Sáng 14.9, dưới sự chủ trì của Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng, UBTVQH đã nghe Báo cáo kết quả chuyến thăm Cộng hòa Cuba và dự Hội nghị tham vấn cấp Chủ tịch Quốc hội G20 của Đoàn đại biểu cấp cao QH Việt Nam; cho ý kiến về Báo cáo công tác chuẩn bị Đại hội đồng AIPA-31.
Báo cáo về công tác chuẩn bị Đại hội đồng AIPA - 31, Ủy viên UBTVQH, Trưởng Ban Tổ chức AIPA - 31, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Son cho biết: Đại hội đồng AIPA - 31 sẽ diễn ra tại Thủ đô Hà Nội từ ngày 20 - 24.9 với chủ đề “Đoàn kết các dân tộc vì sự phát triển bền vững của Cộng đồng ASEAN”. Đến nay, nhìn chung toàn bộ công việc chuẩn bị cho Đại hội đồng AIPA - 31 cơ bản đã hoàn thành, bảo đảm đúng tiến độ đề ra. Dự kiến chương trình nghị sự, chương trình làm việc của Đại hội đồng tại các Ủy ban chuyên đề là Ủy ban Chính trị, Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Xã hội, Ủy ban Tổ chức, Ủy ban Nữ nghị sỹ AIPA và Ủy ban đối thoại với các nước Quan sát viên đã được gửi sớm đến tất cả các nước thành viên, Quan sát viên đặc biệt của AIPA và các bên đối thoại để lấy ý kiến. Ý kiến phản hồi của các nước đều nhất trí cao với chủ đề và dự kiến chương trình của Đại hội đồng AIPA - 31 do QH nước ta đề xuất; cho rằng đã phản ánh được mối quan tâm chung của các nước ASEAN về những vấn đề của khu vực, thế giới, nhất là thể hiện được trọng tâm hoạt động của Đại hội đồng AIPA - 31 là đoàn kết, phấn đấu vì mục tiêu xây dựng Cộng đồng ASEAN.
Các Ủy viên UBTVQH đánh giá cao công tác chuẩn bị cho Đại hội đồng AIPA - 31. Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng lưu ý, Đại hội đồng AIPA - 31 là một sự kiện quan trọng, một hoạt động lớn bao gồm rất nhiều hoạt động nhỏ nên từng bộ phận, kế hoạch phải được chuẩn bị hết sức chu đáo, kỹ lưỡng, tỷ mỉ; phải đôn đốc và kiểm tra thường xuyên, không được phép chủ quan, lơ là. Phải dự kiến tất cả các tình huống có thể xảy ra và phương án xử lý trong từng tình huống. Công tác tuyên truyền phải được thực hiện bài bản, nêu bật tư tưởng và ý nghĩa của Đại hội đồng AIPA – 31... Làm thế nào để các hoạt động của Đại hội đồng AIPA - 31 toát lên hình ảnh một nước Việt Nam hòa bình, ổn định, phát triển; một nền văn hóa Việt Nam phong phú và đặc sắc; con người Việt Nam thân thiện, hữu nghị; một QH Việt Nam năng động và đang đổi mới.
Các Ủy viên UBTVQH đề nghị Ban Tổ chức Đại hội đồng AIPA - 31 tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình để hoàn thiện các nội dung, kịp thời xử lý khéo léo, linh hoạt các vấn đề phát sinh. Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, cả trước, trong và sau Đại hội đồng AIPA – 31 để người dân ngày càng hiểu rõ hơn về hoạt động và vai trò của AIPA. Chủ tịch HĐDT K’sor Phước cho rằng, cách thức tổ chức Đại hội đồng AIPA - 31 phải thể hiện rõ sự chủ động, năng động của QH nước ta trong vai trò chủ nhà. Nội dung chương trình nghị sự khẳng định được Việt Nam là thành viên có trách nhiệm đối với các vấn đề chung của cộng đồng, đồng thời cũng thể hiện quan điểm của Đảng và Nhà nước ta về các vấn đề quốc tế.
Buổi chiều, dưới sự điều khiển của Phó chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn, UBTVQH cho ý kiến về Báo cáo kết quả giám sát Việc thực hiện chính sách, pháp luật về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Theo Báo cáo kết quả giám sát Việc thực hiện chính sách, pháp luật về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng do Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai trình bày nêu rõ: các cơ quan quản lý nhà nước đã ban hành nhiều văn bản pháp luật quy định về hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài; ban hành nhiều chính sách hỗ trợ người lao động, đặc biệt là hộ gia đình người có công, hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số; chủ động mở rộng, phát triển thị trường lao động. Các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc đã tích cực tìm kiếm, khai thác, mở rộng thị trường; bảo đảm quyền và lợi ích cho người lao động... Tuy nhiên, trong công tác quản lý nhà nước, các văn bản hướng dẫn ban hành còn chậm, một số nội dung chưa được hướng dẫn cụ thể hoặc còn chồng chéo. Chất lượng hiệu quả tuyên truyền phổ biến pháp luật còn thấp, chưa thực sự đến với người lao động. Chưa quản lý, kiểm soát và đánh giá được chất lượng hoạt động của các doanh nghiệp tham gia hoạt động dịch vụ. Nhiều địa phương có Ban Chỉ đạo xuất khẩu lao động từ cấp tỉnh đến cấp xã nhưng hoạt động chưa thường xuyên, chưa chú trọng hỗ trợ giải quyết việc làm cho lao động sau khi về nước. Một số doanh nghiệp có quy mô nhỏ, thiếu chuyên môn, kinh nghiệm; việc đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài chỉ là hoạt động kết hợp trong kinh doanh đa ngành nên chưa thực sự lấy mục tiêu phục vụ người lao động là chính, chưa tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, trình độ tay nghề và ngoại ngữ của người lao động còn thấp, ý thức chấp hành pháp luật, kỷ luật lao động và khả năng hòa nhập chưa cao cũng là nguyên nhân gây không ít khó khăn cho công tác quản lý.
Đoàn giám sát kiến nghị, QH giám sát thường xuyên việc thực hiện chính sách, pháp luật về đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Chính phủ, các Bộ, ngành cần rà soát các văn bản hướng dẫn thi hành Luật để sửa đổi, bổ sung, thay thế những quy định mâu thuẫn; tiếp tục cụ thể hóa nhằm bảo đảm tính thống nhất và khả thi của các văn bản pháp luật về lĩnh vực này. Xây dựng tiêu chí đánh giá hiệu quả của các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ; hướng tới đánh giá, công bố định kỳ chất lượng hoạt động của các doanh nghiệp. Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật và cung cấp thông tin cần thiết cho người lao động…
Các Ủy viên UBTVQH cơ bản tán thành với những đánh giá và kiến nghị của Đoàn giám sát. Tuy nhiên, theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận, kết quả giám sát mới thể hiện được hiệu quả kinh tế của việc người lao động đi làm việc ở nước ngoài mà chưa thấy rõ hiệu quả xã hội, hiệu quả quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam. Cùng quan điểm này, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Quang Bình cho rằng, thực tế không ít người lao động khi sang làm việc ở nước ngoài có những hành vi ảnh hưởng không tốt đến hình ảnh của đất nước. Một bộ phận người lao động hết thời hạn nhưng không về nước mà ở lại bất hợp pháp hoặc bỏ sang nước khác. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến lợi ích của bản thân người lao động mà còn dẫn đến các hệ quả khác. Vì vậy, ngoài nâng cao hiệu quả quản lý hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, thì việc quản lý, theo dõi người lao động đang lao động ở các nước cũng hết sức cần thiết.
Đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài là chiến lược quan trọng, lâu dài, góp phần xây dựng đội ngũ lao động cho công cuộc xây dựng đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, giải quyết việc làm và phát triển kinh tế - xã hội. Song, phần lớn lao động xuất khẩu của nước ta có trình độ thấp và chưa được đào tạo nghề; lao động có tay nghề cao rất ít, chỉ chiếm 20-30%. Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu cho rằng, trong khi nhiều nước đã chuyển hướng xuất khẩu lao động có tay nghề cao, xuất khẩu chuyên gia, nước ta cũng phải xác định, xây dựng chiến lược và định hướng lâu dài cho phù hợp. Nhiều Ủy viên UBTVQH đề nghị, Báo cáo kết quả giám sát cần làm rõ chiến lược xuất khẩu lao động của nước ta sắp tới như thế nào? Có tiếp tục đưa người lao động ra nước ngoài làm việc nữa hay không? Nếu có thì tập trung vào những ngành nghề, lĩnh vực gì để vừa giải quyết việc làm cho người lao động vừa bảo đảm nhu cầu lao động trong nước. Đồng thời, cần đánh giá, phân loại các thị trường lao động. Thị trường nào tốt, tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động hoặc có triển vọng hợp tác lâu dài thì nên tập trung đầu tư...