Khẳng định vai trò quan trọng của hoạt động đo lường đối với đời sống, sản xuất, kinh doanh, nghiên cứu khoa học, an ninh và quốc phòng, các đại biểu cũng bày tỏ lo ngại trước một số bất cập trong chính sách, pháp luật về đo lường, hệ thống đo lường trước yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế và phát triển đất nước, chưa đáp ứng được yêu cầu.
Ví dụ nhiều hành vi vi phạm về đo lường trong kinh doanh xăng dầu, vận tải hành khách bằng taxi, kinh doanh điện năng, nước sạch và trong nhập khẩu, lưu thông hàng đóng gói sẵn, như đại biểu Nguyễn Thị Mai (Ninh Thuận) nêu. Vì vậy việc ban hành Luật đo lường là rất cần thiết và cấp bách.
Các đại biểu Hoàng Thị Tuân (Bắc Giang), Dương Kim Anh (Trà Vinh) cùng nhiều đại biểu khác cũng khẳng định việc ban hành Luật đo lường có ý nghĩa quan trọng trong bảo đảm công bằng thương mại, thúc đẩy phát triển và hội nhập kinh tế; tác động đến việc sử dụng tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, vật tư, năng lượng; đẩy mạnh phát triển khoa học và công nghệ.
Tuy nhiên, nhiều đại biểu mong muốn Ban soạn thảo thể hiện lại dự án luật này theo hướng cụ thể hơn vì theo đại biểu Trương Xuân Quý (Tuyên Quang), đây là luật chuyên ngành sâu, cách thể hiện phải khiến bất kỳ người dân nào cũng có thể đọc hiểu và áp dụng được.
Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) đánh giá dự thảo luật đã được chuẩn bị rất công phu với một trình độ chuyên môn cao nhưng rất khó đọc trong khi Luật này rất quan trọng, thiết thân đối với mỗi người dân.
Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết cũng đồng tình với đại biểu Đặng Như Lợi (Cà Mau), đề nghị thể hiện giản dị, gần gũi hơn với cuộc sống, “thổi được hơi thở của cuộc sống thường nhật vào Luật để người dân dễ hiểu hơn.” Đại biểu Đặng Như Lợi cũng cho rằng, dự thảo còn nặng về quy định đối với cơ quan quản lý nhà nước, còn người dân đọc xong rồi không biết khi xảy ra thiệt hại quyền lợi liên quan đến đo lường thì sẽ được xử lý ra sao.
Một số đại biểu đề nghị nghiên cứu, giải thích thêm một số thuật ngữ như: đo lường, đo lường pháp định, đo lường khoa học, đo lường công nghiệp, tính liên kết đo lường và độ không đảm bảo của phép đo, đơn vị đo cơ bản, đơn vị đo dẫn xuất; làm rõ hoạt động đo lường khoa học và hoạt động đo lường công nghiệp để phân biệt với hoạt động đo lường pháp định.
Liên quan đến phạm vi điều chỉnh, đa số đại biểu Quốc hội đồng tình tập trung vào quy định hoạt động đo lường mang tính pháp định sẽ phù hợp với thực tế của Việt Nam hơn, tuy nhiên các hoạt động đo lường khác thì cũng nên có những quy định mang tính nguyên tắc.
Theo đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang), yêu cầu đầu tiên của quản lý đo lường của một quốc gia là việc ấn định một hệ đơn vị đo lường quốc gia được pháp luật công nhận trong bối cảnh toàn cầu hóa đòi hỏi đo lường pháp định phải đủ khả năng kiểm định hiệu chuẩn một số loại để phục vụ các ngành như sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, y tế, môi trường, khí tượng thủy văn, bưu chính viễn thông, hàng không dân dụng, hàng hải, quốc phòng.
Đại biểu Vũ Thị Phương Anh (Quảng Nam) cũng cho rằng, phạm vi điều chỉnh của Luật đo lường tập trung vào điều chỉnh các nội dung cần thiết của đo lường pháp định là hoàn toàn phù hợp. Sự can thiệp của Nhà nước trong lĩnh vực này là cần thiết, bởi vì trong lĩnh vực đo lường, một trong những vai trò quan trọng của Nhà nước là phải cung cấp những phương tiện cần thiết để các chủ thể trong xã hội có thể tin tưởng vào các kết quả đo lường được cung cấp, ở đây kết quả đo lường được nhấn mạnh hơn so với các phương tiện đo.
Đại biểu Nguyễn Thị Mai (Ninh Thuận) đề nghị dự thảo luật bổ sung phạm vi điều chỉnh thêm đo lường khoa học và đo lường công nghiệp, vì thiếu hai lĩnh vực này thì không thể đẩy nhanh được quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa. Đó cũng là xu hướng phát triển đo lường chung trên thế giới.
Nhiều đại biểu cũng đề nghị, trong quá trình thực hiện phân cấp, cần chú ý đến khả năng thực hiện chức năng quản lý về vấn đề này của các cấp chính quyền địa phương và cơ quan tham mưu của chính quyền địa phương. Cũng nên có nội dung xã hội hóa một cách tương xứng trong một số nhiệm vụ trong hoạt động đo lường.
Các cơ quan Nhà nước phải thể hiện rõ trách nhiệm của mình trước nhân dân, thiết lập một hoạt động kinh tế có trật tự; đi liền đó là đặc biệt chú ý đến vấn đề thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm./.