Sáng 15/9, UBTV Quốc hội tiếp tục phiên họp thứ 34 với việc nghe và cho ý kiến vào dự Luật Tố cáo.
Dự thảo Luật tố cáo gồm 9 chương, 72 điều quy định về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, quyền và nghĩa vụ của người tố cáo, người bị tố cáo và người giải quyết tố cáo; thẩm quyền giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ; thẩm quyền giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực; bảo vệ người tố cáo…
Thảo luận tại phiên họp, đa số các thành viên UBTV Quốc hội tán thành với sự cần thiết phải ban hành Luật Tố cáo; đồng thời cho rằng tố cáo và giải quyết tố cáo là những vấn đề xã hội phức tạp nhưng rất quan trọng.
Việc xây dựng Luật cần đáp ứng được 2 yêu cầu cơ bản là bảo đảm cho công dân có thể thực hiện quyền tố cáo một cách đơn giản, thuận tiện và cơ chế giải quyết tố cáo phải công khai, minh bạch, hiệu quả.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Văn Thuận cho rằng: Dự thảo luật cần phân định rõ thẩm quyền giải quyết đối với các hành vi vi phạm bị tố cáo không chỉ đối với vi phạm nhiệm vụ công vụ mà còn đối với những vi phạm về đạo đức, lối sống.
Theo ông Thuận, Luật phải quy trách nhiệm chứng minh đối với các hành vi bị tố cáo thuộc về cơ quan nhà nước; ngăn chặn hành vi lạm quyền trong việc giải quyết tố cáo; cơ chế bảo vệ người tố cáo cần được quy định rõ ràng, cụ thể hơn; đồng thời, cũng cần có cơ chế bảo vệ người bị tố cáo khi bị tố cáo oan sai; có cơ chế liên thông trong giải quyết tố cáo giữa các cơ quan của Đảng và Nhà nước đối với cán bộ, công chức là đảng viên.
Hai vấn đề được các đại biểu tập trung thảo luận là chủ thể tố cáo và tố cáo không rõ họ tên, địa chỉ người tố cáo. Trong đó, có ý kiến cho rằng, chủ thể tố cáo không chỉ là công dân, cá nhân người nước ngoài mà cần mở rộng thêm chủ thể là tổ chức. Tuy nhiên, theo một số đại biểu thì chỉ nên quy định chủ thể tố cáo là công dân và cá nhân người nước ngoài; còn với tổ chức thì cần có quy định rõ ràng về việc cử người đại diện để tố cáo.
Bên cạnh đó, một số đại biểu cũng băn khoăn về việc cần quy định đối với người tố cáo không rõ họ tên, địa chỉ nhưng nội dung tố cáo rõ ràng, bằng chứng cụ thể, có cơ sở để thẩm tra, xác minh thì cơ quan có thẩm quyền phải xem xét.
Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai cho rằng, trong thực tiễn có những tổ chức đủ mạnh để đại diện cho các thành viên của mình, như Hội Nông dân các tỉnh trong vụ Vedan vừa rồi. Do đó, cần phải có đánh giá thêm về những Luật điều chỉnh với tổ chức trên thực tiễn diễn ra như thế nào.
Cũng theo bà Mai, trong Điều 23, 24 có đưa ra hình thức tố cáo bằng điện thoại, email, fax là rất kịp thời, nhưng cần quy định cơ chế riêng cho những đối tượng tố cáo bằng cách này.
Chiều 15/9, UBTV Quốc Hội tiếp tục cho ý kiến vào Dự thảo Luật Thủ đô./.