Những cuộc khủng hoảng kinh tế có tính lan truyền phát sinh trong 2 thập niên vừa qua do quá trình toàn cầu hóa đã và đang làm thay đổi trật tự kinh tế thế giới; đòi hỏi các cơ quan quản lý, xây dựng chính sách phải nghiên cứu vấn đề tái cấu trúc, đổi mới mô hình tăng trưởng ở mỗi quốc gia cũng như trên thế giới. Hội thảo được tổ chức nhằm trao đổi, đối thoại về các kinh nghiệm, bài học xây dựng mô hình tăng trưởng kinh tế trong tình hình mới. Tại Hội thảo, các đại biểu đã thảo luận về hai chủ đề: ý nghĩa chính sách tăng trưởng của mối quan hệ giữa cấp tín dụng, hoạt động đầu tư và sự hình thành thu nhập qua các ví dụ trên thế giới; mối tương quan giữa các quan hệ sở hữu và hiệu quả kinh tế của doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân.
Các đại biểu tham dự Hội thảo nhận định: tăng trưởng kinh tế theo chiều rộng; các vùng kinh tế phát triển không đồng đều; khả năng hấp thụ của thị trường tài chính, tiền tệ còn yếu; hiệu quả đầu tư còn thấp; mức chênh lệch giữa tiết kiệm và đầu tư ngày càng tăng... là những nguyên nhân cơ bản tạo ra bất ổn kinh tế vĩ mô trong tương lai, nếu không có giải pháp kịp thời nhằm cơ cấu lại nền kinh tế. Do vậy, cần sớm xây dựng mô hình tăng trưởng phù hợp, nhất là xác định những động lực mới, mang tính bền vững của tăng trưởng kinh tế. Một số ý kiến cho rằng, trước mắt, không nên tiếp tục thảo luận về tỷ lệ doanh nghiệp nhà nước/doanh nghiệp tư nhân bao nhiêu là vừa. Bởi sở hữu nhà nước trong doanh nghiệp không tác động nhiều đến hiệu quả đầu tư vốn ngân sách nhà nước. Ngược lại, khảo sát thực tế đối với các doanh nghiệp nhà nước được cổ phần hóa cho thấy, chất lượng quản trị, cách thức điều hành doanh nghiệp sẽ quyết định hiệu quả kinh doanh, sản xuất, chứ không phải do ai sở hữu. Hơn nữa, doanh nghiệp tư nhân đa phần có năng lực yếu, chưa đóng góp nhiều vào quá trình đổi mới khoa học, công nghệ, cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế nước ta.