thực hiện tương đối khả quan so với dự báo… Tuy nhiên, vẫn còn không ít hạn chế, yếu kém tồn tại, kéo dài trong nhiều năm như hạn chế, yếu kém trong xác định, quản lý số đầu mối, số đối tượng, mức lương đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc theo luật định; tình trạng chậm đóng bảo hiểm xã hội vẫn diễn ra thường xuyên, kể cả khu vực hành chính sự nghiệp đã được Nhà nước cấp đủ ngân sách từ đầu năm, số nợ đọng hết năm 2010 của 126.543 đơn vị, chiếm 64,9% đơn vị tham gia bảo hiểm xã hội với số tiền là 1.713 tỷ đồng, bằng 3,3% số phải thu.
Về việc thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2010, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã xây dựng và ban hành một số chính sách, pháp luật về bình đẳng giới như phê duyệt Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 - 2020; phê duyệt và Đề án Hỗ trợ dạy nghề và tạo việc làm cho phụ nữ giai đoạn 2009 - 2015; Đề án giáo dục 5 triệu bà mẹ nuôi, dạy con tốt giai đoạn 2010 - 2015; Đề án tuyên truyền, giáo dục phẩm chất, đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH - HĐH đất nước giai đoạn 2010 - 2015. Việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng văn bản QPPL, nhiều văn bản QPPL đã và đang được Chính phủ xây dựng để trình QH ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền có lồng ghép vấn đề bình đẳng giới; công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bình đẳng giới được thực hiện bài bản hơn, hình thức và đối tượng truyền thông đa dạng và hiệu quả hơn.
Các thành viên của Ủy ban đều nhất trí và đánh giá cao Báo cáo của Chính phủ và nhận thấy công tác bình đẳng giới đã có chuyển biến. Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kể về tăng cường bình đẳng giới và nâng cao vị thế của phụ nữ. So với các nước có cùng trình độ phát triển và thu nhập, Việt Nam có các chỉ số về bình đẳng giới khá cao… Tuy nhiên, các thành viên Ủy ban đề nghị về giải pháp thực hiện mục tiêu bình đẳng giới trong năm 2011, cần tập trung vào một số vấn đề như tập trung chỉ đạo các bộ, ngành được giao chủ trì, phối hợp thực hiện các biện pháp bảo đảm bình đẳng giới phải nỗ lực và tích cực hơn; xác định rõ nguyên tắc lồng ghép giới là xuyên suốt toàn bộ quá trình xây dựng và thực thi không chỉ là văn bản QPPL mà bao gồm cả hoạt động của các cơ quan, tổ chức.
Báo cáo tình hình triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia năm 2011 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, tổng vốn ngân sách Trung ương cấp cho Chương trình là 2.894 tỷ đồng, được phân cho các dự án đổi mới và phát triển dạy nghề là 1.350 tỷ đồng; đào tạo nghề cho lao động nông thôn là 1.000 tỷ đồng; vay vốn tạo việc làm từ Quỹ Quốc gia về việc làm là 280 tỷ đồng; hỗ trợ phát triển thị trường lao động là 204 tỷ đồng… Về dự kiến Chương trình mục tiêu quốc gia việc làm giai đoạn 2011-2015, mục tiêu sẽ hỗ trợ việc làm cho từ 1-1,2 triệu lao động thông qua các dự án vay vốn tạo việc làm từ Quỹ Quốc gia về việc làm; mỗi năm đưa khoảng 80-100 nghìn lao động đi làm việc tại nước ngoài, trong đó có 30-40 nghìn lao động là người nghèo, đối tượng chính sách… với dự kiến tổng kinh phí thực hiện Chương trình là 49.615,9 tỷ đồng.