Phiên họp thứ Ba sáu của UBTVQH

03/12/2010

* Dự thảo Báo cáo Tổng kết hoạt động của QH nhiệm kỳ Khóa XII: Tăng tính thực chất trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ của QH * Dự thảo Báo cáo Tổng kết công tác của UBTVQH trong nhiệm kỳ QH Khóa XII: Công tác xây dựng pháp luật đi vào chiều sâu

Sáng 2.12, dưới sự điều khiển của Phó chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên, UBTVQH đã cho ý kiến về dự thảo Báo cáo Tổng kết hoạt động của QH nhiệm kỳ Khóa XII, Báo cáo Tổng kết công tác của UBTVQH trong nhiệm kỳ QH Khóa XII.

Theo dự thảo Báo cáo Tổng kết hoạt động của QH nhiệm kỳ Khóa XII, bốn năm qua, QH Khóa XII đã tiếp nối và khẳng định rõ nét hơn những đổi mới về tổ chức, hoạt động từ các nhiệm kỳ trước, có nhiều tiến bộ, tăng tính thực chất trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình. Hoạt động lập pháp tiếp tục được đẩy mạnh và có nhiều tiến bộ cả về chất lượng và số lượng; cơ bản đáp ứng được yêu cầu xây dựng, đổi mới, phát triển và bảo vệ đất nước. Quy trình lập pháp được cải tiến hợp lý, chặt chẽ hơn theo hướng hạn chế thấp nhất việc giao Chính phủ hoặc các cơ quan liên quan quy định chi tiết, giúp văn bản luật, pháp lệnh nhanh đi vào cuộc sống. Hoạt động giám sát có trọng tâm, trọng điểm, được tăng cường về nội dung, đổi mới cách thức thực hiện. Các cuộc giám sát đã đi sâu xem xét các vấn đề được giám sát, tạo nên sự chuyển biến tích cực trong thực tế. Việc quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước đã giảm dần tính hình thức, bước đầu đáp ứng được nguyện vọng của cử tri; chất lượng, hiệu quả kỳ họp QH được nâng lên rõ rệt. Hoạt động đối ngoại thu được nhiều kết quả, tiếp tục tăng cường cả về chiều rộng và chiều sâu. Phương thức, chế độ làm việc khoa học hơn, nền nếp hơn; phát huy tính dân chủ thực sự; tính chủ động, sáng tạo được thể hiện rõ; ngày càng thu hút sự quan tâm, ủng hộ của cử tri và nhân dân cả nước. Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, bảo đảm QH thực sự là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, cơ quan đại diện cao nhất của nhân dân trong thời gian tới, Ban chỉ đạo tổng kết nhiệm kỳ QH Khóa XII đề nghị: cần tiếp tục đẩy mạnh và thực hiện có chất lượng công tác lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Với tổ chức và hoạt động của QH thì cần kết hợp hài hòa giữa cơ cấu và chất lượng ĐBQH. Giảm lượng đại biểu công tác trong các cơ quan hành pháp, tư pháp và bổ sung tỷ lệ thỏa đáng ĐBQH là cán bộ có kinh nghiệm thực tiễn, các nhà khoa học có trình độ, năng lực và điều kiện tham gia hoạt động dân cử. Tiếp tục tăng số lượng ĐBQH chuyên trách một cách hợp lý, chủ yếu bố trí tại Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của QH để làm nòng cốt trong việc xây dựng luật, hoạt động giám sát và các hoạt động khác. Đồng thời, nghiên cứu sửa đổi Quy chế hoạt động của ĐBQH và Đoàn ĐBQH theo hướng xác định rõ hơn vị trí, tính chất, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Đoàn ĐBQH và ĐBQH chuyên trách; quy định rõ và có hướng dẫn cụ thể hơn về mối quan hệ giữa lãnh đạo Đoàn với các ĐBQH.

Dự thảo Báo cáo Tổng kết công tác của UBTVQH trong nhiệm kỳ QH Khóa XII nêu rõ: mặc dù thực hiện khối lượng công việc tương đối lớn trong bối cảnh có nhiều thay đổi về công tác tổ chức, nhân sự, nhưng với sự nỗ lực cao, UBTVQH đã hoàn thành công việc được giao, với chất lượng ngày càng được nâng lên. Công tác xây dựng pháp luật tiếp tục có sự cải tiến, ngày càng đi vào chiều sâu, với chất lượng cao hơn. Hoạt động giám sát đã có nhiều đổi mới về nội dung và hình thức, có trọng tâm, đi sâu vào các chuyên đề. Việc quyết định các vấn đề quan trọng thuộc thẩm quyền của UBTVQH ngày càng thực chất hơn, giảm dần tính hình thức. Tuy nhiên, hoạt động của UBTVQH trong những năm qua cũng còn một số hạn chế nhất định như: việc chỉ đạo, đôn đốc thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh chưa thật ráo riết, dẫn đến không hoàn thành chương trình đề ra; hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát còn hạn chế; việc thực hiện giám sát hoạt động của Chính phủ chưa thường xuyên...

Các Ủy viên UBTVQH cơ bản tán thành với hai dự thảo Báo cáo. Nhiều UBTVQH nhấn mạnh, hoạt động lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng và giám sát có mối quan hệ qua lại, tác động lẫn nhau. Do vậy, cần chú ý xây dựng một hệ thống giải pháp tổng thể để nâng cao năng lực hoạt động của QH. Hoạt động lập pháp cần bảo đảm tính chuyên nghiệp cao từ con người đến quy trình thực hiện, đặc biệt phải chú trọng hơn việc xác định chính sách pháp luật rõ ràng trước khi soạn thảo. Hoạt động quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước phải tạo cơ chế dân chủ, hoàn thiện hơn, bảo đảm tính thực chất trong quyết định của QH. Tương tự, hoạt động giám sát chỉ có hiệu lực, hiệu quả khi có căn cứ pháp lý cụ thể, rõ ràng và hoàn thiện; đòi hỏi bản lĩnh, tinh thần trách nhiệm cao của người đại biểu nhân dân; chất vấn và trả lời chất vấn thường xuyên được cải tiến, đổi mới. Để nâng cao hiệu quả của công tác giám sát, một số Ủy viên UBTVQH cho rằng, cần khẩn trương sửa đổi, bổ sung Luật Hoạt động giám sát của QH và các văn bản liên quan để xác định rõ phạm vi, đối tượng chịu sự giám sát tối cao của QH; thẩm quyền giám sát của các chủ thể; hậu quả pháp lý sau giám sát; quy trình, thủ tục về chất vấn, trả lời chất vấn, về bỏ phiếu tín nhiệm đối với các chức danh được QH bầu và phê chuẩn...

Buổi chiều, UBTVQH cho ý kiến về việc chuẩn bị kỷ niệm 65 năm QH Việt Nam.

 

 

Phương Thủy

(http://daibieunhandan.vn)

Các bài viết khác