Hội thảo tái cơ cấu đầu tư công trong bối cảnh đổi mới mô hình tăng trưởng và tái cấu trúc nền kinh tế ở Việt Nam

30/12/2010

Từ 28 - 29.12, tại Thừa Thiên Huế, Ủy ban Kinh tế đã phối hợp với Viện Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức Hội thảo Tái cơ cấu đầu tư công trong bối cảnh đổi mới mô hình tăng trưởng và tái cấu trúc nền kinh tế ở Việt Nam. Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Hà Văn Hiền chủ trì Hội thảo.

Theo Báo cáo của Viện Khoa học xã hội Việt Nam, trong nhiều năm qua, tăng trưởng kinh tế của nước ta đã chủ yếu dựa vào tăng vốn đầu tư, với lượng vốn đầu tư chiếm khoảng 40 - 42% GDP; trong đó, phần vốn Nhà nước và nguồn vốn có tính chất Nhà nước chiếm từ 30 - 35%. Tuy nhiên hiệu quả đầu tư còn thấp thể hiện qua hệ số ICOR còn rất cao; tình trạng đầu tư dàn trải và lãng phí còn khá phổ biến... Hiệu quả đầu tư không cao đã làm chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế thấp hơn. Nghị quyết của QH về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2011 đã xác định: thực hiện chuyển dịch cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế, mà trước hết là điều chỉnh cơ cấu đầu tư, bao gồm đầu tư trong từng ngành, từng lĩnh vực, cơ cấu nguồn vốn theo hướng giảm dần đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, đẩy mạnh xã hội hóa các nguồn đầu tư. Do vậy, cần sớm nhận diện, đánh giá, phân tích và làm rõ hiệu quả đầu tư công hiện nay nhằm góp phần xây dựng cơ cấu đầu tư hợp lý trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn mới. Bởi một cơ cấu đầu tư hợp lý sẽ mang lại hiệu quả đầu tư cao hơn rất nhiều, tạo đòn bẩy cho tăng trưởng kinh tế bền vững.

 Các đại biểu dự Hội thảo thống nhất cho rằng, tìm được giải pháp nâng cao hiệu quả đầu tư là đóng góp thiết thực để đẩy nhanh và thực hiện hiệu quả tiến trình tái cấu trúc nền kinh tế. Để tái cơ cấu đầu tư công, cần thay đổi từ mô hình phát triển kinh tế - xã hội theo chiều rộng sang theo chiều sâu, lấy nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh làm tiêu chí chủ yếu. Đồng thời, thay đổi cơ cấu chi tiêu ngân sách theo hướng giảm bớt chức năng nhà nước kinh doanh để dần chuyển sang chức năng nhà nước phúc lợi; tập trung đầu tư công vào một số địa bàn, lĩnh vực trọng điểm có tính đột phá và lan tỏa, nhằm nhanh chóng tạo ra hiệu quả; bảo đảm tính công khai và minh bạch của các quyết định đầu tư... Các đại biểu cũng nhấn mạnh giải pháp căn cơ để nâng cao hiệu quả và chất lượng đầu tư công là phải hoàn thành khung pháp lý, mà trước mắt phải sớm ban hành Luật Đầu tư công. Khuôn khổ pháp lý được hoàn thiện sẽ giúp thực hiện đầu tư công thống nhất; tạo cơ sở cho cơ quan dân cử và đông đảo cử tri thực hiện giám sát việc đầu tư phần vốn từ Nhà nước và nguồn vốn có tính chất Nhà nước.

 

Phương Thủy

(http://daibieunhandan.vn/)

Các bài viết khác